ĐOÀN ĐBQH VIỆT NAM THAM DỰ HỘI NGHỊ NGHỊ VIỆN BÊN LỀ PHIÊN HỌP LẦN THỨ 28 CỦA HỘI NGHỊ CÁC BÊN CÔNG ƯỚC KHUNG CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (COP28)

07/12/2023

Ngày 06/12/2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Việt Nam do đồng chí Lê Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Nghị viện bên lề Phiên họp lần thứ 28 của Hội nghị các bên Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (IPU COP28) tại Dubai, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tham gia Đoàn có đại diện Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG GIÁM SÁT CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI ĐIỆN BIÊN

IPU COP28 là một trong các sự kiện do Liên minh nghị viện thế giới (IPU) phối hợp với Hội đồng Quốc gia Liên bang UAE tổ chức, là một phần trong chuỗi các sự kiện được tổ chức nhằm thể hiện vai trò, tiếng nói của các nghị viện và các nghị sĩ trong nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; thể hiện sự ủng hộ, đồng hành về mặt chính trị của nghị viện đối với chính phủ các nước trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Tham gia Hội nghị IPU COP28 năm nay có 30 Chủ tịch Quốc hội và khoảng 500 nghị sĩ đến từ hơn 100 nghị viện các nước, đại diện cho các châu lục trên thế giới và các tổ chức quốc tế. Mục tiêu của Hội nghị IPU COP28 là đánh giá vai trò của nghị viện trong các vấn đề môi trường và những đóng góp vào chương trình nghị sự về khí hậu; thảo luận lộ trình để tăng cường hành động của nghị viện về biến đổi khí hậu. Hội nghị cũng là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, ban hành và thực hiện pháp luật tại các quốc gia thế giới; thúc đẩy liên kết và hợp tác giữa các nghị sĩ và nghị viện giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu.

Ngài Saqr Ghobash, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang UAE phát biểu tại Phiên khai mạc của Hội nghị IPU COP28

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang UAE Saqr Ghobash nhấn mạnh những kết quả đạt được tại COP28, đặc biệt là việc thành lập quỹ trị giá 30 tỷ USD cho các giải pháp khí hậu toàn cầu và kích hoạt Quỹ Tổn thất và Thiệt hại để hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu, minh chứng cho trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia trong quá trình giải quyết khủng hoảng khí hậu. Ngài Saqr Ghobash khẳng định biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu của UAE kể từ khi thành lập vào năm 1971 với hai hướng tiếp cận giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là: (i) đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch và tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để đạt được mức độ trung hòa carbon; (ii) thiết lập các khuôn khổ pháp lý hợp lý và minh bạch để hướng dẫn quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực.

Tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc IPU COP28 còn có Đại sứ Majid Al Suwaidi, Tổng Giám đốc và Đại diện đặc biệt của COP28; cho biết đây là lần đầu tiên Hội nghị Nghị viện được tổ chức trong Vùng Xanh (Green Zone), một minh chứng cho cam kết của UAE trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác về hành động vì khí hậu.

Ngài Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong khẳng định vai trò quan trọng của nghị viện các nước trong tiến trình đề ra và thực hiện các mục tiêu của COP. Từ sau khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 2015, các kỳ họp COP là dịp để các bên cùng bàn bạc, đám phán và thống nhất các giải pháp thúc đẩy thực hiện Thỏa thuận này.

Hội nghị IPU COP28 đã tập trung thảo luận vào nhiều vấn đề quan trọng gồm: (i) Những tiến bộ khoa học và kết quả đạt được trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris; (ii) Tầm quan trọng, cơ hội và thách thức của việc đảm bảo bình đẳng trong các nỗ lực ứng phó toàn cầu với biến đổi khí hậu; khả năng thích ứng của các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội và các hành động đáp ứng nhu cầu giới; (iii) Tính cấp thiết của việc vận hành Cơ chế Tổn thất và Thiệt hại cho các quốc gia đang phải đối mặt với những tác động không thể khắc phục của biến đổi khí hậu; (iv) Vai trò quan trọng của hoạt động giám sát của nghị viện trong thúc đẩy thực hiện hiệu quả Thỏa thuận Paris và các cam kết tại COP28. Các diễn giả quốc tế, nghị sĩ các nước đã chia sẻ kinh nghiệm về những thách thức mà các quốc gia phải đổi mặt, các sáng kiến và kinh nghiệm quý trong triển khai ở các nước.

Tại IPU COP28, Đoàn ĐBQH Việt Nam tham gia ý kiến tại 02 phiên thảo luận chuyên đề về: (i) Thu hẹp khoảng cách thích ứng, tăng cường hành động vì khí hậu, đảm bảo công bằng về khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương; (ii) Thúc đẩy thực hiện hiệu quả Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết tại COP28. Tham gia IPU COP28, Đoàn ĐBQH Việt Nam mang tới thông điệp Quốc hội Việt Nam đặc biệt coi trọng, tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Đoàn ĐBQH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị IPU COP28

Trong phiên thảo luận về “Thu hẹp khoảng cách thích ứng, tăng cường hành động vì khí hậu, đảm bảo công bằng về khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương”, Đoàn Việt Nam đã khẳng định cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không chỉ và không thể là nỗ lực đơn lẻ của một quốc gia mà đòi hỏi sự chuyển biến về nhận thức, tư duy, chính sách và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của mọi chủ thể quan hệ quốc tế, trong đó có nghị viện các quốc gia thành viên IPU. Tuy nhiên, khả năng thích ứng và hành động vì môi trường của các quốc gia là không giống nhau, đặc biệt các nước đang phát triển là những cộng đồng dễ bị tổn thương trước thách thức của biến đổi khí hậu nhưng lại hạn chế về nguồn lực (tài chính, công nghệ …) để thích ứng. Đoàn ĐBQH Việt Nam cũng kêu gọi hành động nghị viện ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương; đảm bảo không ai hay nước nào bị bỏ lại phía sau; thúc đẩy tài chính ưu đãi cho khí hậu để làm đòn bẩy then chốt, giúp mở khoá các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Về vấn đề “Tăng cường hợp tác nghị viện thúc đẩy thực hiện hiệu quả Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết tại COP 28”, Đoàn ĐBQH Việt Nam cũng ủng hộ việc các nghị viện thành viên tạo điều kiện cho hợp tác chuyển giao khoa học và công nghệ, nhất là dành các ưu đãi, ưu tiên hợp lý dành cho các quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp; thúc đẩy các hoạt động hợp tác, viện trợ, hỗ trợ Bài phát biểu của Đoàn ĐBQH Việt Nam đã nhận được sự tán thành, biểu dương của toàn thể các đại biểu tham dự Hội nghị.

Bên lề Hội nghị, Đoàn ĐBQH Việt Nam đã có một số cuộc tiếp xúc song phương và làm việc với một số đối tác quan trọng.

Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang UAE Saqr Ghobash chào mừng Đoàn ĐBQH Việt Nam đã đến tham dự Hội nghị, đồng thời mong muốn qua sự kiện này củng cố mối quan hệ giữa nghị viện hai nước. Đại diện Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Quốc gia Liên bang UAE bày tỏ mong muốn hai Bên thúc đẩy tiến tới ký thỏa thuận hợp tác trong thời gian tới. Trưởng đoàn Việt Nam đã chúc mừng và cám ơn nước chủ nhà đã tổ chức thành công Hội nghị IPU COP28, tạo điều kiện để các nghị sĩ trên toàn thế giới về đây thể hiện quan điểm và sự ủng hộ đối với Chính phủ các nước tại COP28. Đồng thời cũng mong rằng, các nghị sĩ UAE tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp, tham gia hợp tác trên các lĩnh vực về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, bảo đảm một xã hội phát triển bền vững.

Đoàn ĐBQH Việt Nam gặp Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang UAE Saqr Ghobash và Đoàn Nghị sĩ Hội đồng Quốc gia Liên bang UAE - Nước chủ nhà, tại Hội nghị IPU COP28

Tại cuộc gặp với Ngài Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đánh giá cao sự hỗ trợ của Ban Thư ký IPU đối với hoạt động của nghị viện các nước, trong đó có Việt Nam. Đồng thời cũng khẳng định chủ đề phát triển bền vững và biến đổi khí hậu được Quốc hội Việt Nam quan tâm và sẽ tiếp tục hiện thực hóa những cam kết quốc tế trong lĩnh vực này vào hệ thống pháp luật và thực hiện giám sát thi pháp luật tại Việt Nam trong thời gian tới, thông qua các chức năng lập pháp, giám sát và phân bổ ngân sách của Quốc hội.

Đoàn ĐBQH Việt Nam gặp Tổng Thư ký IPU Martin Chungong tại Hội nghị IPU COP28

Trưởng đoàn Việt Nam cũng thông tin về việc Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi), trong đó có cả một chương về biến đổi khí hậu, làm rõ trách nhiệm của các bên có liên quan trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để thực hiện được hiệu quả những mục tiêu trên rất cần sự hợp tác, chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế với nghị viện các nước thành viên IPU và Ban Thư ký.

Đáp lời, Ngài Tổng Thư ký nhiệt liệt chào mừng Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự Hội nghị IPU COP28, cảm ơn Quốc hội Việt Nam đã đăng cai rất thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 vừa qua và cho rằng Quốc hội Việt Nam đang ngày càng phát triển và chủ động hơn trong các hành động về biến đổi khí hậu.

Đoàn ĐBQH Việt Nam cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Trưởng Đoàn nghị sỹ Bờ Biển Ngà, Indonesia và CHLB Đức. Tại các cuộc tiếp xúc, Đoàn ĐBQH Việt Nam đều khẳng định về việc Quốc hội Việt Nam ủng hộ sáng kiến của nghị viện các nước trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và ủng hộ Chính phủ Việt Nam về việc đưa ra các sáng kiến tại COP28; đề nghị tiếp tục thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn nghị viện quốc tế.

Đoàn ĐBQH Việt Nam có cuộc gặp song phương với Đoàn Bờ Biển Ngà tại Hội nghị IPU COP28

Đoàn ĐBQH Việt Nam có cuộc gặp song phương với Đoàn Indonesia tại Hội nghị IPU COP28

Tại cuộc gặp với Đoàn nghị sĩ CHLB Đức bên lề Hội nghị, Bà Lisa Badum, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ khí hậu và Năng lượng đánh giá cao Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công vằng (JETP) của Việt Nam. Hai Bên cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác cùng nhau vượt qua khủng hoảng khí hậu là hết sức cần thiết; khẳng định phía Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tăng cường hành động về khí hậu, đảm bảo công bằng cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Đoàn ĐBQH Việt Nam làm việc với Đoàn CHLB Đức về vấn đề biến đổi khí hậu bên lề Hội nghị

Hội nghị cũng đã thông qua Văn kiện đề ra lộ trình, kêu gọi các nghị viện, với vai trò lập pháp và giám sát, tăng cường hành động nghị viện về khí hậu và tìm kiếm các phương pháp tiếp cận chính sách mới thúc đẩy sự liên kết giữa chính sách quốc gia với các mục tiêu khí hậu quốc tế. Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong nhắc lại và khẳng định vai trò quan trọng của các nghị sĩ trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua hệ thống luật pháp hiệu quả, ngân sách xanh và giám sát việc thực hiện của các chính phủ sau COP28.