QUỐC HỘI KHÓA XV VỚI NHIỆM VỤ PHẤT CAO NGỌN CỜ CỦA ĐẢNG VỀ VĂN HÓA - BÀI 1: VĂN HÓA CÒN THÌ DÂN TỘC CÒN
QUỐC HỘI KHÓA XV VỚI NHIỆM VỤ PHẤT CAO NGỌN CỜ CỦA ĐẢNG VỀ VĂN HÓA - BÀI 2: CẦN NGUỒN LỰC XỨNG TẦM
Nhờ có quan điểm, đường lối của Đảng soi sáng, dẫn đường; sự “thôi thúc” từ những bất cập từ thực tiễn cuộc sống được Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động nhận diện cho thấy, đã hội tụ đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Đây chính là “đòn bẩy” quan trọng mang tính dẫn dắt để tháo gỡ kịp thời những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa với những giải pháp căn cơ, lâu dài giúp khơi thông nguồn lực, thúc đẩy văn hóa phát triển trong tình hình mới.
Liên tiếp các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành, giao Chính phủ “khẩn trương”, “sớm” ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Trong đó: Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 14 giao Chính phủ xây dựng Chương trình hoặc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nghị quyết số 68/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, giao nhiệm vụ cho Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Tại Hội thảo văn hóa cuối năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã kết luận về 9 nhóm chính sách và 7 nhiệm vụ cụ thể cần làm ngay, trong đó có nhiệm vụ sớm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã yêu cầu trong năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
Với sự đồng thuận rất cao, ngay tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Trong đó, yêu cầu Chính phủ: “Quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam. Trong năm 2024, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035…”
Trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhắc lại yêu cầu này: “Yêu cầu Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam”.
Là chuyên gia, đại biểu Quốc hội tâm huyết lâu năm trong ngành văn hóa, cũng như là thành viên của cơ quan sẽ giúp Quốc hội thẩm định “Đại dự án này”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa không chỉ đơn thuần là một kế hoạch chi tiết, mà còn là một phương tiện để thể hiện quyết tâm và sự cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa, được thực hiện với sự nhất quán và liên kết với các chính sách và quyết sách khác trên toàn quốc, đem lại sự tự tin, bản lĩnh và sự phát triển toàn diện cho văn hóa và con người Việt Nam, góp phần vào khẳng định uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, để văn hóa trở thành yếu tố hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, khi sự phát triển kinh tế - xã hội đang ngày càng đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo, bền vững, vì lợi ích của Nhân dân, việc Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải hoàn thành Chương trình này trong năm 2024 là một yêu cầu hợp lý, hợp lòng dân. Khi được thông qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa sẽ là “đòn bẩy” vô cùng quan trọng để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là mục tiêu, động lực và hệ điều tiết cho sự phát triển toàn diện của đất nước.
Khi được thông qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa sẽ là “đòn bẩy” vô cùng quan trọng để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là mục tiêu, động lực và hệ điều tiết cho sự phát triển toàn diện của đất nước.
Đã từng trực tiếp thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trước đây, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam hiểu rất rõ giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đối với những nhu cầu cấp thiết của ngành văn hóa trong bối cảnh đầu tư ngân sách thường xuyên cho ngành luôn eo hẹp, thiếu thốn và chậm trễ. Bà đánh giá cao việc Quốc hội đưa yêu cầu về Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa vào Nghị quyết của mình tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua.
GS.TS Từ Thị Loan đánh giá, Quốc hội khóa XV đã thể hiện rất tốt nhiệm vụ thể chế hóa chủ trương của Đảng về văn hóa, vai trò quyền lực tối cao đại biểu của Nhân dân, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri để thúc đẩy, ban hành những quyết sách lớn và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước. Quốc hội yêu cầu trong năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 là tin vui rất lớn cho ngành văn hóa nói riêng, cả nước nói chung, mong rằng “đòn bẩy” này sẽ tạo ra một cú hích để ngành văn hóa chuyển mình và đạt được những thành tựu khả quan.
Chính phủ sẽ trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia tổng thể về chấn hưng, bảo tồn và phát triển văn hóa trong thời gian tới, để xây dựng văn hóa. (Ảnh minh họa)
Thấm nhuần tư tưởng của Đảng và “giao việc” của Quốc hội, Chính phủ cũng có sự chú trọng trong đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến văn hóa, với cách tiếp cận mới, trên tinh thần đổi mới, hành động, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ. Phát biểu tại hội trường Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã khẳng định quyết tâm hiện thực hóa chủ trương, thành chính sách, trong đó văn hóa trong thời đại hiện nay không chỉ là nền tảng tinh thần, mà có thể là nền tảng vật chất. Đồng thời khẳng định, Chính phủ sẽ trình Quốc hội một “đại dự án”, đó là Chương trình mục tiêu quốc gia tổng thể về chấn hưng, bảo tồn và phát triển văn hóa trong thời gian tới, để xây dựng văn hóa xứng đáng với vị trí, vai trò hết sức quan trọng đã được Đảng, Quốc hội chỉ ra.
Về phía cơ quan chủ quản, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ nhận thức về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa ở hai cách tiếp cận: Về nguồn lực theo nghĩa rộng, trong nhiệm kỳ này, Đảng, Nhà nước và Quốc hội rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, đặt văn hóa ngang với kinh tế và chính trị. Sau thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc (dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” (do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì), cùng các hội thảo khác nhằm làm rõ những nội hàm của các giá trị, hệ giá trị. Qua đó, giúp cho ngành văn hóa có thêm niềm tin mới, nguồn lực mới và động lực mới để tập trung cho nhiệm vụ phát triển văn hóa theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Dưới góc độ nguồn lực tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, ngày 20/7/2004, Bộ Chính trị đã có quyết nghị chi cho văn hóa đạt ít nhất là 1,8% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm, nhưng kết thúc nhiệm kỳ của khóa XIV, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy, tổng chi ngân sách Nhà nước cho văn hóa chỉ đạt 1,7%. Nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt hơn và đề xuất Chính phủ phải chi cho văn hóa 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm.
Quán triệt chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về nguồn lực phát triển văn hóa phải bắt đầu từ thể chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, tạo điều kiện theo hướng không chỉ tăng cường công tác quản lý, mà còn tạo điều kiện để kiến tạo, phát triển. Quan tâm đề xuất sửa đổi một số luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Thuế… Qua đó tạo ra cơ chế khơi thông các nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt và huy động nguồn lực xã hội để bổ sung cho nguồn lực văn hóa.
Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, nhất là về văn hóa nói riêng không dễ dàng để từ đó khai thác hiệu quả và tạo sự chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển văn hóa. Bởi vậy, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cần bám sát vào quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đảm bảo sự nhất quán và liên kết giữa các chương trình, dự án văn hóa trên toàn quốc.
Điều đầu tiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chúng ta cần tạo ra một môi trường thuận lợi, lành mạnh cho sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Môi trường đó cần đến từ không khí tự do sáng tạo, tự do tranh luận để tìm ra những cách thức, giá trị phù hợp nhất cho phát triển văn hóa, con người; từ chính sách, pháp luật cả trực tiếp (về điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, công nghiệp văn hóa,...) lẫn gián tiếp (về đất đai, thuế, đối tác công – tư, quản lý, sử dụng tài sản công,...) để văn hóa nhận được sự quan tâm thực chất hơn, nguồn lực đầu tư nhiều hơn từ toàn xã hội.
Đặc biệt, đây nên là những dự án tập trung cho con người, cả con người Việt Nam nói chung và nhân lực ngành văn hóa nói riêng. “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người”. Nếu đầu tư của Chương trình thực sự xây dựng được con người Việt Nam có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp như yêu nước, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình,... đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, giúp cho các văn nghệ sĩ, nghệ nhân có điều kiện tốt hơn để tỏa sáng tài năng của mình, thì tôi tin rằng, tất cả người dân Việt Nam đều ủng hộ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn lưu ý, những dự án của Chương trình cũng cần tập trung cho việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa quan trọng của đất nước – nơi lưu giữ, chuyên chở, chuyển giao những giá trị quý báu của dân tộc, bởi lẽ nếu chúng ta để mặc cho các di sản này tự “sống”, tự “điều chỉnh” bởi quy luật kinh tế thị trường thì rất dễ bị biến dạng, thậm chí bị biến mất.
Thể chế, chính sách là những yếu tố rất quan trọng để phát triển văn hóa. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã từng nói: “Phát triển văn hoá phải bao gồm cả thể chế và nguồn lực, nhưng xét đến cùng, để có nguồn lực cũng phải từ thể chế”. Do đó, việc kiến tạo một hành lang pháp lý thông thoáng, tiến bộ nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa dân tộc thông qua Chương trình này là điều đặc biệt quan trọng.
PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa phải tiếp tục được nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện; thể chế văn hóa phải tương thích với thể chế kinh tế, thể chế chính trị. Các chính sách văn hóa phải được đặt trong tổng thể chính sách phát triển của quốc gia. Hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa phải tiếp cận với hệ thống chính sách, pháp luật quốc tế về văn hóa. Đặc biệt, tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học phải là tinh thần xuyên suốt của các chính sách, pháp luật về văn hóa. Đồng thời, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về văn hóa, cần phát huy hơn nữa sự tham gia của người dân, từ khâu hoạch định chính sách, tổ chức triển khai, giám sát triển khai và phản hồi chính sách.
Cho rằng việc thiết kế Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cần phải bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Quốc hội về phát triển văn hóa Việt Nam trong thời gian gần đây, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm lưu ý, Chương trình này cần tuần thủ các quy định liên quan trong hệ thống pháp luật, nhất là Luật đầu tư công để tính toán nguồn lực, trong đó cần tập trung vào những mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên nhất nhằm đảm bảo đầu tư ngân sách phát huy tối đa hiệu quả.
Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm, cần huy động, tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, tương xứng với vai trò, vị trí của ngành văn hóa trong điều kiện phát triển chung của đất nước, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai. Phấn đấu đảm bảo mức đầu tư cho phát triển văn hóa ở cả Trung ương và địa phương đạt tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm. Đồng thời các dự án trọng tâm phải đảm bảo hướng tới các vấn đề cốt lõi có khả năng tạo động lực phát triển văn hóa và không trùng với các đối tượng đầu tư, chi ngân sách thuộc các Chương trình khác đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí vốn.
Còn GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam lưu ý, khi xây dựng và ban hành Chương trình cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản: Xác định đúng và trúng những vấn đề cấp bách, then chốt, trọng điểm để ưu tiên đầu tư; Đầu tư không phải theo giai đoạn, nhiệm kỳ mà thành quả đạt được phải được kế thừa, phát huy lâu dài; Tránh tình trạng quan liêu, hình thức gây lãng phí tiền của, nguồn lực của nhân dân; Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy, truyền thống và hiện đại, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc với hội nhập quốc tế.
Như vậy, các chuyên gia văn hóa, đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc thiết kế Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cần lấy con người là trung tâm, phải tạo ra được bước đột phá trong xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, năng lực thụ hưởng và tham gia chủ động vào hoạt động sáng tạo văn hóa của Nhân dân… Đồng thời, cần thiết kế nguồn lực đặc biệt để ưu tiên đầu tư cho các dự án lớn mang tính dẫn dắt, định hướng lớn hướng để đảm bảo hiệu quả, không lãng phí, đáp ứng được mong muốn của Nhân dân cả nước, có tác động lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội để tạo ra sức mạnh tổng hợp của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế như Đảng, Quốc hội và nhân dân kỳ vọng.
Lý luận và thực tiễn lịch sử đã chứng minh, mọi quyết sách trong quản trị quốc gia đều bắt nguồn từ tư tưởng, đường lối của Đảng. Dưới sự dẫn dắt đó, với chức năng riêng có của mình trong hoạt động lập pháp, giám sát hay quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã nỗ lực thể chế hóa sâu sắc, chuyển hóa quan điểm, chủ trương, tư tưởng của Đảng đi vào trong thực tiễn cuộc sống. Ngay tại phát biểu nhậm chức tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì “mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân”. Dẫn chứng sinh động “Từ Hội thảo Văn hóa đến thúc đẩy ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa” – một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ là một trong những ví dụ điển hình thể hiện quyết tâm hành động của Quốc hội đối với các vấn đề cấp thiết đặt ra đối với sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của dân tộc.
Quốc hội khóa XV đồng hành với Chính phủ, chủ động "từ sớm, từ xa" gỡ điểm nghẽn về thể chế và chính sách để văn hóa phát triển ngang tầm chính trị, kinh tế, xã hội./.