TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6
Trong phiên thảo luận về kinh tế, xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.
Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất khẩu hàng hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, tăng trưởng xuất khẩu chưa thật sự bền vững trong trung và dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu ổn định.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, nguyên nhân khách quan là do tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường với nhiều bất ổn cả về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh bùng phát trên thế giới. Chủ nghĩa dân tuý, bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng.
Trong những năm qua, thương mại toàn cầu nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói riêng chịu tác động mạnh bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dịch Covid-19, cuộc chiến tại Ukraine hay tình trạng lạm phát cao, sụt giảm tổng cầu thế giới từ cuối năm 2022 đến nay. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và độ mở của nền kinh tế lớn, những biến cố lớn xuất hiện dồn dập trên thế giới đã có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động phát triển xuất khẩu hàng hoá. Nền kinh tế nước ta đang chuyển đổi, mặc dù có sự tăng trưởng nhanh thời gian qua nhưng nhìn chung trình độ phát triển còn chưa cao.
Về nguyên nhân chủ quan, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, phát triển xuất khẩu thời gian qua còn chú trọng vào tăng trưởng xuất khẩu theo quy mô, nhất là các mục tiêu hàng năm, trong khi chưa chú trọng đúng mức đến sự phát triển bền vững trong trung và dài hạn và chất lượng tăng trưởng xuất khẩu gắn với các vấn đề môi trường, xã hội. Các nguồn lực cần thiết để phát triển xuất khẩu còn thiếu hụt về mặt lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về mặt chất, trong đó có nguồn lực tài chính, vật tư kỹ thuật, khoa học - công nghệ, nguồn lực thông tin đến nguồn lực quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp mới thực hiện và có kết quả bước đầu. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp. Việc tổ chức lại sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu vẫn còn thiếu đồng bộ; sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, chủ yếu sản xuất theo quy mô hộ gia đình.
Hệ thống dịch vụ logistics hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển xuất nhập khẩu. Kết cấu hạ tầng giao thông, năng lực vận tải và bốc xếp, thủ tục hành chính làm cho thời gian thông quan bị kéo dài, chi phí tăng cao. Doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, marketing quốc tế còn hạn chế.
Chia sẻ về bối cảnh thúc đẩy định hướng phát triển xuất khẩu bền vững, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)..., tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục trong trung hạn đến năm 2025 nhưng tốc độ sẽ rất chậm và quay lại đà tăng trưởng trong dài hạn đến năm 2030.
Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, trở thành mục tiêu phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới. Mỗi quốc gia sẽ có cách tiếp cận riêng và có kế hoạch hành động riêng để thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, Chẳng hạn, tại EU, Từ ngày 01/10/2023, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) - một công cụ chính sách mới của EU cho phép đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu có mức phát thải cao - bắt đầu thực hiện giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn thực hiện đầy đủ CBAM dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2026.
Cùng với đó, xu hướng tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các Hiệp định FTA thế hệ mới, trong đó tiến trình khu vực hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng và sẽ dần thay thế tiến trình toàn cầu hóa. Xu hướng tăng cường liên kết sản xuất, phát triển mạng lưới sản xuất, phân phối và các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu tiếp tục mạnh lên trong thời gian tới
Trong thời gian gần đây, làn sóng bảo hộ thương mại trỗi dậy khá mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn hậu đại dịch Covid-19, lạm phát cao, tổng cầu suy giảm. Ngày càng nhiều nước quay trở lại chính sách thúc đẩy sản xuất hàng hóa công nghiệp để thay thế hàng nhập khẩu, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Các rào cản mới có xu hướng “rào cản xanh” nhằm thay đổi nhận thức của công chúng và trách nhiệm của doanh nghiệp liên quan đến bảo vệ môi trường, an toàn cho người tiêu dùng,... Rào cản xanh được xây dựng dựa trên những cơ sở khoa học hợp lý, khách quan, tuân thủ theo các quy định quốc tế, nhưng một số những rào cản ẩn trong đó có thể có tác động bảo hộ thương mại, hạn chế nhập khẩu,...
Ngoài ra, xu hướng gia tăng cạnh tranh chiến lược, tranh giành tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt. Xu hướng phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế là một xu thế tất yếu của thời đại. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự ra đời của hàng loạt các công nghệ mới, kết hợp tất cả các kiến thức trong lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học, nổi lên với những đột phá công nghệ như trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3D và công nghệ nano, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, các ngành kinh tế và ngành công nghiệp của mỗi quốc gia.