ĐỀ XUẤT RÚT NGẮN QUY TRÌNH, THỜI GIAN QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HẰNG NĂM

28/09/2023

Tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sáng 28/9), Chính phủ báo cáo về lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm đồng thời, kiến nghị Quốc hội có Nghị quyết về việc thí điểm thực hiện rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN tại một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN BÁO CÁO LỘ TRÌNH RÚT NGẮN QUY TRÌNH, THỜI GIAN QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HẰNG NĂM

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN

Thừa ủy quyền của Chính phủ, báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong các năm vừa qua, Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) của Chính phủ đã được đánh giá cơ bản tuân thủ theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục quyết toán, được tổng hợp từ quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được HĐND cấp tỉnh phê chuẩn và quyết toán ngân sách các Bộ, cơ quan trung ương đã được cơ quan tài chính thẩm định. Số liệu quyết toán đã được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước trước khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn.

Tuy nhiên, công tác lập, tổng hợp báo cáo quyết toán NSNN còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác lập, thẩm định, trình quyết toán NSNN còn chậm so với thời hạn quy định; còn xảy ra tình trạng điều chỉnh số liệu trong quá trình xét duyệt, thẩm định quyết toán. Bên cạnh đó, thời gian Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách theo quy định của Luật NSNN là quá dài, chưa kịp thời đưa ra bức tranh tổng thể về tình hình thực hiện thu, chi NSNN để có những đánh giá mang tính thời sự và rút kinh nghiệm cho năm tiếp theo, do đó làm giảm vai trò, ý nghĩa của công tác quyết toán NSNN đối với công tác xây dựng dự toán và quản lý NSNN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nguyên nhân của những bất cập, hạn chế nêu trên là do: Quy trình tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN phức tạp, được thực hiện ở nhiều cấp ngân sách và nhiều cấp dự toán; Quy định về việc xét duyệt quyết toán NSNN còn phức tạp, chồng chéo, chưa đề cao trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách; Quy định về thẩm định quyết toán NSNN còn chồng chéo giữa trách nhiệm của đơn vị dự toán cấp trên, đơn vị sử dụng ngân sách và cơ quan tài chính các cấp;..

Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do mẫu biểu quyết toán NSNN phức tạp, thiếu đồng nhất; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quyết toán còn hạn chế; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong công tác quyết toán NSNN chưa nghiêm.

Vì vậy, mục tiêu, định hướng rút ngắn thời gian quyết toán NSNN nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN; Tăng cường công tác hậu kiểm (kiểm tra, thanh tra, kiểm toán) đối với quyết toán NSNN.

Nêu đề xuất rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, gồm 7 bước: (1) Đơn vị sử dụng ngân sách (bao gồm các chủ đầu tư) chốt số liệu quyết toán NSNN đến hết 31 tháng 01 năm sau; đối chiếu số liệu với KBNN nơi giao dịch; lập báo cáo quyết toán gửi đơn vị dự toán cấp trên; (2) Đơn vị dự toán cấp trên kiểm tra, tổng hợp quyết toán NSNN đối với các đơn vị dự toán trực thuộc; (3) Lập, kiểm tra, tổng hợp, phê duyệt quyết toán NSĐP; (4) Gửi Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước báo cáo quyết toán; (5) Bộ Tài chính tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN trình Chính phủ và gửi Kiểm toán nhà nước chậm nhất ngày 01/9 năm sau; (6) Kiểm toán quyết toán NSNN; (7) Trình báo cáo quyết toán NSNN cho các cấp có thẩm quyền.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN ảnh hưởng lớn đến các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đặc biệt đối với các Bộ, cơ quan trung ương có cơ cấu tổ chức gồm nhiều cấp dự toán, các địa phương có địa bàn rộng, số lượng đơn vị dự toán lớn. Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi, Chính phủ trình Quốc hội các giải pháp, lộ trình thực hiện rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN như: Cho phép thực hiện thí điểm công tác quyết toán NSNN theo quy trình rút ngắn tại một số Bộ, cơ quan Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc TW; Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định của Luật NSNN và một số Luật có liên quan đến công tác quyết toán NSNN làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai quy trình rút ngắn quyết toán NSNN trên phạm vi cả nước;...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, để có cơ sở cho Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung trên, Chính phủ trình Quốc hội có Nghị quyết về việc thí điểm thực hiện rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN tại một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 sửa đổi một số điều của Luật NSNN 

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, việc rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm là rất cần thiết. Theo đó, cần sớm sửa đổi các quy định của Luật NSNN liên quan đến quy trình, thời gian quyết toán NSNN để chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế trong quyết toán NSNN hằng năm hiện nay, đảm bảo tính chính xác, công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng NSNN. Trường hợp không thể sửa đổi ngay các quy định của Luật NSNN và các pháp luật khác có liên quan đến công tác quyết toán NSNN, Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm việc thực hiện rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm là phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Về hồ sơ tài liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, chưa phù hợp và chưa đủ điều kiện thẩm tra theo quy định tại các khoản 1 và 3 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về đánh giá công tác quyết toán NSNN, báo cáo của Chính phủ chưa tổng kết, đánh giá cụ thể các quy định pháp luật liên quan đến công tác quyết toán, đặc biệt chưa làm rõ các nội dung quy định tại Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Đầu tư công,... ảnh hưởng đến quy trình, thời gian quyết toán như Báo cáo của Chính phủ nêu; tình hình triển khai thực hiện công tác quyết toán NSNN từ khi Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực đến nay gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đối với các tồn tại, hạn chế, nên chưa có căn cứ, cơ sở để đánh giá sự phù hợp, tính khả thi đối với các đề xuất, kiến nghị nêu tại Báo cáo của Chính phủ.

Về đề xuất lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm, đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung mục tiêu, định hướng điều chỉnh quy trình, trách nhiệm cụ thể đối với quyết toán NSTW, NSĐP (theo các cấp ngân sách).

Ngoài ra, đề xuất quy trình, thời gian quyết toán NSNN của Chính phủ còn chưa rõ ràng, cụ thể, chưa có sự đổi mới trong công tác quyết toán, mới tập trung rút ngắn thời gian quyết toán các bước so với quy định hiện hành;...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị, cần bổ sung, hoàn thiện báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đầy đủ lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 91/2023/QH15. Bên cạnh đó, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 sửa đổi một số điều của Luật NSNN về rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN (để áp dụng năm 2025 phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2024). Trường hợp không kịp sửa đổi một số điều Luật NSNN trong năm 2024, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 làm căn cứ để tổ chức thực hiện, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2024 ngay trong năm 2025. Hồ sơ, tài liệu xây dựng dự thảo Nghị quyết bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Lê Anh - Nghĩa Đức