TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT, PHÁT HUY VAI TRÒ CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM

28/09/2023

Tại phiên họp thứ 26 của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã gửi tới UBTVQH báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong lĩnh vực nội vụ. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm quản lý thống nhất của Chính phủ, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng địa phương và các bộ.

Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ khẩn trương bổ sung, hoàn thiện Báo cáo, đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện các nội dung được giao trong các nghị quyết của Quốc hội và những nội dung đã được nêu trong Báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật, tiếp tục bổ sung các thông tin, số liệu về tình hình, kết quả thực hiện các nghị quyết đến hết ngày 30/9/2023 để bảo đảm tính cập nhật, thời sự của quá trình triển khai các nghị quyết đến các vị đại biểu Quốc hội, làm cơ sở cho việc trình Quốc hội xem xét, thực hiện chức năng giám sát tối cao vào kỳ họp cuối năm 2023.

Một trong những mục đích của việc triển khai nội dung giám sát của Quốc hội về thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 được nêu tại Kế hoạch số 435/KH-UBTVQH15 đó là: “trên cơ sở kết quả đã thực hiện, Quốc hội ban hành nghị quyết về việc tiếp tục xem xét, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn (xem xét chấm dứt hiệu lực thi hành đối với các nghị quyết đã thực hiện xong, đưa ra các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn thực hiện trong thời gian tới đối với các nghị quyết chưa thực hiện xong”. Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá, kiến nghị, đề xuất cụ thể những nội dung cần tiếp tục thực hiện hoặc chấm dứt thực hiện trong thời gian tới gắn với từng nghị quyết của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ quan tâm, tập trung thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, các Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả .

Cụ thể, cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương; xây dựng mô hình quản trị chính quyền địa phương phù hợp với từng địa bàn, gắn với yêu cầu phát triển các vùng, khu kinh tế. Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền khoa học, hợp lý, đi đôi với nâng cao trách nhiệm, gắn với bảo đảm nguồn lực, năng lực thực hiện pháp luật cho các địa phương và các bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát; bảo đảm quản lý thống nhất của Chính phủ, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng địa phương và các bộ. Xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ; giữa các bộ với nhau; giữa Chính phủ, các bộ với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Thêm vào đó, cần tiếp tục rà soát, lập đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức để báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khi đủ điều kiện. Rà soát, kiến nghị bổ sung các nhiệm vụ lập pháp mới để kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong quá trình rà soát, cần lưu ý việc tiếp tục kiện toàn tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo hướng tinh gọn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng cơ quan, tổ chức; nghiên cứu chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công thuộc ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm; nghiên cứu tổng thể và đề xuất sửa đổi đồng bộ các luật có nội dung liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, sử dụng biên chế của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị; quy định về sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp thực tiễn.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương tổ chức sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, tại thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội và sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bên trong của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo hướng tinh gọn; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hoàn thiện danh mục vị trí việc làm cùng với khung năng lực, bản mô tả vị trí việc làm của hệ thống chính trị làm cơ sở xác định biên chế của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn, gắn với đánh giá thực chất, xếp loại chính xác công chức, viên chức.

Minh Hùng