CÓ CƠ CHẾ HỖ TRỢ GIẢI QUYẾT NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRÌNH KHỞI NGHIỆP CỦA PHỤ NỮ

28/09/2023

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, xu hướng số hóa nền kinh tế đang diễn ra với tốc độ nhanh ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đối diện với thực tế này, cần có cơ chế hỗ trợ giải quyết những khó khăn, hạn chế quá trình khởi nghiệp của phụ nữ.

Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường Đại học Hà Tĩnh nêu rõ, xu hướng số hóa nền kinh tế đang diễn ra với tốc độ nhanh ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương): Trong 10 năm qua, kinh tế số tại Việt Nam phát triển liên tục về cả nền tảng hạ tầng và thị trường kinh doanh. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng internet. Theo dự báo của Công ty Tư vấn McKinsey (Mỹ), đến năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 29%. Theo chương trình chuyển đổi số quốc gia 2025, Việt Nam sẽ tập trung phát triển để nền kinh tế số chiếm 20% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% và năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.

Theo diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam lần thứ 4 năm 2021, phụ nữ là một trong những nhóm bị hạn chế trong tiếp cận công nghệ số, trong khi đó số lượng phụ nữ khởi nghiệp (PNKN) ngày càng gia tăng đặt ra một thách thức không nhỏ. Để tham gia vào thị trường lao động trong nền kinh tế số, đầu tiên PNKN cần thay đổi nhận thức về nền kinh tế số và ảnh hưởng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, theo đó rèn luyện tư duy đồng thời tìm hiểu học hỏi và nâng cao kiến thức. Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, nữ doanh nhân cần nhìn nhận đầu tư vào công nghệ là một chiến lược dài hạn nhưng có thể bắt đầu từ những hoạt động nhỏ như tiếp cận internet và từng bước triển khai đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý và kết nối doanh nghiệp.

Xu hướng số hóa nền kinh tế đang diễn ra với tốc độ nhanh ở các nước đang phát triển

TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền nêu rõ, tại Việt Nam, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cơ hội và cả thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Thứ nhất, nền kinh tế số giúp phụ nữ có cơ hội để khởi nghiệp với chi phí khởi sự thấp. Cách mạng 4.0 khiến chi phí khởi sự doanh nghiệp đã giảm so với trước đây; nhiều doanh nghiệp ngày nay hoạt động trên internet; việc điều hành doanh nghiệp có thể được thực hiện từ nhà; hoạt động marketing cũng dễ dàng hơn và với chi phí thấp hơn trước. Đa số doanh nghiệp đều đang sử dụng kênh tiếp thị/marketing trên mạng xã hội; việc tiếp cận vốn đầu tư cũng đã dễ dàng hơn bao giờ hết đối với phần lớn doanh nghiệp. Đối với nhiều phụ nữ Việt Nam mạng xã hội vừa là nơi lý tưởng để họ kinh doanh vừa là công cụ giúp họ khởi nghiệp.

Thứ hai, PNKN có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật bắt nhịp với công nghệ. Khi tiếp cận với nền kinh tế số, PNKN có cơ hội tiếp cận với KHCN cao, qua đó từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Nhiều phụ nữ đang sử dụng các thiết bị di động, không ít phụ nữ tìm kiếm thông tin, xem video.

Phụ nữ có đầy đủ năng lực và trình độ để tiếp cận khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới. Không ít PNKN đã tiếp cận, tham gia các nhóm Zalo, trang Zalo, Facebook, qua đó chủ động tuyên truyền, quảng bá, chia sẻ thông tin nhanh nhất về các mô hình hay, cách làm hiệu quả, các sản phẩm an toàn do phụ nữ kinh doanh, sản xuất. Sự kết nối, quảng bá qua công nghệ thông tin, nhiều sản phẩm vươn ra ngoài khu vực và thế giới. Điều này cho thấy, phụ nữ đã tiếp cận với công nghệ thông tin, công nghệ số, nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã biết thích nghi kịp thời, tận dụng các cơ hội của nền kinh tế số' để phát triển và thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, sự hỗ trợ công nghệ số' hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ.

Thứ ba, nền kinh tế số yêu cầu PNKN phải nâng cao năng lực quản trị, tập trung tìm kiếm và đào tạo huấn luyện nguồn lao động có chất lượng cao, ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiên cứu, sản xuất, quản trị kinh doanh. Đây là điều kiện để tiếp thu tri thức mới, nâng cao năng lực bản thân trong quản lý, tổ chức quá trình sản xuất lao động.

Ngoài những cơ hội thuận lợi, các chuyên gia nhận định, còn có nhiều thách thức, khó khăn hạn chế quá trình khởi nghiệp của phụ nữ, cụ thể:

Một là, PNKN phải đối mặt với thách thức làm sao chu toàn được cho cả việc chăm sóc gia đình và việc quản lý điều hành doanh nghiệp do mình làm chủ. Bản thân họ đôi khi còn thiếu tự tin, thiếu chủ động và chưa mạnh dạn trong hoạt động kinh doanh nhưng vẫn luôn phải nỗ lực để cân bằng giữa công việc kinh doanh và việc chăm sóc gia đình. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội tiếp cận, cập nhật thông tin, kết nối, giao lưu để học hỏi, nâng cao hoặc bổ sung kiến thức, kỹ năng mềm và gặp nhiều khó khăn trong liên kết mạng lưới thị trường.

Hai là, trong quá trình tham gia vào nền kinh tế chuyển đổi số, nhiều PNKN không có nền tảng về khoa học kỹ thuật. Lực lượng lãnh đạo nữ còn thiếu hụt về kỹ năng và năng lực chuyên môn khoa học công nghệ, không được đào tạo bài bản, chính quy về quản trị doanh nghiệp, thiếu kỹ năng kinh doanh, trình độ ngoại ngữ và khả năng áp dụng tin học hóa cũng chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Nhiều phụ nữ chưa tìm được cách thức hiệu quả trong việc tiếp cận khách hàng qua mạng internet, chưa cung cấp các trải nghiệm thương mại di động, chưa triển khai được thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ đang sử dụng công nghệ, máy móc, phương tiện sản xuất cũ, lạc hậu, nhân công chất lượng thấp, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất. Việc số hóa của các chủ doanh nghiệp là nữ còn chậm hơn nhiều so với các chủ doanh nghiệp là nam.

Ba là, cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp trong nước và trên thế giới. Hiện nay, các nước đang phát triển đều cạnh tranh quyết liệt, tìm cách thu hút, hợp tác để có đầu tư, chuyển giao công nghệ, nhanh chóng ứng dụng những thành tựu công' nghệ từ công nghiệp 4.0 đem lại để giành lợi thế phát triển. Khách hàng chính của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là thị trường trong nước, trong đó có 62,8% là các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Trong thực tế, thiếu vốn sản xuất, thiếu kỹ năng kinh doanh và thị trường tiêu thụ sản phẩm đang là những thách thức lớn đặt ra trong quá trình khởi nghiệp của phụ nữ. Như vậy, nếu không chủ động tìm hiểu để nâng cao kiến thức và kỹ năng thì họ sẽ có nguy cơ bị tụt hậu trong bối cảnh thị trường thế giới đang thay đổi.

Bốn là, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ, chủ yếu xuất phát từ hộ kinh doanh cá thể. Bối cảnh thế giới và kinh tế hiện nay đang và sẽ tác động sâu sắc, toàn diện đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ làm chủ. Mặt khác, đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực kinh doanh du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn,... khiến cho các chủ doanh nghiệp là nữ phải đối mặt với những thách thức lớn về vốn, nhân sự và điều kiện cơ sở vật chất, công nghệ ứng dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Năm là, PNKN gặp rào cản quá lớn từ văn hóa của dân tộc. Thực tế, phần lớn xuất phát từ định kiến xã hội khiến phụ nữ chưa thực sự phát huy hết tiềm năng vốn có; khó tiếp cận nguồn vốn do thiếu thông tin, thiếu tài sản thế chấp, thiếu sự ủng hộ, hậu thuẫn từ chồng và gia đình; thiếu kỹ năng, kiến thức quản lý; trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và công nghệ còn yếu kém.

Các chuyên gia nhấn mạnh, phát triển kinh tế số được xem là xu hướng tất yếu của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ, đây chính là nền tảng cho nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang nền kinh tế tri thức, nền kinh tế số đòi hỏi nhân lực chất lượng cao, biết vận dụng linh hoạt những tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý điều hành doanh nghiệp. Do vậy, để thành công và phát triển, hơn ai hết, phụ nữ cần chủ động trong việc học hỏi kiến thức, nâng cao năng lực và kỹ năng, bên cạnh đó cần hài hòa giữa công việc và gia đình để đáp ứng tốt nhất những yêu cầu trong tình hình mới, từ đó tạo ra những động lực tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.

Hồ Hương