QUỐC HỘI TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH CÙNG CHÍNH PHỦ TẠO DỰNG CÁC ĐỘNG LỰC NHẰM CẢI THIỆN NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG

19/09/2023

Đóng góp ý kiến vào Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, các chuyên gia cho rằng, Quốc hội cần tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ tạo dựng các động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững, trong đó có khung khổ ở tầm quốc gia nhằm tiếp tục cải thiện năng suất lao động, nghiên cứu xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia, sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia theo kinh nghiệm thế giới.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 19/9: CHUYÊN ĐỀ 2 – NÂNG CAO NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG, ĐẢM BẢO AN SINH TRONG BỐI CẢNH MỚI

Sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia

Phân tích về một số động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, từ nay đến năm 2025 và hướng tới 2030, một số động lực chính dự báo sẽ tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh và bền vững hơn; với sự cộng hưởng của cả những động lực truyền thống và động lực mới.

Toàn cảnh Phiên thảo luận

Trong đó có 6 động lực truyền thống. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là một trong những trụ cột của nền kinh tế, tiếp tục tăng trưởng ổn định trong giai đoạn đến 2025 và đến 2030 và đóng góp khoảng 12% GDP hàng năm. Động lực tăng trưởng từ khu vực công nghiệp được dự báo sẽ duy trì đóng góp tích cực (khoảng 3 - 3,5 điểm %) vào tăng trưởng GDP hàng năm theo kịch bản Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm đến năm 2030. Khu vực dịch vụ sẽ ngày càng phát triển với chất lượng và hiệu quả cao hơn, đóng góp khoảng 45% GDP hàng năm. Và những động lực đến từ đầu tư, gồm đầu tư công, FDI và đầu tư tư nhân trong nước. Với định hướng coi phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại là 1 trong 3 đột phá chiến lược, cùng với kỳ vọng giải pháp đột phá trong PPP, dự báo tiếp vốn đầu tư công tục duy trì ở mức 10 - 12 % GDP từ nay đến năm 2030.

Triển vọng đến năm 2025 và đến năm 2030, Việt Nam duy trì tốt nền tảng chính trị, kinh tế ổn định, các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, lực lượng lao động dồi dào, khâu đào tạo kỹ năng được chú trọng hơn, chi phí lao động và sinh hoạt ở mức trung bình, hội nhập sâu rộng với 16 FTA và quan tâm tăng trưởng xanh... khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Với những điều kiện thuận lợi trên cũng như để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030, thu hút vốn FDI dự báo tăng 8 - 10%/năm.

TS.Cấn Văn Lực phát biểu tại Diễn đàn

TS. Cấn Văn Lực cũng đưa những lực tăng trưởng mới trong đó có xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số. Với việc hoàn thiện hành lang pháp lý; khắc phục các hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực số, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, an ninh mạng và bảo mật thông tin, dữ liệu; dự báo kinh tế số Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về cả lượng và chất đến năm 2025 và 2030, góp phần tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tính hiệu quả và bền vững. 

Động lực từ nâng cao năng suất lao động và TFP . Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP dự báo đạt 40 - 45% giai đoạn 2021 - 2025 và 50 - 55% giai đoạn 2026 - 2030. Động lực từ khu vực kinh tế tư nhân; Động lực từ hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế; Động lực từ lợi ích thiết thực của kinh tế xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đặt mục tiêu đưa nền kinh tế xanh lên quy mô 300 tỷ USD trong GDP vào năm 2050 (xấp xỉ 10% GDP) trong đó, tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh đến năm 2025 là 1,8 – 2% GDP và đến năm 2030 là 3,3 – 3,5% GDP. Tức là, mức đóng góp của kinh tế xanh vào GDP tăng bình quân khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2021 - 2050.

Với những phân tích trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư cơ sở hạ tầng. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó cần chú trọng các động lực tăng trưởng hiện hữu. Cụ thể là, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Nếu giải ngân được 95% trongtổng vốn 713 nghìn tỷ đồng sẽ đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023. Kích cầu tiêu dùng nội địa, tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %. Quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, qua đó thúc đẩy liên kết vùng…

Tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động…; qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, dự án yếu kém, tổ chức tín dụng yếu kém, đầu tư công… nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. 

Bên cạnh đó, TS.Cấn Văn Lực cũng kiến nghị  đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đầu thầu. Quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bao gồm cả cơ chế thử nghiệm (sandbox). Sớm xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia, sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia như một số quốc gia đã làm.

Thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Theo đó, cần có đánh giá, rà soát việc thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân để có đề xuất cập nhật, điều chỉnh phù hợp bối cảnh mới hiện nay.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh; chủ động thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể là sớm ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, Chương trình/chiến lược thực hiện cam kết “Zero – carbon” đến năm 2050.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) 

Cơ cấu lại nền kinh tế để phát huy năng lực nội sinh

Còn quan điểm của Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh, thì cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, đóng vai trò quan trọng trong phát huy năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

Theo TS.Trần Thị Hồng Minh, với những kết quả đạt được của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế trong 3 năm gần đây đã dịch chuyển đáng kể theo hướng số hóa, xanh hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kinh tế số trong GDP tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% năm 2022 và gần 15% trong 6 tháng đầu năm 2023. Không gian kinh tế được mở rộng, tạo động lực mới, liền mạch và bền vững hơn.

Theo TS.Trần Thị Hồng Minh, trong bối canh các nước nhìn nhận yêu cầu phải tăng cường thúc đẩy hợp tác, đối thoại trên nhiều lĩnh vực. Đây là cơ hội cho các nền kinh tế có quy mô tầm trung, trong đó có Việt Nam, tham gia xây dựng luật chơi “hiện đại” cho hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế.  Và cơ cấu lại nền kinh tế sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng chất lượng hơn gắn với xử lý hiệu quả những tương tác giữa Nhà nước - thị trường - hội nhập trong bối cảnh mới.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Với việc, hai năm qua, Quốc hội đã quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, chính sách cho hoạt động cải cách và điều hành của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương. Cùng với đó là tư duy tích cực hơn về cơ chế đặc thù, cơ chế thử nghiệm, chuyển đổi kép,...

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, điều cần làm tiếp theo là đánh giá thấu đáo, toàn diện hơn về nội lực của nền kinh tế. Trong đó, thể chế là một nguồn lực quan trọng, là chìa khóa. Cùng với đó, là những nội lực mới gắn với quy mô dân số trên 100 triệu dân, tầng lớp thu nhập trung bình và tài nguyên dữ liệu.

TS. Trần Thị Hồng Minh đề xuất Quốc hội cần tiếp tục đồng hành với Chính phủ trong quá trình tạo dựng các động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Cụ thể là tạo dựng một khung khổ ở tầm quốc gia nhằm cải năng suất lao động. Nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách khuyến khích và rà soát khung pháp lý để hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các mô hình kinh tế mới ở thị trường trong nước. Cùng với đó, thúc đẩy các liên kết vùng bền vững, gắn với các cơ chế đặc thù phù hợp để phát huy quy mô, lợi thế đặc thù của từng vùng, từng đô thị lớn. Thực hiện hiệu quả các FTA, tập trung vào các FTA thế hệ mới.

Hải Yến