XÂY DỰNG VÀ THỰC THI VĂN HÓA LIÊM CHÍNH, TIẾT KIỆM CÓ Ý NGHĨA QUAN TRỌNG TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

19/09/2023

Một số chuyên gia nhận định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, cuộc vận động lớn, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc xây dựng và thực thi văn hóa liêm chính, tiết kiệm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phòng, chống tham nhũng.

Theo TS. Nguyễn Huy Phòng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội thì văn hóa cũng có nhiều khởi sắc với sự quan tâm của các cấp, các ngành; nhận thức của toàn xã hội về văn hóa ngày càng sâu sắc, toàn diện. Việc phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp được nhân rộng, tạo nguồn cảm hứng và động lực tích cực để thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Văn hóa thẩm thấu vào trong mọi hoạt động, lĩnh vực của đời sống xã hội, ưong đó có hoạt động của các cơ quan đảng, nhà nước.

Về việc triển khai và thực thi văn hóa liêm chính, tiết kiệm, TS. Nguyễn Huy Phòng cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng nhằm phát huy tinh thần gương mẫu, tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, xây dựng lòng tin trong nhân dân. Tiêu biểu là các nghị quyết quy định về xây dựng Đảng như: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (năm 2012) “về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (năm 2016) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (năm 2021) “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Xây dựng văn hóa liêm chính là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn trong công tác phòng, chống tham nhũng

Các quy định của Trung ương như: Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp"; Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị “về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”...

TS. Nguyễn Huy Phòng cho rằng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đẩy lùi “giặc nội xâm” là “cuộc chiến” lâu dài, không có hồi kết, không có điểm dừng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, cuộc vận động lớn, với mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị, để phát triển đất nước. Để thực thi tốt mục tiêu đó cần tiến hành nhiều giải pháp, như tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng; sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí, mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng, cần tăng cường công khai, minh bạch, giám sát, kiểm soát quyền lực; hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám, không muốn, không cần tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Bên cạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, đầy đủ để “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” thì việc xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm được xem là một giải pháp quan trọng. Để xây dựng và thực thi có hiệu quả văn hóa liêm chính, tiết kiệm cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu phải tiên phong, gương mẫu, thống nhất giữa lời nói và hành động, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sân sàng đảm nhận trách nhiệm; biết bảo vệ cái đúng, cái đẹp, cái thiện, cái tiến bộ, văn minh; đổng thời gương mẫu trong ngăn chặn và đẩy lùi cái xấu, cái ác và những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Sự gương mẫu của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo sự đoàn kết trong cơ quan, đơn vị.

Văn hóa liêm chính, tiết kiệm được thực thi hiệu quả hay không phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm, sự tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nhũng tư tưởng tích cực, lối sống đẹp là những khó khăn, thách thức, những cám dỗ về vật chất, tiền tài, danh vị, những tư tưởng sai lầm, những âm mưu phản động..., vì thế mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng, có lý tưởng và khát vọng cống hiến; có ý chí, nghị lực; giữ vững danh dự và nhân cách trong sáng; có lối sống mực thước, phù họp với xu thế phát triển của cộng đồng.

Bên cạnh việc phát huy tinh thần tự giác, tự nguyện thì việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật với những điều khoản quy định chặt chẽ về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên là việc làm cần kíp, cấp bách. Mọi hoạt động của cán bộ thực thi công vụ phải được minh bạch, khách quan, công khai. Phát huy tinh thần kiểm tra, giám sát của nhân dân trong việc phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Dư luận xã hội và những sức ép từ truyền thông, báo chí, mạng xã hội sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên nhận ra được những mặt hạn chế, yếu kém để khắc phục và tự điều chỉnh, hoàn thiện bản thân, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới và niềm mong đợi, kỳ vọng của nhân dân. ứng dụng hiệu quả thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong hoạt động công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, kỷ luật, kỷ cương.

Ngoài ra, đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được bảo đảm, có sự động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời để cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, tận tụy, cống hiến hết sức mình vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ; chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh, trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài; chống là quan trọng, cấp bách. 

Minh Hùng