CẦN TẠO NIỀM TIN CHO DOANH NGHIỆP ĐỂ KHÍCH LỆ TINH THẦN VƯỢT KHÓ VƯƠN LÊN

19/09/2023

Góp ý tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023, để xây dựng hệ sinh thái cho doanh nghiệp phát triển, các chuyên gia cho rằng cần tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong xây dựng chính sách, đảm bảo tính ổn định, lâu dài và phù hợp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 19/9: PHIÊN TOÀN THỂ - ''NÂNG CAO NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG, ĐẢM BẢO AN SINH TRONG BỐI CẢNH MỚI'' VÀ BẾ MẠC DIỄN ĐÀN

Tạo niềm tin cho doanh nghiệp là rất quan trọng

Chia sẻ tại phiên Tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam thường niên lần thứ 3, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã thẳng thắn nhìn nhận lại những thành tựu và hạn chế của bức tranh kinh tế 8 tháng đầu năm 2023.

TS. Nguyễn Đình Cung

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, thành tựu lớn nhất năm 2023 là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm yếu khi cả đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài chưa thực sự liên kết với nhau. Thứ hai, nền kinh tế mở nhưng mức độ mở và năng lực hội nhập của doanh nghiệp tư nhân trong nước thấp nên chưa tận dụng hết cơ hội, hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, đóng góp cho sự thịnh vượng của quốc gia. Thứ ba, hệ thống thể chế  còn phù hợp để huy động đủ nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả tạo bứt phá tăng trưởng khi liên tục phải ban hành các thể chế thí điểm cho các địa phương. 

Theo TS Nguyễn Đình Cung, để tạo niềm tin cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ngoài nỗ lực cải cách cải thiện môi trường kinh doanh, tháo bỏ rào cản tạo thuận lợi tối đa; giúp doanh nghiệp giảm chi phí, như giảm lãi suất, thuế, phí thì cần nhất sự nhất quán, mạnh mẽ của cơ quan nhà nước ở mức độ cao hơn, đột biến hơn, tạo niềm tin để khích lệ tinh thần đầu tư của doanh nghiệp, vượt qua khó khăn hiện tại

Phân tích thêm động lực tăng trưởng từ nay cho cuối năm 2023 và năm sau, TS. Nguyễn Đình Cung vẫn nhấn mạnh yếu tổ về củng cố niềm tin với doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi để duy trì năng lực nội sinh của doanh nghiệp. Thứ hai, cần có chính sách để khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất  xanh hơn theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thải carbon. Thứ ba, là hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu mới như châu Phi, Mỹ La Tinh. Đây là thị trường mà hàng hoá Việt Nam vẫn chiếm thị phần xuất khẩu thấp.

Muốn làm được điều đó, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, để nâng cao năng lực nội sinh thì nhà nước cần tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho xuất khẩu, tạo môi trường kinh doanh khích lệ đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Tiếp tục đổi mới chế độ khuyến khích đầu tư hiện nay, thay đổi cách tiếp cận, xây dựng khuyến khích đầu tư mới, khuyến khích dịch chuyển theo xu thế xanh.  Để đạt mục tiêu nhiệm kỳ, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh phải có giải pháp đột phá hơn từ nội hàm chính sách đến thực thi chính sách.

Tiến sỹ Trần Du Lịch

Cần khai thác hiệu quả 4 trụ cột tăng trưởng

Còn quan điểm của Tiến sỹ Trần Du Lịch, để tạo niềm tin của doanh nghiệp vào thể chế chính sách, cần khai thác hiệu quả 4 trụ cột tăng trưởng. Trong bài toán phát triển cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao như một quyết tâm chính trị để tính bài toán ngược lại về nguồn lực và động lực. Quyết tâm thực hiện phát triển kinh tế bền vững theo tôn chỉ: tăng trưởng kinh tế nhanh, an toàn và chất lượng cả hệ thống kinh tế chứ không riêng rẽ ngành nào hay lĩnh vực nào. Kinh nghiệm những quốc gia thành công trong sự nghiệp CNH trong nửa cuối thế kỷ 20 đều dựa vào sự quyết tâm chính trị của cả dân tộc họ.              

Tuy nhiên, TS Trần Du lịch cũng đặt vấn đề, nếu thiếu tư duy hệ thống về quản lý nhà nước phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường, thì mọi nỗ lực cải cách riêng lẻ sẽ không mang lại hiệu quả, mà sự mâu thuẫn và phức tạp ngày càng tăng thêm. Theo đó, vấn đề tiên quyết là cần mở rộng phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quản lý kinh tế:; nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, dựa trên nguyên tắc phải tạo cơ chế để tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của Trung ương đối với địa phương.

TS Trần Du lịch cũng nhấn mạnh đến việc cần cải cách nền tài chính công, chuyển dần cơ chế “ ngân sách lồng ghép” gọi chung là ngân sách nhà nước như hiện nay sang cơ chế tách biệt” ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương; Phát huy cơ chế tự chủ ngân sách của địa phương;  Đây là cơ sở để cải cách nền tài chính quốc gia. Phải khắc phục tình trạng “xin- cho “ trong quy trình lập ngân sách.  Phát huy vai trò của các định chế phi lợi nhuận thay cho quan điểm xã hội hóa về dịch vụ công như hiện nay. Nhà nước cung cấp dịch vụ công ích, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ một phần gián tiếp qua các định chế phi lợi nhuận.

Điều quan trọng, TS Trần Du Lịch cho rằng cần xây dựng hệ sinh thái cho doanh nghiệp phát triển. Về nguyên tắc Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính. Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong quản lý kinh tế thị trường, tuy chưa hoàn thiện, nhưng cũng đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực. Nhưng hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế chưa cao. Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra. Điển hình nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng; vệ sinh an toàn thực phẩm; môi trường… Từ đó, việc tạo niềm tin cho doanh nghiệp về tính minh bạch, công minh trong chính sách và thực thi pháp luật là yếu tố quan trọng. Có chính sách, kể cả các biện pháp tình thế khi cần thiết, để thúc đẩy hinh thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh trong từng ngành và từng lĩnh vực để làm nòng cốt, dẫn dắt và thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ; làm đối tác ngang tầm với các doanh nghiệp lớn nước ngoài; tạo nên những thương hiệu Việt với tầm nhìn toàn cầu; Tăng cường biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt. Xây dựng tiêu chí công nhận thương hiệu quốc gia được Nhà nước bảo hộ và kiểm soát trong quá trình mua-bán; sáp nhập ( M&A) với doanh nghiệp nước ngoài.

TS Trần Du Lịch đề xuất, xây dựng Luật công nghiệp hỗ trợ gắn với Luật DNV&N hiện hành nhằm đông bộ hóa việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở tập hơp, thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong cùng nhóm ngành theo mô hình các “ cứ điểm sản xuất”ở các vùng kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương 

Đồng tình với quan điểm của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, doanh nghiệp là nguồn năng lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chính là một điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể lớn mạnh, hoạt động hiệu quả trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao chủ trì, phối hợp rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh thông điệp "càng khó khăn càng phải cố gắng nỗ lực" để vượt khó; nỗ lực để tiếp cận cái mới để tìm ra động lực mới nhằm phát triển nhanh và bền vững.

Hải Yến