KHẲNG ĐỊNH ƯU TIÊN NHẤT QUÁN TRONG VIỆC THÚC ĐẨY THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

11/09/2023

Từ ngày 14-17/9/2023, Quốc hội Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục khẳng định ưu tiên nhất quán trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

CHỦ NHIỆM UỶ BAN ĐỐI NGOẠI: PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NGHỊ SĨ TRẺ, GIỚI TRẺ TRONG GIẢI QUYẾT NHỮNG THÁCH THỨC TOÀN CẦU

Tháng 9/2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (gọi tắt là SDGs) với 169 chỉ tiêu, nhấn mạnh ưu tiên thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục, an ninh về mọi mặt. Chương trình nghị sự 2030 thể hiện quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên toàn thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, các nghị viện đóng vai trò tiên quyết. Bởi đây là cơ quan tạo hành lang pháp lý, giám sát quá trình thực hiện và phân bổ nguồn ngân sách cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, trong những năm vừa qua, các nghị sĩ đã thể hiện rõ vai trò trung tâm của mình trong xã hội hiện đại thông qua hoạt động lập pháp và quyết định về ngân sách. Các nghị sĩ có thể mang đến những đóng góp quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đúng như Chương trình nghị sự 2030 đã được Liên hợp quốc đề ra.

Là diễn đàn hợp tác liên nghị viện lớn nhất hành tinh, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của các nghị sĩ trong tiến trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Quốc hội Việt Nam luôn tham gia tích cực, chủ động đóng góp ý kiến và thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm của IPU.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình cho biết, Việt Nam đã thành công trong việc giới thiệu một bộ công cụ rất quan trọng để tự đánh giá, để Quốc hội, các nghị sĩ có thể tham gia đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Hiện tại Quốc hội Việt Nam có tham vọng thúc đẩy việc triển khai sử dụng bộ công cụ này đến từng nghị sĩ, đưa vào chương trình hoạt động của các nghị sĩ tại các Đoàn ĐBQH ở các địa phương.

Từ đó tới nay, các nước - trong đó có Việt Nam - luôn nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu. Song, thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, khiến tiến trình "đạt được toàn bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững" vào năm 2030 có thể sẽ gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, đến nay, chỉ còn chưa đầy 7 năm nữa để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng theo Liên hợp quốc, chỉ có 12% các mục tiêu đang được thực hiện đúng hướng, trong khi 50% lệch hướng ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng. Thực trạng này đòi hỏi phải tận dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nỗ lực tăng tốc để tìm ra các cách tiếp cận và giải pháp mới.

Trong bối cảnh này, đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Quốc hội Việt Nam lựa chọn đề tài “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Chủ đề được Quốc hội Việt Nam lựa chọn cho được đánh giá là đúng và trúng với xu hướng chung của thế giới. Hội nghị được kỳ vọng có thể tăng cường vai trò của nghị viện nói chung, và các nghị sĩ trẻ nói riêng, trong việc thúc đẩy đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà

Trao đổi về chủ đề hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, hiện nay, trên thế giới đang có xu hướng thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Quốc hội Việt Nam đã lựa chọn, đề xuất vấn đề mang tính thời sự cao, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.

Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới IPU Martin Chungong nêu rõ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là những yếu tố quan trọng giúp đạt được mục tiêu phát triển bền vững, và những nghị sĩ trẻ, những công dân của thời đại số, là những nhà lãnh đạo hoàn hảo nhất để dẫn dắt tiến trình này. Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới bày tỏ tin tưởng Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ giúp các nghị sĩ trẻ nói riêng, các nghị viện nói chung thay đổi mạnh mẽ hơn để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới IPU Martin Chungong

Đại hội đồng IPU lần thứ 132 (năm 2015) tại Việt Nam đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về “Các mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục khẳng định ưu tiên nhất quán trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo khảo sát, nghiên cứu vai trò của thanh niên trong hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam trong 6 tháng qua, gần 57% số người được khảo sát cho rằng, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng lập thân, lập nghiệp là một trong những yếu tố cản trở việc tham gia đóng góp vào phát triển bền vững. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, thanh niên chiếm tới 36% trong cơ cấu lực lượng lao động, đóng vai trò quan trọng, không chỉ là người thụ hưởng thành quả, mà còn có vai trò phát huy sự năng động, sáng tạo, tâm huyết để làm lực lượng xung kích. Thời gian qua, thanh niên có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, lực lượng lao động thanh niên được qua đào tạo còn ở mức hạn chế. Thể lực, thể trạng của thanh niên Việt Nam còn khiêm tốn. Kỹ năng, tính tổ chức kỷ luật cùng yếu tố nguồn lực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn hạn chế, đó chính là những rào cản giới hạn sự phát triển của lực lượng lao động này.

Đề ra giải pháp nâng cao vai trò của thanh niên trong tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng cần phối hợp thực hiện các biện pháp thay đổi chính sách cũng như tăng cường các nguồn lực. Việc tiên quyết đầu tiên là cần cơ chế, chính sách để khơi dậy, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên có thể đóng góp sức lực, trí tuệ, tâm huyết và những thế mạnh của mình vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội. Cần tích cực giao việc, đặt hàng đối với thanh niên, cùng với đó, cần tăng cường nguồn hỗ trợ để hoạt động của thanh niên được hiệu quả hơn nữa, để thanh niên có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước cũng như việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. 

(Theo Nghisitre.quochoi.vn)