XÁC ĐỊNH TRỌNG TÂM GIÁM SÁT ĐỂ THÁO GỠ NHỮNG “NÚT THẮT” VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG

11/09/2023

Giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cần tập trung kiến nghị tháo gỡ những nút thắt về mất cân đối giữa phương tiện giao thông với hạ tầng giao thông; bất cập trong năng lực quản lý; ý thức chấp hành của người tham gia gia thông; tính kết nối của hạ tầng giao thông, từ đó kiến nghị giải pháp tiết giảm chi phí logistic, giảm ùn tắc giao thông…

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: XÁC ĐỊNH TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM GIÁM SÁT THUỘC 5 LĨNH VỰC GIAO THÔNG

Theo chương trình Phiên họp thứ 26, chiều ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Chuyên đề giám sát này cùng với chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023” là 2 chuyên đề Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong năm 2024.

“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023” là một trong hai chuyên đề Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong năm 2024.

Tại Nghị quyết số 838/NQ-UBTVQH15 ngày 2/8/2023 về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” đã nêu rõ mục đích giám sát nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trậ tự, an toàn giao thông. Đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian tới và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Thực hiện Nghị quyết số 838/NQ-UBTVQH15, đến thời điểm này, Đoàn giám sát đã tổ chức Phiên họp thứ nhất, công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập đoàn giám sát; công bố Quyết định số 589/QĐ-ĐGS về thành lập Tổ giúp việc Đoàn giám sát.

Hiện tại, Tổ giúp việc Đoàn giám sát đã xây dựng dự thảo Kế hoạch chi tiết, dự thảo Đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” để thành viên Đoàn giám sát cho ý kiến, hoàn thiện trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và triển khai thực hiện.

Theo đó, dự kiến Đoàn giám sát sẽ tiến hành rà soát, tổng hợp các văn bản, đánh giá báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; nghiên cứu, tổng hợp, thu thập thông tin về quản lý, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, xác định phạm vi đối tượng, địa bàn… về thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Tổ chức các hội nghị triển khai hoạt động giám sát; Tổ chức các cuộc họp của Đoàn giám sát, làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại Trung ương; Tổ chức các Đoàn công tác, Tổ công tác giám sát, khảo sát tại địa phương hoặc làm việc với các Bộ, ngành ở Trung ương, tổ chức, cá nhân có liên quan vè tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Cùng với đó, Đoàn giám sát cũng tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tham vấn để đóng góp ý kiến, thu thập thông tin phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát và xây dựng dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về  “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát nêu rõ: Theo kế hoạch, chuyên đề giám sát này sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9/2024; tiếp đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chuyên đề giám sát này và gửi báo cáo đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Chuyên đề giám sát này có 4 đặc thù: Phạm vi giám sát rộng trên cả nước về việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các hoạt động liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng) và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Thời gian giám sát dài 15 năm (từ năm 2009-2023). Hoạt động giám sát triển khai cùng thời điểm Quốc hội thảo luận và thông qua 2 luật: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (lĩnh vực trọng tâm của chuyên đề giám sát). Việt Nam đang triển khai các chiến lược giao thông trên các lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực đạt tới trình độ của quốc tế, nhưng cũng có lĩnh vực còn chậm so với tiềm năng và thế mạnh của đất nước, thông qua giám sát kiến nghị các giải pháp, ban hành các văn bản quy phạm để đưa các lĩnh vực giao thông phát triển tương xứng.

Với 4 đặc thù nêu trên, việc xây dựng Kế hoạch giám sát chi tiết rất quan trọng, trong đó phân công nhiệm vụ của thành viên đoàn giám sát cần rõ người, rõ việc, có sản phẩm. Kế hoạch giám sát cần xác định trọng tâm, trọng điểm thuộc 5 lĩnh vực giao thông: đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, đường hàng không. Trong quá trình giám sát cần kế thừa kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong các nhiệm kỳ trước.

Góp ý hoàn thiện dự thảo Kế hoạch giám sát, đại biểu Nguyễn Thành Trung, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, chuyên đề giám sát này có thuận lợi, đó là đã có Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”.

Ban Bí thư cũng ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, trong đó đã chỉ rõ các tồn tại, hạn chế nguyên nhân và đặt ra các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể căn cứ vào các nhiệm vụ, giải pháp này để đề xuất với các cơ quan liên quan về nội dung giám sát. Đại biểu cũng đề nghị trong quá trình giám sát cần chú trọng giám sát tính kết nối của hạ tầng giao thông, từ đó kiến nghị giải pháp tiết giảm chi phí logistic; giảm ùn tắc giao thông.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm đề nghị trong dự thảo kế hoạch giám sát bổ sung mục đích sau giám sát, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn giao thông trong thời gian tới để có tầm nhìn chiến lược dài hơn. Về nội dung giám sát, đại biểu cũng cho rằng nên tập trung vào một số nội dung trọng tâm nhằm phục vụ trực tiếp xây dựng 2 luật: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến đang được Quốc hội cho ý kiến. Đại biểu cũng đề nghị, quá trình giám sát cần rà soát các quy định về nồng độ cồng trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và các luật liên quan để kiến nghị sửa đổi các luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng – đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát cho rằng, qua giám sát cần tháo gỡ được 3 nút thắt quan trọng đó là: mất cân đối tăng trưởng giữa phương tiện giao thông với hạ tầng giao thông; bất cập trong năng lực quản lý (con người thể chế, cơ chế vận hành); ý thức chấp hành của người tham gia gia thông. Mặc dù phạm vi rộng nhưng nếu tập trung vào các nội dung này sẽ khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong hiện tại và có giải pháp dài hạn trong thời gian tới.

Đóng góp về phạm vi giám sát, đại biểu đề nghị nên phân kỳ giám sát theo từng giao đoạn, theo thời điểm các luật được Quốc hội ban hành, trong đó tập trung giám sát vào 3 nút thắt nêu trên. Đồng thời, tập trung giám sát các bộ có chức năng, nhiệm vụ chính đảm bảo trật tự, an toàn giao thông: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Giao thông vận tải; tập trung giám sát tại những địa phương có đặc thù về giao thông đường thủy nội địa, giao thông đường bộ, giao thông miền núi, giao thông đường thủy. Đại biểu cũng thống nhất bổ sung nội dung kết quả giám sát là cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là 2 dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội thông qua.

Các ý kiến góp ý vào dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết sẽ được Tổ giúp việc của Đoàn giám sát tiếp thu, hoàn chỉnh trình lãnh đạo Đoàn giám sát trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 9, dự kiến vào chiều ngày 12/9.

Lan Hương - Nghĩa Đức