CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU QUAN TRỌNG

11/09/2023

Nhấn mạnh kết quả giám sát 3 CTMTQG, thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu của các CTMTQG bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phạm vi, nguyên tắc Nghị quyết của Quốc hội, xác định cả 3 CTMTQG đều đạt được nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng; hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được cải thiện.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC VỚI CHÍNH PHỦ VỀ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Quang cảnh Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ

Mục tiêu của các CTMTQG bước đầu đạt được một số kết quả tích cực

Báo cáo tóm tắt về kết quả giám sát “Việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030” tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ, thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu của các CTMTQG bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phạm vi, nguyên tắc Nghị quyết của Quốc hội xác định cả 3 CTMTQG đều đạt được nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng; hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được cải thiện. Tính đến ngày 30/6/2023, cả nước có 73,65% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2022 giảm 1,17%, vùng DTTS&MN giảm 3,4% đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội giao; tín dụng chính sách xã hội có vai trò quan trọng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Đoàn Giám sát ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương hoàn thành khối lượng lớn các văn bản về quản lý, chỉ đạo điều hành, hướng dẫn thực hiện các CTMTQG; tổng hợp 339 kiến nghị của địa phương và ban hành Công điện 71/CĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phân công, giao nhiệm vụ cho 18 bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, trả lời và tham mưu, sửa đổi Nghị định 27 và Thông tư, văn bản có liên quan khác.

Ban Chỉ đạo chung các CTMTQG đã thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, kiện toàn, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Cơ quan giúp việc cho từng Chương trình căn cứ vào tình hình thực tiễn, kế thừa từ các giai đoạn trước thành lập văn phòng điều phối, văn phòng giảm nghèo hoặc tổ công tác.

Công tác lập kế hoạch và phân bổ vốn thực hiện các Chương trình đã được Chính phủ giao về các địa phương theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công; nội dung bám sát các nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các CTMTQG. Kết quả giải ngân đã có tiến bộ, nhất là về nội dung vốn đầu tư hạ tầng.

Còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đã chỉ rõ một số hạn chế, bất cập trong triển khai thực hiện 3 CTMTQG. Theo đó, kết quả xây dựng nông thôn mới chưa có chiều sâu, thiếu bền vững; nợ, hụt tiếu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo bộ tiếu chí mới, nhất là ở địa bàn khó khăn; giảm nghèo chưa đạt được mục tiêu đa chiều, bao trùm, bền vững, chưa hạn chế được tái nghèo, phát sinh nghèo, nhất là vùng đồng bào DTTS&MN; nhiều dự án, tiểu dự án chưa có hiệu quả, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, thu nhập, mức sống của người dân còn thấp; khả năng hoàn thành các mục tiêu của Chương trình là rất khó khăn.

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương còn có hạn chế chưa thực sự phát huy chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả hoạt động của cơ chế 01 Ban chỉ đạo chung 3 CTMTQG. Việc thành lập tổ chức, bộ máy giúp việc chưa có sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương dẫn đến thiếu thống nhất trong chỉ đạo, điều hành.

Ban Chỉ đạo chung cho 03 CTMTQG các cấp tuy đã được kiện toàn, thành lập song cơ chế quản lý, chỉ đạo, lãnh đạo vẫn theo tính chất ngành dọc của từng cơ quan; hiệu quả phối hợp liên ngành (theo chiều ngang) chưa thật sự chuyển biến rõ nét, nhất là giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến quản lý và tổ chức thực hiện 3 CTMTQG.

Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình, nhất là việc ban hành VBQPPL thuộc thẩm quyền quản lý, hướng dẫn, thực hiện dự án, tiểu dự án, chính sách các CTMTQG. Các văn bản chính ban hành chậm, số lượng văn bản ban hành quá nhiều với khoảng 120 văn bản của Trung ương và 40 văn bản của địa phương.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng, việc nắm bắt các vấn đề, hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình ở cơ sở (nhất là cấp xã, huyện nghèo) chưa kịp thời. Còn có sự trùng lắp về đối tượng, phạm vi, địa bàn, nội dung thực hiện thực hiện ở cả 3 CTMTQG (nhất là các chương trình giảm nghèo, chương trình dân tộc); việc lập kế hoạch xác định nhu cầu của một số địa phương chưa sát thực tế (sử dụng số liệu báo cáo cũ) làm cho công tác thực hiện phân bổ vốn không hợp lý, dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trong khi mỗi chương trình lại có cơ chế quản lý khác nhau nên không thực hiện được lồng ghép.

Nguồn vốn bố trí có hạn chế so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Phân bổ vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương chậm (quý II năm 2022 mới giao). Tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương chưa hợp lý.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, những hạn chế, bất cập nêu trên đã làm cho tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn chậm, ước đạt 47% kế hoạch, nhất là vốn sự nghiệp, dễ phát sinh tình trạng cá cứ, quyền anh, quyền tôi, lãng phí nguồn lực, trục lợi chính sách, tiêu cực, tham nhũng.

Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện 3 CTMTQG

Từ những vướng mắc, hạn chế đó, thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đã đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện 3 CTMTQG, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện.

Theo đó, đối với Quốc hội, UBTVQH, đề nghị cho phép chuyển nguồn vốn sự nghiệp sang năm 2024 các chính sách, dự án, tiểu dự án không có khả năng hoàn thành trong năm 2023; Cho phép Chính phru điều chỉnh mục tiêu, chính sách của dự án, tiểu dự án của các CTMTQG không phù hợp với tình hình thực tiễn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc làm việc (bên phải)

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị thông báo nguồn vốn sự nghiệp NSTW cho cả giai đoạn; chỉ đạo giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, nhất là sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp (hoàn thành trước ngày 30/10/2023).

Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan để thực hiện đầy đủ nội dung, nguyên tắc trong các Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện các CTMTQG. Đồng thời có phương án xử lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sớm vốn tồn đọng do giải ngân chậm; có giải pháp quyết liệt giải quyết dứt điểm những khó khăn về  đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho vùng đồng bào DTTS&MN; nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo tinh thần của Kết luận 65-KL/TW ngày 30/9/2019 của Bộ Chính trị.

Đoàn giám sát đề nghị các bộ ngành liên quan tăng cường trách nhiệm, phối hợp, tham mưu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc, kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Chương trình, nhất là vướng mắc về quy trình, thủ tục giải ngân vốn sự nghiệp.

Đối với địa phương, đề nghị tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện CTMTQG. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, Chương trình, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia; hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến cần linh hoạt.

Đồng thời, có biện pháp quyết liệt thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương đã được phân bổ cho các CTMTQG; đánh giá kết quả việc thực hiện quy định cơ chế lồng ghép giữa các CTMTQG, giữa các CTMTQG với các chương trình, dự án khác; cơ chế huy động các nguồn lực khác thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để thúc đẩy việc triển khai thực hiện các Chương trình.

Bên cạnh đó, tăng cường vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp; sự tham gia của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong thực hiện các CTMTQG ở địa phương./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Các bài viết khác