NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ ĐỂ HẠN CHẾ TỐI ĐA NGƯỜI LAO ĐỘNG RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI 1 LẦN

17/08/2023

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các Bộ ngành cho rằng, cần nghiên cứu có giải pháp đồng bộ hơn nữa hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để đảm bảo cuộc sống như tín dụng ưu đãi, đào tạo, việc làm để hạn chế tối đa người dân rút BHXH 1 lần…

NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI: HƯỚNG TỚI 10 NĂM LÀ ĐỦ ĐIỀU KIỆN HƯỞNG LƯƠNG HƯU

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN LÀM VIỆC VỚI THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Trong khi tình hình kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 chưa ổn định, việc sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước bị ngưng trệ hoặc hoạt động cầm chừng khiến người lao động mất việc làm hoặc thu nhập bấp bênh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến số người lao động, đặc biệt là những lao động lớn tuổi phải rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần để trang trải cuộc sống gia tăng trong thời gian qua.

Toàn cảnh Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tình trạng người lao động rút BHXH 1 lần ngày một tăng không chỉ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội, hoạt động an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo cuộc sống của chính người lao động khi nghỉ hưu, lúc sức khỏe suy yếu, bệnh tật... Vì vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu, xem xét để có sự điều chỉnh kịp thời trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) diễn ra sáng 17/8, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Dự án Luật đang giữ quy định các điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần cơ bản kế thừa Nghị quyết 93/2015/QH13. Đối với trường hợp sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, Chính phủ đề xuất hai phương án. Về vấn đề này, có nhiều loại ý kiến khác nhau:

Loại ý kiến thứ nhất lựa chọn Phương án 1 là giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực.

Loại ý kiến thứ hai lựa chọn Phương án 2, chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Loại ý kiến thứ ba chưa đồng ý với cả hai phương án Chính phủ trình vì Phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút BHXH 1 lần. Phương án 2 cho rút 50% không hợp lý vì đây là tiền của người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 168 của Bộ Luật Lao động và chưa giải thích về tỷ lệ 50%.

Loại ý kiến thứ tư đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có chính sách giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn để giảm thiểu nguy cơ phải hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi đối với người lao động khi bị nghỉ việc hoặc nếu lựa chọn phương án 2 thì cần phải bổ sung quy định chặt chẽ hơn về điều kiện.

Loại ý kiến thứ năm đề nghị trong bối cảnh bảo hiểm hưu trí bổ sung chưa phát triển, đề nghị nghiên cứu tách quỹ hưu trí bắt buộc thành 2 phần, phần bắt buộc đóng ở mức sàn để bảo đảm an sinh xã hội và phần còn lại của thu nhập. Người lao động không có quyền rút phần bắt buộc nhưng được rút phần còn lại. Cả 2 quỹ này đều do cơ quan BHXH quản lý.

Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh.

Đề cập về nội dung trên, Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh bày tỏ đồng thận cao với nội dung dự án Luật nêu và góp ý thêm một số ý kiến. Theo đó, quan điểm chung khi sửa Luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia BHXH, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH.

Ông Phan Văn Anh cũng lưu ý, việc sửa Luật không làm suy giảm hoặc mất đi các quyền lợi mà người lao động được thụ hưởng, để người lao động không cảm thấy mình chịu thiệt thòi sau nhiều lần thay đổi chính sách. Chẳng hạn như việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian tham gia BHXH để được hưởng mức tối đa là 75%. Vì vậy, cần thận trọng xem xét đánh giá kỹ lưỡng các chính sách có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội như BHXH 1 lần, cách tính cũng như mức hưởng, thời gian hưởng cũng như chế độ với người lao động chưa đủ tuổi hưu trí.

Đồng tình việc giảm thời hạn đóng để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, theo đại diện Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua khảo sát tổng hợp cho thấy, việc này tạo điều kiện người lao động hưởng lương hưu sớm hơn trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng BHXH từ 15 năm trở lên là phù hợp. Tuy nhiên, ông Phan Văn Anh cũng cho rằng, mức lương nếu đóng 15 năm được hưởng 33,75% cần xem xét ở khía cạnh chia sẻ để hỗ trợ với những người nghỉ hưu có thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống.

Về quy định BHXH 1 lần, dù đây là quyền lợi chính đáng của người lao động, song xu hướng rút BHXH 1 lần tăng thời gian qua là thực tế đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, trong vấn đề an sinh xã hội.

Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho rằng, hai phương án được đưa vào trong dự Luật đều theo hướng nhằm hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần, đều có ưu, khuyết điểm. Vì vậy, đề nghị có nhóm giải pháp đồng bộ hơn nữa hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để đảm bảo cuộc sống như tín dụng ưu đãi, đào tạo, việc làm… Ngoài ra, để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với BHXH, giảm tình trạng rút BHXH 1 lần, cần xem xét nâng mức trợ cấp 1 lần cho người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm, tương ứng với tỉ lệ lương hưu 75%.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Giải trình những ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong Bộ luật Lao động, phức tạp nhất là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Với Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đây cũng là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất. Nếu làm không tốt, không có phương án phù hợp, có thể xảy ra những điều không hình dung hết được.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ban đầu cơ quan soạn thảo tính toán 3 phương án khác nhau về rút BHXH, nhưng sau khi ra Chính phủ gom lại 2 phương án. Song tất cả phải trên cơ sở làm sao hài hòa giữa đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho đất nước với giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động. Đồng thời, không gây “sốc” với người lao động, nhất là với người lao động khó khăn.

Trong thời gian qua, có tới 72% người rút BHXH 1 lần ở khu vực phía Nam, miền Trung và tuyệt đại bộ phận là công nhân. Nguyên nhân ban đầu là do cuộc sống còn khó khăn. Tuy nhiên, cả 2 phương án cơ quan soạn thảo đưa ra “thực sự chưa có phương án tối ưu nhưng ít ra có phương án tạm thời có thể chấp nhận được.

Nếu nhìn đúng tinh thần Nghị quyết 28 phải chọn phương án 2. Phương án hài hòa giữa người đóng góp, đang tham gia cũng như người tương lai tham gia. Thế nhưng, phương án 2 lại tiếp tục cho người lao động sau có khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực được rút, là không trọn vẹn. Vì thế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Dung cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp nhằm tiếp tục nghiên cứu, tính toán. Trong đó, có thể xem xét thay thế bằng các cơ chế, chính sách khác để người lao động không phải rút BHXH 1 lần./.

Bích Lan