NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI: HƯỚNG TỚI 10 NĂM LÀ ĐỦ ĐIỀU KIỆN HƯỞNG LƯƠNG HƯU

17/08/2023

Đóng góp vào dự án dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tại Phiên họp thứ 25, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 25 xuống 15 năm và hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp là nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động...

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN LÀM VIỆC VỚI THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Phiên họp.

Thực hiện Phiên họp thứ 25, sáng 17/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tại Phiên họp, sau khi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý Luật Bảo hiểm xã hội phải phản ánh được tính lịch sử, tâm lý xã hội, dân số, sức khỏe nhân dân, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Các chính sách và tác động hướng đến các mục tiêu của Nghị quyết số 28 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28) đã đặt ra, phù hợp với thực tiễn phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta, khả năng bảo đảm của ngân sách nhà nước, khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn. Cần có những đổi mới căn bản để xử lý những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn; phân tích rõ tính ưu việt của các chính sách sửa đổi, bổ sung và tính đến những tình huống phản ứng chính sách của người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án Luật, các tác động đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, dư luận xã hội.

Đại diện các Bộ ngành tham dự Phiên họp.

Dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ: Đánh giá cụ thể, đầy đủ về mối quan hệ giữa Luật Bảo hiểm xã hội và các luật có điều chỉnh về các chính sách vể bảo hiểm xã hội (Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Người cao tuổi…) và cập nhật tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Ngoài ra, Chính phủ cần tiải trình rõ hơn sự tương thích với Công ước 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về an sinh xã hội dự kiến sẽ trình Quốc hội phê chuẩn trong thời gian tới, tương thích với các quy định có liên quan trong các hiệp định song phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, cơ quan soạn thảo đã tuân thủ thủ tục, quy trình xây dựng pháp luật, đã tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá cụ thể hơn đối với từng chính sách để bảo đảm tính khả thi của việc giải quyết vấn đề giới trong dự thảo Luật, đồng thời bổ sung giải trình về việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án Luật và quy định các nguyên tắc, nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số về các chính sách bảo hiểm xã hội đặc thù.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, (thời hạn gửi Hồ sơ chưa bảo đảm theo đúng quy định. Báo cáo tổng kết thi hành Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách, Báo cáo việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chưa bảo đảm bao quát, đầy đủ, thuyết phục đối với những quy định có liên quan trong dự thảo Luật. Chưa có giải trình, thuyết minh, thông tin dữ liệu liên quan đến các chính sách, nhất là các chính sách mới, quy định phát sinh so với đề xuất xây dựng dự án Luật. Chưa đánh giá cụ thể về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực và phương thức bảo đảm thực hiện cũng như dự kiến nguồn lực mà ngân sách Nhà nước phải bảo đảm để thực hiện chính sách làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định. Tờ trình chưa chưa giải trình việc thay đổi bố cục dự thảo Luật. Dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chưa được rà soát, cập nhật theo dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp hơn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi

Trong khuôn khổ Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các Bộ ngành, các doanh nghiệp đã tập trung đóng góp ý kiến vào một số nội dung như: giảm số năm bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giải quyết việc lao động rút bảo hiểm xã hội; vấn đề nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội...

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đóng góp ý kiến.

Về điều kiện hưởng lương hưu, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định giảm số năm bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, vấn đề này đang còn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến tán thành giảm xuống 15 năm và loại ý kiến đề nghị giữ 20 năm như Luật hiện hành. Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tán thành với dự thảo của Chính phủ trình với những lý do như sau:

Thứ nhất là việc quy định giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 25 xuống 15 năm là phù hợp với Nghị quyết 28 của Trung ương, đó là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 25 xuống 15 năm và hướng tới là còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp hơn được tiếp cận và thụ hưởng với quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Thứ hai là tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn như là 45 -  47 tuổi mới tham gia lần đầu mới bắt đầu tham gia hoặc là những người tham gia liên tục, không liên tục dẫn đến nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh dẫn chứng, theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, trong 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nếu tiếp tục giữ quy định thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu là 20 năm để được hưởng lương hưu như hiện hành thì sẽ có khoảng 476.000 người đã tham gia bảo hiểm xã hội khó có cơ hội nhận được lương hưu. Lý do tiếp theo nữa là mặc dù mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn, nhưng mà người có thời gian đóng dài và đầy đủ nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế. Điều này sẽ góp phần đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người lao động khi về già. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với dự án Luật do Chính phủ trình về việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 25 xuống còn 15 năm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm tại Phiên họp.

Nêu quan điểm về nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nhiều điểm mới trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đặc biệt là việc cân nhắc giảm thời gian người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu. Trước đây, thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài nên nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Những lúc khó khăn như trong dịch Covid-19, giữa việc phải đóng 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng bảo hiểm xã hội 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Vì thế, dự án Luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm. Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra 2 phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần và cơ quan thẩm tra đã đưa ra 5 quan điểm. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mỗi phương án theo Tờ trình của Chính phủ phân tích có ưu điểm và các mặt khác nhau, trong đó, phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất một phương án để nghiên cứu có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của 2 phương án để ra một phương án. Theo đó, đối với những người tham gia sau khi Luật có hiệu lực không được rút bảo hiểm xã hội 1 lần khi đang trong độ tuổi lao động. Với người tham gia trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm. Việc làm này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng và đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội.

Đặc biệt, Quỹ Bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng thông với ngân sách, là quỹ tập trung lớn nhất chỉ sau ngân sách. Tính chất của Quỹ do Nhà nước bảo trợ nên trước đây cứ nói khái niệm vỡ quỹ hay không. Nhưng khẳng định không có khái niệm vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội, vì chúng ta có các chính sách thiết kế cân đối để đảm bảo.

Về quy định nâng cấp mô hình hoạt động Quỹ, trước đây Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chủ tịch Hội đồng Quỹ, song dự án Luật đề xuất Phó thủ tướng Chính phủ sẽ đảm nhận Chủ tịch Hội đồng Quỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ việc sửa đổi mô hình này, lý do là Hội đồng quản lý Quỹ phải có bộ máy giúp việc, có tính chất độc lập.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhắc lại thời điểm sơ suất khi Quỹ Bảo hiểm xã hội cho Công ty ALC II vay hàng nghìn tỷ đồng trái quy định, sau đó kỷ luật nhiều người. Điều này rất rủi ro, vì thế cơ chế kiểm soát phải nghiên cứu, tính toán. Trong khu vực cũng có những nước dùng tạm ứng quỹ cho vay đầu tư xây dựng cơ bản bị kỷ luật rất cao.

Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hiện nay có nhiều đối tượng lao động mới tham gia như mô hình 4.0 về kinh tế chia sẻ, quan hệ lao động rất khác. Trước đây chỉ là giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng hiện nay là 3 bên vì thêm công ty nền tảng như Grab. Ngoài ra, có các đối tượng lao động tự do, lao động từ xa, nên phải tính lương tối thiểu theo giờ.

Bảo đảm các chính sách có cơ sở vững chắc, tính thuyết phục cao

Đại diện cho phía các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công đồng thuận với quan điểm của Chính phủ, Quốc hội về việc có giải pháp xử lý nghiêm việc doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần khôi phục, quy định lại việc chậm đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Bởi vì việc đóng bảo hiểm của doanh nghiệp cũng phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, hạn hán, dịch bệnh...

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công, trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần quy định thời hạn được nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động như thế nào. Điều này cũng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện sắp xếp hoạt động kinh doanh để có thể đóng đủ bảo hiểm xã hội cho lao động. Nếu doanh nghiệp không thực hiện theo đúng thời gian theo quy định thì trong Luật cũng cần đưa ra chế tài xử lý rõ ràng.

Trong khuôn khổ Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nghe Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm về các nội dung, vấn đề được nêu trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại Phiên họp và cho biết, Bộ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, đề xuất trong quá trình hoàn thiện dự án Luật.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật; đánh giá cao sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của cơ quan chủ trì thẩm tra và sự tham gia thẩm tra, góp ý có trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là dự án Luật khó, có tác động lớn, nên đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật có chất lượng, trong đó lưu ý đến các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuộc Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Ý kiến của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết xây dựng dự án Luật nhưng đề nghị Chính cần tiếp tục đánh giá đầy đủ, đưa ra căn cứ khoa học, thực tiễn, đánh giá tác động đối với từng nội dung sửa đổi để tăng tính thuyết phục và đồng thuận. Đồng thời, bổ sung những nội dung các báo cáo thành phần như ý kiến phát biểu tại Phiên họp.

Về các nội dung cụ thể, đây là lần đầu báo cáo Ủy ban Thường vụ, vì vậy đề nghị các cơ quan tiếp tục họp bàn, thảo luận, từng bước hoàn thiện và lưu ý những nội dung quan trọng mà Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá: Hồ sơ dự án Luật đã được xây dựng khá tốt với sự cầu thị, lắng nghe, cách tiếp cận đã bám sát Nghị quyết 28 của Trung ương.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp.

Cơ sở chính trị đã tương đối rõ, tinh thần là phải quyết tâm, phải sớm trong xây dự dự án luật này, đồng thời tiếp tục nghiên cứu thay đổi kết cấu dự án Luật ở chương 2 cho mạch lạc hơn. Ngoài ra là việc đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng việc thay đổi Hội đồng quản lý quỹ; rà soát để đầy đủ hơn trong việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc; về quản lý thu Quỹ Bảo hiểm xã hội; quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội; trợ cấp hưu trí; về xác định hành vi chốn đóng, chậm đóng bảo hiểm và mức xử phạt; quy định về bảo hiểm thất nghiệp và nhiều vấn đề khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Xã hội tiếp tục thẩm tra dự án Luật này, Thường trực Ủy ban Xã hội chủ động tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để nắm bắt dự luận đối với dự án Luật…. bảo đảm trình Quốc hội dự án Luật có chất lượng. Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tham gia thẩm tra...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan; hoàn thiện Hồ sơ, bảo đảm các chính sách được giải trình thấu đáo, có cơ sở vững chắc, có tính thuyết phục cao.

Đối với các nội dung có sự tác động lớn, nhạy cảm, cần xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi trình Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo lại trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2023.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đại diện các Bộ ngành tham dự Phiên họp.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu tài liệu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh.

Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đóng góp ý kiến tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan; hoàn thiện Hồ sơ, bảo đảm các chính sách được giải trình thấu đáo, có cơ sở vững chắc, có tính thuyết phục cao./.

Bích Lan - Phạm Thắng