CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CÀNG CÔNG KHAI, MINH BẠCH THÌ GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÀNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ

16/08/2023

Tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận những kết quả tích cực đạt được, đồng thời đề nghị tiếp tục làm rõ tính Nhân dân, tính dân chủ, tính xây dựng và tính khoa học trong giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, gắn với phân công phối hợp thực hiện, công khai kết quả hoạt động.

GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM NGÀY CÀNG ĐI VÀO CHIỀU SÂU, CỤ THỂ, CHẶT CHẼ, PHÁT HUY HIỆU QUẢ THIẾT THỰC

Cơ bản tán thành với nội dung báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, công phu, trách nhiệm trên cơ sở tổng hợp nội dung báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo của Trung ương các tổ chức thành viên, báo cáo của Mặt trận Tổ quốc các tỉnh/thành và kết quả nghiên cứu khảo sát, hoạt động thực tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quy định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc bắt nguồn từ Quy chế 05 của Bộ Chính trị từ năm 2004, sau đó có Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Từ Quyết định số 217-QĐ/TW, đến các luật về Mặt trận Tổ quốc và các luật liên quan cho thấy trong tình hình mới đòi hỏi phải có những giải pháp, biện pháp mới và vai trò Mặt trận Tổ quốc ngày càng được nâng cao lên. Cùng với sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, đến nay cũng là 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, do đó cần tiến hành đánh giá thực hiện một cách bài bản, toàn diện các quy định này.

Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm nổi bật thêm một số nội dung cụ thể. Theo đó, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc là một hoạt động cơ bản của Mặt trận Tổ quốc. Giám sát đã quy định ở trong Hiến pháp nhưng phản biện xã hội thì đến Quyết định số 217-QĐ/TW mới nêu rõ và là một nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, giám sát, phản biện xã hội là một hoạt động mang tính Nhân dân, tính dân chủ, tính xây dựng và tính khoa học. Tuy nhiên báo cáo hiện mới đề cập nhiều đến tính Nhân dân, một phần của tính dân chủ, do đó cần làm rõ hơn tính xây dựng và tính khoa học của hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Cần có thêm đánh giá về việc quán triệt, nhận thức và thái độ thực hiện

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý cần sắp xếp lại các nội dung của báo cáo và các kiến nghị, đề xuất theo hướng: Một là việc quán triệt và thể chế chủ trương của Đảng ta về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện như thế nào để từ đó đánh giá về nhận thức và thái độ của các tổ chức, cơ quan hữu quan liên quan đến việc này. Chủ tịch Quốc hội cho biết cũng có nơi cấp ủy, chính quyền địa phương cũng không coi trọng vấn đề này. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy ở đâu coi trọng thì mới làm tốt được công tác mặt trận. Cấp ủy không có lãnh đạo, chỉ đạo thì sẽ rất khó làm.

Một trong những nội dung trọng tâm trong công tác giám sát, phản biện là vấn đề tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, trực tiếp là Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 30/10/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ và gần đây nhất là Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" có quy định về phản ảnh, tố giác tội phạm tham nhũng, tiêu cực, vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, nhất là trách nhiệm của Đảng viên và những người đứng đầu. Theo Chủ tịch Quốc hội phải làm rõ được nhận thức về những vấn đề này và xem xét trong thời gian tới tiếp tục thực hiện như thế nào, tính toán việc có sửa đổi nội dung Nghị quyết liên tịch 403 để bảo đảm phù hợp.

Nhấn mạnh, "tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng", Chủ tịch Quốc hội đề nghị có đánh giá việc quán triệt, thể chế hóa các chủ trương của Đảng trong đó có Quyết định số 217-QĐ/TW, các Nghị quyết Đại hội Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương từ đó đánh giá nhận thức, thái độ của các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp

Về các nội dung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ những kết quả nổi bật đạt được và  những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, những việc chưa được như mong muốn, làm rõ nguyên nhân là do bản thân quy định của Nghị quyết này hay do khâu tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó có đề xuất cụ thể, trường hợp Nghị quyết còn thiếu hoặc không đầy đủ thì sửa đổi, bổ sung; những điểm mới hơn so với Quyết định số 217-QĐ/TW thì phải kiến nghị với Bộ Chính trị để có chủ trương; những vấn đề đã có đủ hết quy định nhưng do làm không tốt thì phải tập trung vào khâu tổ chức thực hiện, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc có tính độc lập tương đối với giám sát của Đảng, Nhà nước

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng báo cáo cần làm rõ những định hướng dài hạn trong từng giai đoạn và những vấn đề có tính thời sự nổi lên theo ý kiến phản ánh của cử tri, Nhân dân, dư luận, thông tin báo chí.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo quy định của Nghị quyết liên tịch số 403, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc có tính độc lập tương đối. Do đó, khi có những vấn đề nổi lên bức xúc, căn cứ vào đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, dư luận phản ánh qua truyền thông xã hội thì Mặt trận Tổ quốc có quyền tiến hành giám sát độc lập nếu thấy cần thiết. Mặt khác, theo Quyết định 217-QĐ/TW, giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc với giám sát của Đảng, giám sát Nhà nước và các hình thức giám sát khác có sự phối hợp. Nhưng cần làm rõ phối hợp không có nghĩa là tất cả đều giống nhau, kể cả làm trùng cũng có thể trở thành kênh để so sánh, phản biện. Điều quan trọng là tính hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lưu ý vấn đề hậu giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Mặt trận Tổ quốc cũng có quyền đưa ra những báo cáo và những kiến nghị, đề xuất. Chính quyền và những đối tượng kiến nghị cần phải có trách nhiệm thông tin, báo cáo lại. Có như vậy mới bảo đảm được giá trị và hiệu lực của giám sát. Điều này đòi hỏi nhận thức, thái độ của các bên có liên quan như Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp là thành tố rất quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng phản biện của Mặt trận Tổ quốc có tính Nhân dân nhưng cũng lại có cơ quan đại diện. Do đó, Mặt trận Tổ quốc cần thể hiện được quyết tâm chính trị cao trong thực hiện nhiệm vụ được Hiến pháp, Đảng, Nhà nước ủy thác là rất quan trọng. Đồng thời việc phân công, phối hợp các chủ thể của giám sát, phản biện xã hội cần làm rõ chủ thể, phân công, phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Quốc hội, Chính phủ…là những nội dung cần được thể hiện rõ trong báo cáo.

Sức mạnh của giám sát, phải biện chính là từ công khai và minh bạch

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý báo cáo thêm về hình thức giám sát và phản biện xã hội như đối thoại trực tiếp, xem xét đơn thư khiếu nại, tố cáo, nghiên cứu, khảo sát, phương tiện thông tin đại chúng…

Về tổ chức bộ máy, đội ngũ nhân sự và điều kiện bảo đảm khác, Chủ tịch Quốc hội cho biết không hành chính hóa hoạt động của Mặt trận Tổ quốc nhưng để thực hiện được nhiệm vụ quyền hạn thì cần phải có cơ chế, tổ chức bộ máy, đầu mối, chế độ thông tin báo cáo… thì mới có thể thực hiện. Ở chiều ngược lại là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan hệ thống chính quyền địa phương các cấp từ Trung ương đến địa phương, các sở ngành phải trả lời những vấn đề của Mặt trận Tổ quốc kiến nghị thì mới bảo đảm được hiệu quả của hoạt động này.

Toàn cảnh phiên họp

Nêu rõ sức mạnh của giám sát, phải biện chính là từ công khai và minh bạch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Mặt trận Tổ quốc cần đẩy mạnh công khai thông tin, bên cạnh công khai các nội dung báo cáo Quốc hội thì những vụ việc giám sát, các nội dung giám sát chính sách, giám sát chuyên đề cũng cần phải được công bố rộng khắp, đậm nét. Cùng với các kiến nghị thực hiện và xử lý trách nhiệm thì càng công khai, minh bạch bao nhiêu, giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc càng hiệu lực, hiệu quả bấy nhiêu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.

Bảo Yến