CẦN BIỆN PHÁP, CHẾ TÀI ĐỦ MẠNH ĐỂ PHÒNG CHỐNG, XỬ LÝ TÌNH TRẠNG CHẬM ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

11/08/2023

Tại hội thảo Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào chiều 11/8 tại Hà Nội, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần quy định các biện pháp, chế tài đủ mạnh để phòng chống, xử lý tình trạng trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội; phân biệt rõ hành vi “trốn đóng” và “chậm đóng” bảo hiểm xã hội.

HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Quang cảnh Hội thảo

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Dự thảo Luật được xây dựng bám sát 05 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội; Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Tại dự thảo Luật lần này đã bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội (từ điều 36 đến điều 44). Theo đó, dự thảo luật bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng; Quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội  từ 12 tháng trở lên; …

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Quan tâm tới nội dung này, nhiều ý kiến chuyên gia thống nhất cao với định hướng cần có các quy định các chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, đồng thời đề nghị cần phân biệt cần phân biệt rõ hành vi “trốn đóng” và “chậm đóng” bảo hiểm xã hội.

 TS. Đoàn Xuân Trường – Trường Đại học Luật Hà Nội

Theo TS. Đoàn Xuân Trường – Trường Đại học Luật Hà Nội, cần đánh giá toàn diện tính tương thích về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội và khoản 10 Điều 2 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn về một số thuật ngữ được sử dụng trong quy định về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)

“Trốn đóng bảo hiểm quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”.

Bày tỏ thống nhất cao với định hướng cần có các quy định các chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc, Ths. Nguyễn Văn Phụng – Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính đề nghị, quy định về chế tài xử lý vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc cũng phải thật rõ và đúng về hành vi (ví dụ trốn đóng BHXH khác với chậm đóng). Trên cơ sở đó mới quy định, phương thức xử lý, mức độ xử lý, cơ quan, tổ chức/cá nhân có thẩm quyền xử lý, và biện pháp bảo đảm thi hành các chế tài xử lý.

Ths. Nguyễn Văn Phụng – Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính 

Với hành vi trốn đóng BHXH khi bị phát hiện, Ths. Nguyễn Văn Phụng đề xuất áp dụng nhiều biện pháp xử lý như: Truy thu đủ số tiền trốn đóng BHXH; Phạt theo số tiền từng lần khi xảy ra hành vi trốn đóng hoặc tỷ lệ % số tiền trốn đóng bị phát hiện; và Tiền chậm nộp 0,03% mỗi ngày tính trên số tiền BHXH đã chiếm dụng, chậm đóng do trốn đóng BHXH nay bị phát hiện.

Ngoài ra, các biện pháp như quyết định tạm ngừng sử dụng hóa đơn, tạm hoãn xuất cảnh, khởi tố hình sự đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động cũng có thể được quy định để áp dụng đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng hoặc vi phạm các quy định khác của Luật này cần được thảo luận kỹ lưỡng hơn.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội đề nghị, các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH và cơ quan quản lý Quỹ BHXH có thẩm quyền nhiều hơn trong việc xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH. Đặc biệt là cần bổ sung chức năng xử phạt khi phát hiện trường hợp trốn đóng BHXH cho cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam (hiện tại mới chỉ được phát hiện).

Cùng quan điểm, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, thời gian qua, cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng, thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH và cũng đã có những chuyển biến tích cực nhất định. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận một thực trạng là tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, đặc biệt vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra thời gian dài dẫn đến tình trạng khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ BHXH của người lao động.

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ

Theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chưa xác định, quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, các giải pháp, biện pháp xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Ủng hộ việc bổ sung các biện pháp, chế tài đủ mạnh như nói trên để phòng chống tình trạng trốn, chậm đóng BHXH – một vấn đề khá nan giải và cũng rất bức xúc hiện nay, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ đề xuất, cần kiên quyết, nghiêm túc trong tổ chức thực thi thì mới đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định ràng buộc trách nhiệm, bổ sung chế tài xử lý đối với các cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm có liên quan khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH./.

Lê Anh - Minh Thành