HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự hội thảo có: đại diện các bộ, ngành có liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Khoa học lao động xã hội, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hội luật gia,…
Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 (riêng quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018). Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực tiễn thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thể thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội,…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, bên cạnh cơ quan thẩm tra là Ủy ban Xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia là kênh thông tin khoa học độc lập giúp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình cho ý kiến; xem xét, thông qua dự luật.
TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp
Báo cáo tại hội thảo, ông Hà Thanh Tùng – Thư ký tổ biên tập dự án, Bộ Lao động –Thương binh và xã hội cho biết, dự thảo Luật bám sát 05 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội; Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Trên cơ sở các chính sách trên, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu đẻ được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội;…
Ông Hà Thanh Tùng – Thư ký tổ biên tập dự án Luật, Bộ Lao động –Thương binh và xã hội
Cho ý kiến tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội thể hiện quyết tâm của Chính phủ về tăng cường mở rộng an sinh xã hội cho người lao động cả về diện bao phủ và các chế độ phúc lợi người lao động được hưởng khi tham gia chính sách bảo hiểm xã hội, phù hợp với xu thế quốc tế và các đặc thù của Việt Nam.
Cũng theo các chuyên gia, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội lần này là bước sửa đổi khá căn bản, dần đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động, đáp ứng tốt hơn quyền lợi của nhóm người lao động, đặc biệt là lao động nữ, lao động trong khu vực phi chính thức, người cao tuổi. Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững "không bỏ ai lại phía sau" và củng cố vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ các nhóm lao động yếu thế.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các ý kiến đóng góp cụ thể về đề xuất: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng đề xuất sửa đổi; Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Điều 3); Về chế độ đối thai sản với phụ nữ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;… Cụ thể:
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội
Về đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có ý kiến cho rằng, việc bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa thực hiện triệt tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Hiện nay Việt Nam đang và sẽ tiếp tục triển khai các mô hình kinh tế mới, như kinh tế nền tảng công nghệ, kinh tế chia sẻ (GIG), kinh tế số, xã hội số..., dẫn đến xuất hiện nhóm người lao động mới (lao động công nghệ, lao động tự do trong nền nền kinh tế GIG, lao động làm việc từ xa.. ), sẽ có đóng góp đáng kể của cho phát triển kinh tế và thị trường lao động.
Tuy nhiên, dự thảo Luật hiện chưa thể hiện rõ họ thuộc nhóm đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không. Hơn nữa, nhóm lao động này đa số nhóm này trẻ, có thu nhập khá tốt, và mong muốn được tham gia bảo hiểm xã hội, do vậy nếu thu hút được nhóm đối tượng này sẽ tăng cường an sinh xã hội cho họ; tăng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội, giảm gánh nặng ngân sách cho chính sách hưu trí xã hội.
Bên cạnh đó, đối với nhóm lao động giúp việc trong hộ gia đình, vẫn không được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mặc dù họ có “chủ sử dụng lao động”.
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ
Liên quan đến quy định xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội, các chuyên gia thống nhất cao với định hướng cần có các quy định các chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đồng thời, lưu ý để khắc phục được triệt để tình trạnh này, quy định về chế tài xử lý vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng phải thật rõ và đúng về hành vi (ví dụ trốn đóng bảo hiểm xã hội khác với chậm đóng). Trên cơ sở đó mới quy định, phương thức xử lý, mức độ xử lý, cơ quan, tổ chức/cá nhân có thẩm quyền xử lý, và biện pháp bảo đảm thi hành các chế tài xử lý.
Với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội khi bị phát hiện, có ý kiến đề xuất áp dụng nhiều biện pháp xử lý như: Truy thu đủ số tiền trốn đóng bảo hiểm xã hội; Phạt theo số tiền từng lần khi xảy ra hành vi trốn đóng hoặc tỷ lệ % số tiền trốn đóng bị phát hiện; và tiền chậm nộp 0,03% mỗi ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội đã chiếm dụng, chậm đóng do trốn đóng bảo hiểm xã hội nay bị phát hiện.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rà soát một số nội dung khác như: Thời hạn đóng/nộp phải được thể hiện trên tờ khai và nhập liệu vào hệ thống quản lý thu như đối với quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc; Làm rõ hành vi “trốn đóng” và “chậm đóng”; Bổ sung các quy định ràng buộc trách nhiệm, bổ sung chế tài xử lý đối với các cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm có liên quan khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội;…
Kết thúc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học. Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, những nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cũng như tính khả thi của các đề xuất, TS. Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, kết quả của hội thảo sẽ được ban tổ chức nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ là nguồn thông tin tham khảo quý báu phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình cho ý kiến, xem xét nhằm hoàn thiện dự thảo Luật trước khi thông qua.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Quang cảnh hội thảo
TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì Hội thảo
Đại diện Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về kinh tế xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp
Các vị chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo
Ông Hà Thanh Tùng – Thư ký tổ biên tập dự án, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội
Các vị chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo
TS. Phạm Minh Huân, nguyễn Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội
Các vị chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo
Ths. Nguyễn Văn Phụng – Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính
TS. Đào Xuân Trường – Trường Đại học Luật Hà Nội
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ
Đại diện Ban soạn thảo dự án luật phát biểu làm rõ các ý kiến được nêu tại hội thảo./.