DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): CẦN BỔ SUNG CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ HOẠT ĐỘNG LẤN BIỂN

26/07/2023

Đóng góp ý kiến xây dựng dự án Luât Đất đai (sửa đổi), nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho rằng cần bổ sung các quy định cụ thể về hoạt động lấn biển: chế độ sử dụng đất của hoạt động lấn biển như quy định về các nguyên tắc của hoạt động lấn biển, khu vực hạn chế lấn biển, việc giao đất, cho thuê đất đối với dự án lấn biển phân biệt theo nguồn vốn ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động lấn biển.

ĐẢM BẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT VỚI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. Dự kiến dự án luật này sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Về sử dụng đất thực hiện dự án lấn biển, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, trên cơ sở đánh giá, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy ý kiến Nhân dân đã quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có dự án lấn biển và được khoanh định trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện để chủ yếu phục vụ cho phát triển kinh tế tại các địa phương (xây dựng khu đô thị, khu sản xuất phi nông nghiệp).

Tổng hợp ý kiến Nhân dân góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy các quy định về hoạt động lấn biển chưa phân biệt ranh giới với quy định của Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, chế độ sử dụng đất liên quan đến dự án lấn biển chưa cụ thể, chưa gắn kết với quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án lấn biển, quy hoạch chi tiết xây dựng dự án lấn biển để đảm bảo tính khả thi, vấn đề đất lấn biển quy định tại dự thảo Luật còn mờ nhạt, chưa có cơ chế quản lý rõ ràng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có đề nghị rà soát bổ sung biện pháp nhằm khắc phục hạn chế của giải pháp lựa chọn quy định trong Dự thảo Luật (sửa đổi).

Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, mục tiêu giải quyết vấn đề là nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển, trong đó có hoạt động lấn biển phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ứng dụng khoa học, công nghệ thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động lấn biển để khuyến khích lấn biển, mở rộng đất đai.

Đề xuất các giải pháp để giải quyết vấn đề, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng cần rà soát quy định của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã lấy ý kiến Nhân dân để bổ sung các quy định cụ thể về hoạt động lấn biển: chế độ sử dụng đất của hoạt động lấn biển như quy định về các nguyên tắc của hoạt động lấn biển, khu vực hạn chế lấn biển, việc giao đất, cho thuê đất đối với dự án lấn biển phân biệt theo nguồn vốn ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động lấn biển. Quy định diện tích đất được hình thành sau khi lấn biển thì thực hiện theo chế độ quản lý, sử dụng đất của Luật Đất đai; đồng thời, bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp lấn biển đã có trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Toàn cảnh phiên họp

Theo đại diện cơ quan soạn thảo, giải pháp này đã bổ sung quy định hoạt động lấn biển tách ra khỏi chế độ sử dụng đất có mặt nước ven biển để thực hiện dự án lấn biển. Đồng thời, đảm bảo tính thống nhất về cơ chế sử dụng đất thực hiện dự án lấn biển có tính chất đặc thù (đầu tư vốn lớn trong thời gian dài hơn so với khu vực đất liền, gắn với yêu cầu quản lý tổng hợp). Tăng thu ngân sách từ việc sử dụng đất thực hiện dự án lấn biển so với giải pháp sử dụng mặt nước biển thực hiện dự án lấn biển.

Đối với nhà đầu tư, giải pháp này đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thực hiện dự án lấn biển theo pháp luật về đất đai. Đã làm rõ phân biệt giai đoạn lấn biển và giai đoạn đầu tư sau khi lấn biển đối với đảm bảo quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án, đặc biệt là làm rõ chi phí lấn biển được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp, trường hợp chi phí lấn biển lớn hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp thì được tính vào chi phí đầu tư dự án; trường hợp chi phí lấn biển thấp hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp thì nhà đầu tư phải nộp phần chênh lệch vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sẽ tăng chi phí đầu tư dự án do phải nộp tiền cho ngân sách nhà nước theo giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai nhiều hơn số tiền nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển.

Về tác động xã hội, giải pháp này giúp phân biệt ranh giới quản lý, sử dụng đất có mặt nước ven biển với mặt nước biển. Đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận quỹ đất thực hiện dự án lấn biển theo quy định của pháp luật về đất đai. Chủ động hơn trong việc đề xuất dự án lấn biển do có quy định cụ thể 2 loại dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, được đảm bảo quyền lợi hợp pháp do được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đối với tác động về thủ tục hành chính, giải pháp này đồng bộ, thống nhất thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động lấn biển, theo đó tích hợp một số thủ tục ngay trong thủ tục chấp thuận chủ trương, giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án lấn biển. Nhờ đó, cắt giảm phần lớn thời gian thực hiện thủ tục hành chính khi thực hiện hoạt động lấn biển, góp phần khuyến khích nhà đầu tư thực hiện lấn biển, mở rộng diện tích đất đai.

Đối với tác động đối với hệ thống pháp luật, giải pháp này phát sinh yêu cầu phải sửa đổi quy định khác so với dự thảo Luật lấy ý kiến Nhân dân, cụ thể là pháp luật về tài nguyên và môi trường biển liên quan đến phạm vi quản lý xác định theo đường mép nước biển tính theo thủy triều thấp nhất và thủy triều cao nhất trong quy định hiện hành.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp bổ sung các quy định cụ thể về hoạt động lấn biển, đồng thời sẽ rà soát sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường biển liên quan đến phạm vi quản lý xác định theo đường mép nước biển tính theo thủy triều thấp nhất và thủy triều cao nhất để đảm bảo tính thống nhất với khu vực biển trước và sau khi hoàn thành dự án lấn biển và quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động lấn biển.

Hồ Hương