CỤ THỂ HÓA CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ THU HỒI ĐẤT LÀ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

26/07/2023

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục quan tâm đến việc cụ thể hóa chính sách hỗ trợ đối với người bị thu hồi đất là đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong việc đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập; về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...

ĐẢM BẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT VỚI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Chính phủ khi ban hành các văn bản dưới luật, cần tiếp tục quan tâm đến việc cụ thể hóa chính sách hỗ trợ đối với người bị thu hồi đất là đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong việc đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập; về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...

Về việc di dân, tái định cư ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng (theo quy định tại khoản 2, Điều 186), nội dung này đã được tiếp thu, chỉnh lý vào điểm d, khoản 1 Điều 82. Tuy nhiên, để việc tổ chức thực hiện được rõ ràng hơn, khi ban hành văn bản dưới luật, các đại biểu đề nghị Chính phủ quy định rõ đối với trường hợp này.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trong dự án Luật về quyền của cộng đồng dân cư sử dụng đất. Đây là chính sách rất quan trọng đối với đồng bào DTTS sinh sống gần rừng, gắn bó mật thiết với rừng. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp đối với việc sử dụng đất rừng của cộng đồng dân cư theo hướng mở rộng quyền tại điểm b khoản 4 Điều 178 và được sử dụng đất đa mục đích theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 216 , được kết hợp sử dụng là đất nông nghiệp với mục đích chăn nuôi, trồng cây dược liệu, du lịch sinh thái, cộng đồng, hoạt động văn hóa, tín ngưỡng…

Về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS tại Điều 17 (nội dung giải trình tại trang 26-27 Báo cáo số 277/BC-CP), các đại biểu cho rằng nội dung giải trình của Chính phủ còn thiếu cơ sở thực tiễn, chưa thực sự thuyết phục, do đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, quy định các chính sách đất đai cho các đối tượng ưu tiên trong một điều (hoặc mục) của dự thảo Luật (như đã kiến nghị tại Báo cáo số 959/BC-HĐDT15); trường hợp không quy định chung cho tất cả các đối tượng ưu tiên thì có điều quy định riêng cho đồng bào DTTS để thuận lợi cho việc cụ thể hóa chính sách và tổ chức thực hiện của các địa phương.

Về sử dụng đất nông, lâm trường bàn giao lại cho địa phương, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ cơ bản nhất trí với nội dung tiếp thu của Chính phủ về việc quy định đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao lại cho địa phương, ưu tiên giao đất đối với đồng bào DTTS và một số đối tượng chính sách. Tuy nhiên, kết quả thực hiện trong thời gian qua rất hạn chế, trong diện tích đất bàn giao về cho địa phương để giao cho các hộ thiếu đất là đồng bào DTTS chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, do đó các đại biểu đề nghị cần có quy định thu hồi đất từ các đối tượng khác (ngoài các công ty nông, lâm nghiệp và các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 180) để bổ sung quỹ đất giao cho đồng bào DTTS. Trong thực tế, nhiều địa phương không có nông, lâm trường nhưng có nhiều hộ thiếu đất ở, đất sản xuất. Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý bổ sung kiến nghị này.

Đối với các nội dung còn lại và một số ý kiến khác liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý vào dự thảo Luật hoặc có quy định trong các văn bản dưới luật của Chính phủ để giải quyết thỏa đáng các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các tác động của chính sách và chỉnh lý dự thảo Luật hoặc đưa vào quy định trong các văn bản dưới Luật, nghiên cứu thiết kế riêng một điều quy định riêng chính sách ưu tiên về đất đai đối với đồng bào DTTS, đặc biệt là bổ sung chính sách Miễn, giảm tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi cấp Giấy chứng nhận lần đầu đối với đất do chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở.

Đây là chính sách đã được quy định tại Điều 11 và Điều 12 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất; tuy nhiên, Nghị định mới chỉ cho phép áp dụng đối với trường hợp do tách hộ và quy định hai mức: Miễn tiền sử dụng đất đối với các xã ĐBKK vùng đồng bào dân tộc và miền núi; Giảm 50% tiền sử dụng đất đối với các địa bàn còn lại.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị nâng tầm, đưa vào quy định trong Luật và mở rộng đối tượng, cho phép áp dụng đối với các trường hợp được tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Về mức miễn, giảm tiền sử dụng đất, có tỷ lệ phù hợp với mức độ khó khăn của từng địa bàn: Miễn đối với trường hợp ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK (khu vực III), giảm 75% đối với xã điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II), giảm 50% đối với các xã còn lại. Tỷ lệ này đồng thời áp dụng trong chính sách giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trước tình hình nhu cầu về đất của đồng bào DTTS ngày càng trở nên bức xúc, cấp thiết trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn, nhiều địa phương không có quỹ đất để đáp ứng nhu cầu của đồng bào thì các chính sách đất đai trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần được nghiên cứu, xem xét một cách toàn diện, kỹ lưỡng và thấu đáo.

Hồ Hương