CÔNG TÁC TỔ CHỨC TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA ĐBQH CÓ NHIỀU ĐỔI MỚI LINH HOẠT, HIỆU QUẢ VỀ HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG

12/07/2023

Ngày 12/7, tại phiên họp thứ 24 của UBTVQH, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Nghị quyết liên tịch số 525/2012/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012. Theo đó, sau 10 năm thực hiện, công tác tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH đã có nhiều đổi mới linh hoạt, hiệu quả về hình thức và nội dung; bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai, đã phát huy vai trò, trách nhiệm của ĐBQH, của cử tri và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 12/7: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 24

10 năm qua, đã có 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri, với nhiều hình thức khác nhau.

Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu, rà soát Nghị quyết liên tịch số 525/2012/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, Trưởng ban Dân nguyện thuộc UBTVQH Dương Thanh Bình cho biết, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 525 về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, kết quả cho thấy, về mặt nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thi hành Nghị quyết đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều ĐBQH đã chủ động, tích cực thực hiện việc tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức khác nhau; thu thập, nghiên cứu và chuyển nhiều kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Cử tri ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm tham dự các cuộc tiếp xúc, kiến nghị, phản ánh với ĐBQH, ngày càng quan tâm đến hoạt động của Quốc hội, ĐBQH nói chung, hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhìn chung, công tác tổ chức tiếp xúc cử tri; công tác tổng hợp, phân loại các kiến nghị cử tri gửi tới các kỳ họp của Quốc hội; công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được tổ chức khoa học, công khai, minh bạch đạt được những kết quả đáng khích lệ, được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Các Đoàn ĐBQH đã chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình của các đợt tiếp xúc cử tri, qua đó số lượng và chất lượng các đợt tiếp xúc cử tri của ĐBQH tại các địa phương được nâng lên rõ rệt. Từ năm 2013 đến năm 2022 đã có 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri, với nhiều hình thức khác nhau, được tổ chức phục vụ ĐBQH tiếp xúc cử tri.

Công tác tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH từ khi thực hiện Nghị quyết số 525 đã có nhiều đổi mới linh hoạt, hiệu quả về hình thức và nội dung; bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai, đã phát huy vai trò, trách nhiệm của ĐBQH, của cử tri và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Nhiều Đoàn ĐBQH đã quan tâm cải tiến nội dung tiếp xúc cử tri và triển khai nhiều hình thức tiếp xúc cử tri chất lượng, hiệu quả.

Qua tiếp xúc cử tri, các ĐBQH cơ bản nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri muốn gửi tới các kỳ họp Quốc hội. Nhiều vấn đề, nguyện vọng mà cử tri gửi gắm đã được các ĐBQH đưa ra bàn thảo công khai, chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sau đó đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời được cử tri cả nước đánh giá rất cao. Từ năm 2013 đến năm 2022 đã có 650 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau được các cơ quan có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của cử tri.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình.

Toàn bộ các kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội đều được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong giai đoạn từ 2013 đến 2022, Ban Dân nguyện đã giúp UBTVQH tổng hợp và chuyển chính thức 42.455 kiến nghị của cử tri tới 72 đầu mối các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri theo quy định pháp luật.  

Hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được triển khai nền nếp, hiệu quả được nâng lên rõ rệt. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng bước cải tiến cách thức tiến hành giám sát như đã tổ chức nhiều lượt làm việc với các bộ, ngành có liên quan để làm rõ thêm những vấn đề, nội dung còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tế để kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội.

Những kết quả đạt được nêu trên một phần là do Nghị quyết số 525 đã có nhiều quy định đổi mới, khoa học, hiệu quả và hoàn thiện hơn so với trước đây. Việc tổ chức triển khai các quy định về tiếp xúc cử tri ngày càng nền nếp; việc giải quyết các kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, đặc biệt với tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân cả nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã tích cực, quyết liệt, khẩn trương, chủ động, trách nhiệm, phối hợp nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao... đây chính là những yếu tố quan trọng tạo nên những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri chỉ chủ yếu qua đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội.

Qua rà soát Nghị quyết liên tịch số 525/2012/UBTVQH13 ĐCTUBTWMTTQVN, Trưởng ban Dân nguyện thuộc UBTVQH cũng nêu một số hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 525. Cụ thể, về căn cứ pháp lý ban hành Nghị quyết, Trưởng ban Dân nguyện cho biết, Nghị quyết số 525 được ban hành trên cơ sở quy định của Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2007; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999 và Nghị quyết số 27/2012/QH13 của Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ ba về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật này đều đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng nêu một số nội dung, quy định bất cập, vướng mắc cụ thể trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 525. Theo đó, việc triển khai hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH, Đoàn ĐBQH chủ yếu tập trung dưới hình thức tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng được tổ chức còn ít và chủ yếu theo hình thức hội nghị.

Hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội thường ít hơn trước kỳ họp. Thời gian, địa điểm tiếp xúc cử tri chưa linh hoạt, chủ yếu trong giờ hành chính, hoặc thời giờ lao động chính của người dân, nên cử tri khó tiếp cận với người đại diện của mình. Nghị quyết số 525 chưa quy định hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến; nhiều địa phương khó khăn trong việc đầu tư xây dựng hệ thống trực tuyến do ngân sách, nguồn lực chưa đảm bảo.

Việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri chủ yếu chỉ thực hiện qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, còn đối với các hình thức tiếp xúc cử tri theo nhóm đối tượng, chuyên đề, lĩnh vực chưa tập hợp được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri. Chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri chưa cao, một số nội dung chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri. Một số Bộ, Ngành trung ương giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri không đúng hạn, còn chậm. 

Về việc giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thực hiện chức năng được UBTVQH giao trong giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đối với các cơ quan có thẩm quyền, Ban Dân nguyện đã có nhiều nỗ lực, tích cực trong việc đôn đốc, theo dõi việc giải quyết các kiến nghị cử tri đảm bảo thời gian, chất lượng, tuy nhiên việc giám sát chủ yếu mới được thực hiện thông qua hình thức xem xét, đánh giá văn bản trả lời, chưa có điều kiện tổ chức khảo sát, giám sát thực tế tại địa phương nơi cử tri có kiến nghị.

Đối với công tác phối hợp tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri, tại địa phương, công tác phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở có nơi còn hạn chế; công tác chuẩn bị, tổ chức, điều hành hội nghị tiếp xúc cử tri của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc cấp huyện, xã còn chưa chuyên nghiệp, chưa linh hoạt.

Đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân một số địa phương chưa tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH theo quy định. Các đợt tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu Hội đồng Nhân dân thường được tổ chức riêng rẽ, gây ra tình trạng quá tải cho cấp ủy, chính quyền địa phương và cử tri.

Sửa đổi để đảm bảo tính tương thích, phù hợp của Nghị quyết số 525 với yêu cầu đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri.

Về tính tương thích, phù hợp của Nghị quyết số 525 với yêu cầu đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Quốc hội và UBTVQH, Trưởng ban Dân nguyện cho biết, tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, từ Phiên họp thứ 2 của UBTVQH (tháng 8/2021), lần đầu tiên UBTVQH tiến hành xem xét Báo cáo công tác dân nguyện về: tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri… đây là một bước đổi mới quan trọng của UBTVQH. Tuy nhiên, việc UBTVQH xem xét, thảo luận Báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng chưa được thể chế hóa trong một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể.

Bên cạnh đó, với ý nghĩa là một hoạt động giám sát thường xuyên, quan trọng của UBTVQH, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp Quốc hội luôn được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi sát sao. Do đó, báo cáo này được UBTVQH xem xét, thảo luận tại phiên họp của UBTVQH trước mỗi Kỳ họp Quốc hội. Sau đó, được trình bày trước Quốc hội. Đến nay, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Báo cáo này được Quốc hội dành một phiên để thảo luận tại Hội trường. Những thay đổi này cần được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.

Ngoài ra, với tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, chưa có tiền lệ thời gian vừa qua, trước sự lúng túng trong công tác tổ chức tiếp xúc cử tri tại nhiều địa phương, UBTVQH đã ban hành hướng dẫn số 48 năm 2021 việc tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH trong tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đề nghị các địa phương lựa chọn tổ chức tiếp xúc cử tri theo các hình thức tổ chức hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Đây là lần đầu tiên “hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến” được ghi nhận và tổ chức triển khai trong hoạt động tiếp xúc cử tri.

Đặc biệt, một đổi mới trong hoạt động của Quốc hội khóa XV là xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật và trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, UBTVQH đã triệu tập nhiều kỳ họp bất thường, để kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách của đất nước. Để đảm bảo những kỳ họp bất thường dần trở thành “hoạt động “bình thường” của Quốc hội”, công tác tiếp xúc cử tri, tập hợp, tổng hợp kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp bất thường cũng cần được quy định bổ sung, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai đồng bộ, thống nhất.

Sửa đổi Nghị quyết 525 nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng và công tác dân nguyện nói chung, việc nghiên cứu, rà soát các quy định tại Nghị quyết số 525 nhằm đảm bảo thống nhất và phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật đã ban hành, phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết.

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 525 là vấn đề có tính chính trị - pháp lý quan trọng góp phần đổi mới hoạt động của Quốc hội, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ĐBQH, Đoàn ĐBQH, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tiếp xúc cử tri; tổ chức thực hiện tiếp xúc cử tri; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri...

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình khẳng định, đây là các hoạt động có tính chuyên môn đặc thù trong công tác dân nguyện, nên cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định cho thống nhất, khắc phục những vướng mắc, hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo này. Đồng thời, ghi nhận, bổ sung và cụ thể hóa các quy định do yêu cầu của thực tiễn tổ chức các lĩnh vực công tác có liên quan đến hoạt động tiếp xúc cử tri và các quy định mới được ban hành sau thời điểm Nghị quyết số 525 có hiệu lực pháp luật, mà nội dung trong Nghị quyết số 525 chưa đáp ứng phù hợp.

Về các đề xuất cụ thể về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 525, Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH đề nghị Nghị quyết mới sẽ được ban hành dưới dạng Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Ủy ban thường vụ Quốc hội phân công cơ quan chủ trì soạn thảo theo quy định. Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết mới là tổng thể hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Về tiến độ, dự thảo nghị quyết thành lập Ban soạn thảo dự kiến sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2023; dự thảo nghị quyết mới dự kiến sẽ được xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét, thông qua trong năm 2024 và có hiệu lực thi hành trong năm 2025...

Lan Hương