PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 16 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT: TÁN THÀNH TRÌNH UBTVQH XEM XÉT THÔNG QUA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2023-2030 THEO QUY TRÌNH RÚT GỌN

10/07/2023

Sáng 10/7, tại phiên họp toàn thể lần thứ 16 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết để sớm ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng; đồng thời kế thừa, phát huy những kết quả và bài học kinh nghiệm đã đạt được về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp.

ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 16

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 16

Tổ chức hợp lý đơn vị hành chính, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Căn cứ nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, kế hoạch của Chính phủ và hướng dẫn của các cơ quan trung ương, trong giai đoạn 2019 – 2021 cả nước đã tiến hành sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, kết quả đã giảm được 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.

Trên cơ sở Báo cáo của Đoàn Giám sát về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Ngày 30/01/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, trong đó giao Đảng đoàn Quốc hội kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương theo đề nghị của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết

Từ những kết quả đạt được trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và phân công của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì việc Chính phủ xây dựng, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 là cần thiết, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, dự thảo Nghị quyết bám sát các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đã được xác định tại Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, mục tiêu tổng quát, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương, 25 điều quy định về đối tượng thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; nguyên tắc sắp xếp; tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp; trình tự, thủ tục, hồ sơ Đề án sắp xếp; sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp; áp dụng chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp; kinh phí thực hiện; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức….

Dự thảo Nghị quyết quy định rõ: đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 – 2030; khuyến khích việc sắp xếp đơn vị hành chính không thuộc diện bắt buộc sắp xếp; các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2030 do có các yếu tố đặc thù (gồm: đơn vị hành chính có vị trí biệt lập; đơn vị hành chính có đường địa giới hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có sự thay đổi, điều chỉnh; đơn vị hành chính có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội; đơn vị hành chính nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị; đơn vị hành chính đã sắp xếp trong các giai đoạn trước).

Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp: Khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí

Về nguyên tắc sắp xếp, dự thảo Nghị quyết quy định 06 nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trong đó cơ bản kế thừa các nguyên tắc tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14. Đồng thời, trên cơ sở Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và kết luận của Đảng đoàn Quốc hội, dự thảo Nghị quyết chỉnh lý theo hướng khẳng định nguyên tắc việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 48-KL/TW và Nghị quyết số 06-NQ/TW về việc “Khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí”, dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp.

Về nguyên tắc các đơn vị hành chính phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc thù đơn vị hành chính sau sắp xếp có thể không đạt một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số nhưng phải bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Nghị quyết này. Các đơn vị hành chính đô thị hình thành sau sắp xếp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, loại đô thị, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định. Khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mà giảm được số lượng đơn vị hành chính  thì không xem xét tiêu chuẩn về số đơn vị hành chính  trực thuộc.

Về trình tự, thủ tục, hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, kế thừa quy định về sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2019 - 2021, dự thảo Nghị quyết quy định về quy trình 02 bước: Một là, xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính. Hai là, lập hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Để bảo đảm tăng tính chủ động của chính quyền địa phương và cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, dự thảo Nghị quyết quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn, gửi lấy ý kiến Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan trung ương liên quan, làm cơ sở để xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở địa phương. Trình tự, thủ tục xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện theo quy định về trình tự, thực hiện thành lập, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Đối với trường hợp thành lập, nhập các đơn vị hành chính đô thị cấp huyện hoặc nhập huyện vào đơn vị hành chính đô thị cùng cấp thì phải lập thành đề án riêng theo quy định.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 và để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kết luận số 48-KL/TW, dự thảo Nghị quyết quy định về việc thực hiện chế độ chính sách đặc thù đối với người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và việc phân bổ ngân sách theo đơn vị hành chính trong các trường hợp sắp xếp theo hướng không cắt giảm ngay các chế độ, chính sách mà giữ ổn định như trước thời điểm sắp xếp. Quy định phạm vi và chế độ, chính sách được hưởng theo các Chương trình mục tiêu quốc gia được giữ ổn định như trước thời điểm sắp xếp cho đến khi cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc cho đến hết thời hạn của Chương trình. Đồng thời quy định cụ thể việc công nhận đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp thuộc đối tượng khu vực III, khu vực II, khu vực I, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đạt chuẩn nông thôn mới; vùng an toàn khu, huyện nghèo, xã an toàn khu, xã đảo, xã bãi ngang, ven biển, khu vực biên giới; Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng lao động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trao đổi về ý kiến ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về phạm vi các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính do có yếu tố đặc thù và các nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vì đã quán triệt đầy đủ tinh thần tại Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và có sự kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cũng lưu ý mục tiêu của việc sắp xếp không chỉ nhằm làm giảm số lượng đơn vị hành chính, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước mà còn nhằm mục đích bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, đối với những đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số quá lớn, gấp rất nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định thì cũng cần được xem xét sắp xếp lại bởi cho dù có tăng thêm biên chế thì trong điều kiện hiện nay cũng vẫn rất khó tổ chức công tác quản lý nhà nước có hiệu quả trên địa bàn.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu cũng tán thành với quy định các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định, trừ trường hợp nhập từ 03 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên hoặc có yếu tố đặc thù về văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư, điều kiện địa lý tự nhiên mà không thể nhập, điều chỉnh thêm với đơn vị hành chính cùng cấp khác. Quy định của dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm phù hợp với yêu cầu, chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 48-KL/TW.

Các ý kiến cũng nhất trí cao với việc cần có cơ chế để ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương trong việc sắp xếp đơn vị hành chính đặc biệt là các địa phương còn nhiều khó khăn về ngân sách. Theo đó, ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 20 tỷ đồng và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giảm sau khi thực hiện sắp xếp để sử dụng trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời cũng đề nghị cần giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc quản lý, sử dụng khoản ngân sách này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ, nhất là Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính đã khẩn trương tiếp thu hoàn chỉnh hồ sơ và có báo cáo giải trình cơ bản làm rõ những vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu làm rõ. Ủy ban Pháp luật thống nhất cao về sự cần thiết và nhấn mạnh sự cấp bách, khẩn trương để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết này để kịp thời thể chế hóa và thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng. Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành cao với việc ban hành Nghị quyết theo trình tự thủ tục rút gọn.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày Tờ trình

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp

Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Lưu Văn Đức phát biểu trực tuyến

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành

Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu trực tuyến

Đại diện Bộ Tài chính

Đại diện Bộ Xây dựng

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Hoàng Anh phát biểu

​Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng báo cáo làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp.

Bảo Yến - Phạm Thắng