THỰC HIỆN ĐÚNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TUYỂN DỤNG, QUẢN LÝ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG CÔNG LẬP

10/07/2023

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phố thông, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về tuyển dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông công lập.

QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT THÀNH LẬP ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15

Được thành lập theo Nghị quyết số 581/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã nghiên cứu báo cáo, tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương để nắm bắt tổng quan tỉnh hình thực hiện các nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước.

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phố thông, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông công lập, Bộ Nội vụ đã căn cứ quy định của pháp luật về viên chức, việc tuyển dụng giáo viên.

Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát

Cụ thể, về căn cứ tuyển dụng, theo quy định tại Điều 20 Luật Viên chức và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, hiện nay danh mục vị trí việc làm chưa được hoàn thiện nên chủ yếu các địa phương vẫn căn cứ vào hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên phổ thông công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và số lượng người làm việc (biên chế giáo viên) được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện. Ngoài ra, việc xác định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với từng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý trong tổng số lượng người làm việc được Hội đồng nhân dân phê duyệt, đã được Bộ Nội vụ thẩm định.

Về điều kiện đăng ký dự tuyển, theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức năm 2010 thì điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức là: Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam; Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật; Có đơn đăng ký dự tuyển; Có lý lịch rõ ràng; Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm; Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ; Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Viên chức năm 2010 (đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên) được bổ sung các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức nhưng các quy định này không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo.

Về phương thức tuyển dụng, theo quy định tại Điều 23 Luật Viên chức năm 2010 thì việc tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua phương thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Ngoài phương thức tuyển dụng viên chức là thi tuyển hoặc xét tuyển nêu trên, tại Điều 13 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định việc tiếp nhận vào viên chức (tuyển dụng đặc cách) đối với người có kinh nghiệm công tác; người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm; người đã từng là cán bộ, công chức, viên chức, sau đó được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, việc thi tuyển, xét tuyển viên chức được thực hiện theo 2 vòng thi. Nội dung, hình thức tổ chức vòng 2 trong phương thức thi tuyển, xét tuyển viên chức là giống nhau (đều là thi một trong ba hình thức phỏng vấn; thực hành; thi viết, do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển), theo đó, khi tổ chức tuyển dụng viên chức giáo viên, nhiều địa phương đã lựa chọn phương thức xét tuyển (vòng 1 kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển nên không phải tổ chức thi kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học như thi tuyển).

Về thẩm quyền tuyển dụng, Bộ Nội vụ cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Viên chức năm 2010, Điều 7 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ), việc tuyển dụng viên chức do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp thực hiện và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ), việc tuyển dụng viên chức do cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện. Tuy nhiên, do đa phần các cơ sở giáo dục phổ thông công lập chưa được giao quyền tự chủ nên việc tuyển dụng giáo viên do cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện.

Về tổ chức thực hiện việc tuyển dụng, theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc tuyển dụng viên chức thuộc phạm vi quản lý theo phân công, phân cấp. Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP  thì các trường tiểu học công lập, trường trung học cơ sở công lập do Ủy ban nhân cấp cấp huyện quản lý; trường trung học phổ thông công lập do Sở Giáo dục và Đào tạo (là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh) quản lý. Hiện nay do đa phần các cơ sở giáo dục phổ thông công lập (trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập) chưa được giao quyền tự chủ (vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) nên việc tuyển dụng viên chức giáo viên do cơ quan quản lý cơ sở giáo dục phổ thông công lập thực hiện (Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc tuyển dụng viên chức giáo viên trường tiểu học, trung học cơ sở công lập thuộc thẩm quyền quản lý; Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc tuyển dụng viên chức giáo viên trường trung học phổ thông công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo).

Tuy nhiên, đối với giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở do số lượng giáo viên cần tuyển hàng năm của các huyện trong cùng một tỉnh, thành phố không nhiều và do địa phương chưa chủ động tổ chức xây dựng kế hoạch tuyển dụng nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên cục bộ tại một số trường. Một số đơn vị đã thực hiện ký hợp đồng lao động để làm công tác giảng dạy không đúng quy định của Luật Viên chức; nhiều trường hợp ký hợp đồng lao động nhiều năm dẫn đến vi phạm pháp luật; đặc biệt khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, dừng việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp công lập phát sinh những bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động như tại một số địa phương trong thời gian vừa qua.

Hồ Hương