NGHIÊN CỨU, BỔ SUNG QUY ĐỊNH ĐẾN HẠN NGẠCH SẢN LƯỢNG CẤP PHÉP KHAI THÁC NƯỚC KHI NHU CẦU CỦA NGƯỜI DÂN TĂNG CAO

10/07/2023

Đóng góp vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ông Đỗ Hoàng Long - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống đề nghị Cơ quan soạn thảo Luật nghiên cứu, bổ sung những quy định liên quan đến hạn ngạch sản lượng cấp phép khai thác nước khi yêu cầu cấp nước cấp thiết cho sinh hoạt của người dân tăng cao...

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI): SỬ DỤNG NGUỒN NƯỚC CẦN TIẾP CẬN THEO HƯỚNG KINH TẾ TUẦN HOÀN

KHẢO SÁT THỰC TẾ VIỆC KHAI THÁC, SẢN XUẤT KINH DOANH NƯỚC SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TP.HÀ NỘI

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5 và sẽ tiếp tục được thảo luận tại kỳ họp thứ 6 tới. Cho đến nay, Ban soạn thảo dự án Luật vẫn tiếp tục thu thập, nghiên cứu những ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự án Luật đảm bảo chất lượng, phù hợp với sự thay đổi và phát triển trong đời sống thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất; vấn đề giảm thiểu ngập lụt đô thị, định giá đầy đủ giá trị của tài nguyên nước.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, một số điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh. 

Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn chưa đồng bộ; sự phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành; một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước…

Với những bất cập nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu rõ, dự án Luật được xây dựng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Dự án luật hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân. Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá.

Ông Đỗ Hoàng Long - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống.

Là đơn vị chịu tác động trực tiếp khi sửa đổi Luật Tài nguyên nước, ông Đỗ Hoàng Long - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống khẳng định: Luật Tài nguyên nước là một Luật rất quan trọng, xử lý toàn diện các vấn đề về nước từ nguồn đến kiểm soát chất lượng nước đầu ra đến tay người dân. Do đó, ông Đỗ Hoàng Long đề nghị với Ban soạn thảo dự án Luật lưu ý một số nội dung:

Một là, cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định rõ về việc phân vùng cấp nước, thẩm quyền phân vùng cấp nước, tránh việc chồng lấn phạm vi cấp nước, gây xung đột lợi ích, tranh chấp giữa các đơn vị cấp nước. Ví dụ: trường hợp nhà máy, hệ thống cấp nước đã có, đang hoạt động ổn định lâu năm lại phải chia sẻ phạm vi cấp nước hoặc yêu cầu phải ngừng khai thác để mua nước từ một đơn vị sản xuất nước được xây dựng sau.

Sắp tới, Luật Quản lý cấp nước sạch sẽ được chỉnh sửa nên Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống sẽ tiếp tục đề xuất vấn đề này. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hoàng Long, trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cũng phải thể hiện được một nguyên tắc hay nội dung nào đó để bao trùm, còn cụ thể ra sao thì sẽ xử lý trong Luật Quản lý cấp nước sạch để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, dễ triển khai trong thực tế.

Hai là, cần nghiên cứu, rà soát những vấn đề bất cập giữa quy định về cấp nước đô thị và cấp nước sạch nông thôn. Nhiều trường hợp công trình cấp nước đô thị giáp ranh khu vực nông thôn, có khả năng cấp nước nhưng lại không được phép cấp nước cho khu vực nông thôn hoặc ngược lại, công trình cấp nước sạch nông thôn giáp ranh khu vực đô thị cũng không được cấp nước cho dân cư đô thị. Ngoài ra, trường hợp quá trình đô thị hóa, nhiều vùng nông thôn trở thành đô thị nên phải bàn giao, chuyển đổi công trình cấp nước nông thôn sang đơn vị quản lý công trình quản lý cấp nước đô thị… Do vậy, cần nghiên cứu, xem xét hợp nhất, thống nhất nhiệm vụ cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn.

Ba là, vấn đề an ninh, an toàn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, nhất là đối với công trình cấp nước quan trọng đặc biệt, cấp nước sinh hoạt cho phạm vi rất lớn cần phải được quản lý, bảo vệ an ninh, an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước, chất lượng nước cấp đầu ra trực tuyến để phát hiện sự cố kịp thời; chưa có quy định phải có phương án bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình và phương án dự phòng cấp nước khi xảy ra sự cố; chưa có quy định về việc cắm mốc, thông báo, cảnh bảo vùng bảo vệ, bảo hộ vệ sinh đối với công trình cấp nước sinh hoạt. 

Trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã làm nổi bật vấn đề an ninh nước cho sinh hoạt. Đây là một trong những giải pháp về thể chế quan trọng, nhằm bảo vệ chính sức khỏe của người dân, bảo vệ an ninh chính trị, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay, các giấy phép khai thác nước đang chỉ quy định một giá trị lưu lượng nhất định (ví dụ như Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống là: 315.000 m3/ngày đêm). Trong quá trình khai thác bình thường không phát sinh vấn đề. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, do yêu cầu cấp nước cấp thiết cho sinh hoạt của người dân tăng cao (nhu cầu tăng đột biến do xảy ra sự cố mạng lưới cấp nước thành phố yêu cầu cấp nước hỗ trợ, đảm bảo an ninh cấp nước, …) yêu cầu sản lượng nước sông khai thác cũng tăng cao vượt giá trị cấp phép sẽ vi phạm giấy phép khai thác và bị xử phạt, nếu giá trị vượt nhiều sẽ bị chuyển cơ quan cảnh sát điều tra. Vì vậy, thay mặt Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống, ông Đỗ Hoàng Long đề nghị Cơ quan soạn thảo Luật nghiên cứu, bổ sung những quy định liên quan đến ngưỡng hoặc hạn ngạch sản lượng cấp phép khai thác nước có thể linh động hơn, tránh các Công ty cấp nước bị phạt hoặc truy cứu trách nhiệm mặc dù luôn tuân thủ nghiêm pháp luật./.

Bích Lan