QUY ĐỊNH RÕ QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA CÁC CHỦ THỂ THAM GIA QUAN HỆ QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

09/06/2023

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước là nội dung cần được luật hóa cao nhất có thể, không được chuyển giao cho cơ quan hành pháp quy định.

PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, sau hơn 10 năm thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, bên cạnh kết quả đạt được, luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 còn có sự giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất.

Bên cạnh đó, việc chưa tách bạch rõ trách nhiệm trong quản lý nguồn nước với trách nhiệm quản lý công trình khai thác, sử dụng nước cũng như các hoạt động liên quan đến nước cũng là hạn chế của Luật, cùng với một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước. Điều này dẫn đến việc trên thực tế còn chồng chéo về nhiệm vụ và bất cập trong phối hợp triển khai giữa các Bộ, ngành, địa phương. Thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Cùng với đó, hiện nay chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực hiện các hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương như hoạt động quan trắc tài nguyên nước; phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;...cũng như đầu tư vào ngành nước nhằm nâng cao hiệu quả trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển nguồn nước.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước là cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, nâng cao hiệu lực quản lý tài nguyên quan trọng này đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với các nội dung về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả  do nước gây ra như dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị thể hiện rõ ràng hơn các nguyên tắc quản lý cho từng hoạt động cụ thể (từ quản lý tài nguyên; quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; hoạt động hạn chế tác hại do nước gây ra...) và tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nước. Đồng thời, đề nghị bổ sung các nguồn nước mưa, nước biển tại khoản 1 để thể hiện tính toàn diện, tổng hợp trong quản lý tài nguyên nước; bổ sung nội dung “gắn với khả năng nguồn nước, năng lực công trình khai thác, điều tiết nước” tại khoản 5 về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bổ sung một khoản quy định nguyên tắc trong hoạt động tích trữ, điều hòa, phân phối nước để thể hiện rõ hơn tính chủ động trong thể chế hóa chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Ngoài ra, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, dự thảo Luật xác định nguyên tắc quản lý tài nguyên nước xuyên suốt là quản lý theo lưu vực sông và có quy định về Tổ chức lưu vực sông (khoản 2 Điều 22, điểm a khoản 7 Điều 44, khoản 3 Điều 74, và điểm a khoản 2 Điều 78) trên cơ sở kế thừa Luật Tài nguyên nước năm 2012 (Điều 6, 21, 24, 58, 70, và 72), nhưng vẫn chưa cụ thể. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia quản lý hiệu quả tài nguyên nước  như: Úc, Pháp, Hàn Quốc… thì Tổ chức lưu vực sông đóng vai trò quan trọng, là tổ chức chuyên ngành theo dõi quản lý toàn diện diễn biến tự nhiên của lưu vực sông; thực hiện các hoạt động về điều tra, lập quy hoạch tài nguyên nước; quản trị nguồn nước; điều phối lợi ích chung giữa khai thác, sử dụng nước và bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái; kiến nghị các vấn đề về khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường trên toàn bộ lưu vực sông.

Việt Nam có trên 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên, nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khan hiếm nước ở một số khu vực, nhu cầu sử dụng nước gia tăng thì việc quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả, phát triển nguồn nước lưu vực sông có vai trò quan trọng. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch; điều hòa khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông; giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái… để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông.

Quan tâm đến dự án luật này, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN cho rằng, dự thảo luật cần định hình được các chính sách về tài nguyên nước với mục tiêu là đảm bảo phúc lợi của tất cả mọi người và tính bền vững của tài nguyên nước. Luật Tài nguyên nước cần thể hiện rõ ràng các mối quan tâm về bảo vệ môi trường trong quy hoạch, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, những quan tâm này cần được thể hiện theo cách tránh biến Luật Tài nguyên nước thành sự sao y các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Bên cạnh đó, cần chú trong tới công tác bảo vệ và quản lý các nguồn cung cấp nước. Việc bảo vệ các nguồn tài nguyên nước cung cấp cho nhu cầu của con người và các hệ sinh thái cần được đảm bảo bởi các biện pháp quản lý phù hợp với từng dạng tồn tại của nguồn nước. Các biện pháp phải gắn với quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng của các chủ thể quản lý, nghĩa vụ của mọi chủ thể khai thác và sử dụng nước. Giải pháp trung tâm của bảo vệ, quản lý tài nguyên nước là cơ chế cấp phép khai thác và cung cấp dịch vụ nước với tiêu chí, điều kiện rõ ràng, minh bạch và cần thiết.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN

Cho rằng quy hoạch và quản lý lưu vực là những nội dung quan trọng và liên quan chặt chẽ với nhau trong quản lý tài nguyên nước, GS.TS Lê Hồng Hạnh nêu rõ, quy hoạch tài nguyên nước được Dự thảo Luật Tài nguyên nước đặc biệt chú trọng song những quy định trong Dự thảo ở khía cạnh này chưa định vị được nó trong hệ thống quy hoạch của quốc gia, đặc biệt là xác định những vấn đề đặc trưng cho quản lý tài nguyên nước. Tính chất của nguồn nước ở lưu vực, sự đa dạng của nguồn nước và sự vận động đan xen giữa các nguồn nước ở đó đòi hỏi cơ chế quản lý đặc thù – Ban quản lý lưu vực. Tuy nhiên, Luật Tài nguyên nước năm 2012 và cả Dự thảo Luật Tài nguyên nước chưa luật định được thiết chế tổ chức quản lý lưu vực sông. Rất cần luật hóa nội dung này.

GS.TS Lê Hồng Hạnh nêu quan điểm, đánh giá các dự án, chương trình nước là nội dung cần được thiết chế rất cụ thể ngay trong Luật. Đây là nội dung liên quan đến việc cấp phép khai thác, sử dụng nước, cấp phép các dự án khác song có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước. Các tiêu chí đánh giá, trình tự, thủ tục đánh giá phải được luật định để đảm bảo tính minh bạch và hiệu lực thực hiện. Ở nhiều khía cạnh, đánh giá các dự án khai thác, cung cấp dịch vụ nước giống đánh giá tác động môi trường. Chính vì vậy, nội dung này của Luật cần được xây dựng đặt trong sự phân tích khả năng viện dẫn các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về đánh giá tác động môi trường. Dự thảo Luật Tài nguyên nước đang có những sự chồng lấn, sao chép các quy định về ĐTM trong pháp luật bảo vệ môi trường.

Một trong những nôi dung quan trọng khác là hài hòa hóa lợi ích, sở hữu toàn dân và sở hữu tư nhân trong lĩnh vực tài nguyên nước. Nước ở tuyệt đại đa số các quốc gia đều được coi là sở hữu công hay sở hữu nhà nước vì tính chất sống còn của nó đối với cuộc sống của con người và các hệ sinh thái. Nội dung này phản ánh nhu cầu tiếp cận nguồn nước của mọi chủ thể. Tiếp cận nguồn nước thường vướng tới vấn đề sở hữu. Tuy xung đột trong tiếp cận nguồn nước vì lý do sở hữu không xảy ra trong điều kiện tài nguyên nước được coi là sở hữu toàn dân song các lợi ích kinh tế vẫn diễn ra giữa các chủ thể khác nhau, kể cả giữa nhà nước với doanh nghiệp. Vì thế lợi ích của các chủ thể, đặc biệt là lợi ích liên quan đến thuế, giá cần được luật hóa với sự hài hòa tối ưu có thể.

Thông tin về tài nguyên nước cần được quy định chi tiết trong Dự thảo phù hợp với nguyên tắc công khai, minh bạch vốn là thuộc tính trong các cấu trúc quản lý hiện đại. Như đã nói trên, pháp luật hiện hành đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc đảm bảo công khai, minh bạch dữ liệu tài nguyên nước. Vì thế, cần luật định trong Luật Tài nguyên nước mới những kết quả xây dựng thể chế liên quan đến thông tin về tài nguyên nước, lấy ý kiến nhân dân về khai thác và sử dụng tài nguyên nước.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước là nội dung cần được luật hóa cao nhất có thể, không được chuyển giao cho cơ quan hành pháp quy định. Trong Dự thảo còn khá nhiều các vấn đề Dự thảo không tìm cách quy định cụ thể mà chuyển cho Chính phủ quy định.

Minh Hùng