Theo đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Cũng trong sáng cùng ngày, trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
8h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ tiến hành nghe các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, tiếp đó, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Luật Đấu thầu (sửa đổi). Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
8h01: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Bộ trưởng cho biết, căn cứ Nghị quyết số 128/2020/QH14 về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán NSNN năm 2022, Nghị quyết số 82/2023/QH15 về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.
Theo đó, nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2021 được quyết định như sau: Tổng số thu NSNN là 1.358.084 tỷ đồng; Tổng số chi NSNN là 1.701.713 tỷ đồng; Bội chi NSNN là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương (NSTW) tương đương 3,7% GDP, bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) tương đương 0,3% GDP.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp quản lý, điều hành chi NSNN năm 2021 chủ động, chặt chẽ. Trong đó đã quán triệt quan điểm tập trung ưu tiên, nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống Nhân dân.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện chi ngân sách bám sát dự toán được giao; rà soát, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước , tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; việc quản lý sử dụng kinh phí NSNN ở một số bộ, ngành, địa phương còn sai phạm; việc chấp hành thời hạn báo cáo quyết toán chưa đảm bảo theo đúng quy định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng báo cáo về tình hình bội chi NSNN, các khoản vay của NSNN và nợ công. Theo đó, bội chi NSNN, việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách và Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội quyết toán NSNN năm 2021 như sau:
Tổng số thu cân đối NSNN là 2.387.906 tỷ đồng. Trong đó, số thu NSNN theo dự toán là 1.591.411 tỷ đồng; thu chuyển nguồn năm 2020 sang năm 2021 là 643.406 tỷ đồng; thu từ kết dư năm 2020 là 140.410 tỷ đồng; và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN là 12.679 tỷ đồng.
Tổng số chi cân đối NSNN là 2.484.439 tỷ đồng. Trong đó, chi NSNN theo dự toán là 1.708.088 tỷ đồng; chi chuyển nguồn sang năm 2022 là 776.351 tỷ đồng. Bội chi NSNN là 214.053 tỷ đồng, bao gồm: bội chi NSTW là 211.650 tỷ đồng, bội chi NSĐP là 2.403 tỷ đồng.
08h12: Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021
Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2022, KTNN đã kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN gần 34.600 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 37.000 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 270 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.
Về dự toán thu NSNN Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, tại thời điểm lập dự toán tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ dự báo thận trọng dẫn đến ước thực hiện thu năm 2020 làm cơ sở dự toán năm 2021 thấp; lập dự toán thu một số chỉ tiêu thu chưa phù hợp, trong đó dự toán thu tiền sử dụng đất do các địa phương lập thấp hơn so với khả năng thu dẫn đến việc thực hiện năm 2021 vượt 74% so với dự toán giao.
Dự toán chi NSNN cho đầu tư phát triển đạt 96,6% kế hoạch; về dự toán chi thường xuyên, kết quả kiểm toán cho thấy, giao dự toán đầu năm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chậm so với quy định, giao bổ sung vào thời điểm cuối năm dẫn đến các đơn vị không kịp thực hiện phải chuyển nguồn, có đơn vị phải hủy dự toán được giao.
Về kết quả thực hiện kiến nghị Kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2022 cho thấy, về kiến nghị tài chính: Đến 31/12/2022 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN đạt tỷ lệ 88,57%; kiến nghị xử lý khác được thực hiện đạt tỷ lệ 80,08%.
Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách: Có 50/198 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản.
Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Đồng thời chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh trong việc đề xuất bổ sung dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài còn sai sót, chưa đảm bảo tiêu chí “đủ điều kiện, hồ sơ chứng từ đưa vào quyết toán năm 2021” dẫn đến sau khi được Quốc hội thông qua dự toán bổ sung để quyết toán nhưng một số đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.
8h26: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, qua kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 chưa nghiêm, công tác quyết toán NSNN chậm đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chấn chỉnh, nhưng chưa được khắc phục. Tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh lý, tổng hợp quyết toán NSNN không phù hợp quy định Luật NSNN chậm được khắc phục.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm và chấn chỉnh việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 không nghiêm, không đúng quy định; làm rõ trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi NSNN còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ,… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021; xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.
Về quyết toán thu NSNN năm 2021, theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu NSNN tăng 233.327 tỷ đồng so với dự toán, tỷ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18,7% GDP. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, quyết toán thu NSNN đạt kết quả như trong báo cáo, ngoài lý do lập dự toán thận trọng, các khoản thu về nhà đất, chứng khoán, dầu thô tăng cao,… là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong năm 2021 đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí mà số tăng thu NSNN năm 2021 vượt rất cao là do công tác lập dự toán một số khoản thu chưa sát, như lập dự toán thu tiền sử dụng đất nhiều năm thấp hơn số thực hiện năm trước. Một số ý kiến đề nghị, trong bối cảnh khó xác định chính xác dự toán thu NSNN, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật NSNN để có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, không dàn trải, thất thoát, lãng phí số tăng thu NSNN.
Về quyết toán chi NSNN năm 2021, đa số ý kiến cho rằng quyết toán chi NSNN (bao gồm cả số chi chuyển nguồn năm trước chuyển sang) đạt mức rất thấp là do công tác lập dự toán chi không sát, giải ngân đầu tư công chậm, không tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2021. Việc hủy bỏ dự toán, chuyển nguồn lớn, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách kinh tế, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí theo đề nghị của Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021. Đồng thời, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát các khoản chi chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022. Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, số liệu quyết toán NSNN năm 2021 bảo đảm tính chính xác, trung thực, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật.
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng NSNN và tăng cường việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị từ quyết toán NSNN niên độ năm 2022, Quốc hội không phê chuẩn quyết toán các khoản thu, chi NSNN trong niên độ đã phát hiện không đúng quy định; các khoản chi phải hủy nguồn, thu hồi về NSNN trong niên độ và các năm trước, nhưng chưa thực hiện thu hồi trong năm 2022 và các kết luận, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước yêu cầu xử lý tài chính trong niên độ quyết toán NSNN (bao gồm cả các trường hợp HĐND các cấp đã phê chuẩn quyết toán).
8h41: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều). Trong đó: bỏ 5 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 21 điều, sửa đổi nội dung 48 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 20 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng: Rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan; Rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua; Quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; Luật hóa những nội dung đã được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định; Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu.
Về các nội dung cụ thể của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng ổn định trong thời gian qua để tránh các xáo trộn không cần thiết.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 23 quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu; bổ sung quy định rõ, cụ thể hơn về nguyên tắc áp dụng và các trường hợp đặc biệt tại Điều 29 của dự thảo Luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Cơ quan thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về các trường hợp, điều kiện tổ chức đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất cũng như cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư… để bảo đảm tính khả thi, thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đề nghị quy định trong Luật này để giải quyết những vướng mắc và đặc thù trong lĩnh vực y tế, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đồng thời, nhiều ý kiến tham gia chi tiết, cụ thể tại các điều khoản của Dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, theo đó, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định rõ ràng, cụ thể trong luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh, qua quá trình nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật, hầu hết các ý kiến khác nhau đã được trao đổi thống nhất, có một nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và dự án sử dụng vốn nhà nước.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung: Việc đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật; phạm vi áp dụng luật đấu thầu (nội dung còn ý kiến khác nhau: phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước); các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Trách nhiệm của các bên và giải quyết kiến nghị, khiếu nại trong đấu thầu; Các nội dung khác đại biểu Quốc hội quan tâm.
8h59: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gợi ý một số nội dung trọng tâm thảo luận
Phát biểu gợi ý một số nội dung trọng tâm thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật đấu thầu (sửa đổi). Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án Luật này.Dự thảo Luật cũng đã được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, các nội dung còn có nhiều ý kiến tham gia như: phạm vi áp dụng, đối tượng điều chỉnh, quy định về áp dụng pháp luật, các trường hợp chỉ định thầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Những nội dung trùng với ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước thì chỉ cần thể hiện chính kiến, tránh trùng lặp.
9h01: Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Thị Kiều bày tỏ thống nhất và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) toàn diện.
Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm thanh toán của chủ đầu vào Điều 78 dự thảo Luật. Cụ thể, thanh toán cho nhà thầu theo quy định trong trường hợp đã ký kết; đồng thời bổ sung vào Điều 82 trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư nội dung thực hiện các nội dung quy định đã ký kết trong hợp đồng để đảm bảo tính chặt chẽ của hệ thống pháp luật...
Theo đại biểu, qua đại dịch COVID-19 đã cho thấy năng lực đáp ứng và tiếp cận các vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vaccine, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, trở ngại do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng; các quy định về quản lý, đấu thầu trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập. Để tháo gỡ những hạn chế, bất cập này, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung “Khi có tình huống khẩn cấp, tổ chức được giao mua sắm có thể ứng trước hàng hóa để phục vụ đúng mục đích, yêu cầu cấp bách theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, sau đó thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định”.
Bên cạnh đó, góp ý cụ thể đối với điểm d, khoản 1 Điều 5 về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị nghiên cứu sửa thành nhà thầu phải đáp ứng năng lực hoạt động phù hợp với từng lĩnh vực của gói thầu nhằm đảm bảo tính thống nhất.
09h06: Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Cần có quy định kiểm soát giá trần với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật đủ điều kiện để thông qua và sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu trong thời gian qua.
Tại khoản 1 Điều 61 về điều kiện xem xét được trúng thầu đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị cần làm rõ giá đề nghị trúng thầu bao gồm tất cả khoản chi phí về thuế của gói thầu, không xét đến giá hàng hóa của gói thầu. Vì thực tế có những gói thầu giá đề nghị trúng thầu không vượt qúa giá dự toán phê duyệt, nhưng có một số hàng hóa có giá cao hơn giá đã được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện các cơ quan thanh tra, kiểm tra ngoài việc xác định giá trúng thầu đúng quy định, còn bóc tách giá của từng loại hàng hóa cấu thành trong gói thầu để so sánh với giá nhập khẩu, để xác định mức độ tăng giảm của từng hàng hóa, mức độ gây thiệt hại cho NSNN.
Ngoài ra, hiện chưa có quy định kiểm soát giá trần với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp. Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, đây là một trong những bất cập thời gian qua, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ nội dung để có sự thống nhất, đồng thời cần giải thích từ ngữ “giá đề nghị trúng thầu” là như thế nào.
Về giá chào hàng cạnh tranh tại Điều 24, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung gói thầu hỗn hợp với giá gói thầu không quá 5 tỉ đồng vào trường hợp mà được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh.
Về mua sắm trực tiếp tại Điều 25 của dự thảo, đại biểu cho rằng, quy định này không đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình thực hiện của nhà thầu, do đó đề nghị có thể điều chỉnh thành: “trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì chủ đầu tư trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt theo quy định”.
Bên cạnh đó, đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị quy định rõ việc áp dụng hình thức hoạt động trọn gói cần áp dụng cụ thể cho gói thầu mới, giá bao nhiêu và thời gian thực hiện hợp đồng là bao lâu để tránh sai sót trong quá trình thực hiện.
9h13: Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Cần làm rõ một số hành vi bị cấm trong Dự thảo Luật
Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu cho biết dự thảo Luật lần này đã tiếp thu tương đối đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội qua các phiên họp, đến nay các quy định của dự thảo Luật đã tương đối chặt chẽ, hợp lý.
Về các hành vi bị cấm, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như “thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận”, “cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”.
Đại biểu cho rằng, hiện nay hành vi gian lận trong đấu thầu rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết do chưa có quy định cụ thể. Việc có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được thi hành công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn.
Về đối tượng áp dụng, tại khoản 2, Điều 2 có 2 phương án quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu, đại biểu thống nhất với phương án 2 để đảm bảo tính khả thi, tính pháp lý, đồng thời tránh việc lạm dụng các cơ chế khác để né tránh các quy định của luật đấu thầu, bảo toàn các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, giúp quá trình lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch.
9h20: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Đánh giá tác động trường hợp doanh nghiệp nắm giữ 50% vốn điều lệ.
Góp ý về hồ sơ trình dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, đến nay còn khoảng 19 điều khoản giao cho Chính phủ và một số bộ, ngành quy định hoặc hướng dẫn cụ thể nhưng đến nay chưa thấy dự thảo nghị định và hướng dẫn kèm theo. Đại biểu đề nghị cần bổ sung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa luật và các văn bản dưới luật để các đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến.
Về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 dự thảo quy định luật này quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu, hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh. Đại biểu đặt câu hỏi, hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu và hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh có thuộc hoạt động đấu thầu không? Nếu thuộc hoạt động đấu thầu thì không cần phải nhắc lại tại điều này. Khi đó, Điều 1 được thể hiện lại như sau: Luật này quy định về hoạt động đấu thầu, quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu.
Về đối tượng áp dụng tại Điều 2 tại Khoản 2, đại biểu lựa chọn phương án 2, trong đó điểm a quy định các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo luật của doanh nghiệp và doanh nghiệp nhà nước trên 50 % vốn điều lệ.
Tại Điểm b quy định gói thầu trang thiết bị, cơ sở vật chất… cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng nếu áp dụng theo phương án 2, thì với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống sẽ do doanh nghiệp quyết định theo Luật Doanh nghiệp, khi đó vốn nhà nước trong doanh nghiệp có thể nắm giữ đến 50% vốn điều lệ nhưng không kiểm soát được.Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đánh giá tác động đối với những trường hợp doanh nghiệp có vốn nhà nước nắm giữ đến 50% vốn điều lệ.
Mặt khác, khi doanh nghiệp liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác nhưng tỷ trọng vốn của doanh nghiệp nhà nước thực hiện gói thầu, dự án chưa đến 50% thì được xử lý như thế nào? Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ.
Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Luật sửa đổi lần này có giảm thủ tục hành chính và thời gian trong hoạt động đấu thầu hay không?. Đối với hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định, đại biểu đề nghị nên quy định chỉ áp dụng đối với các gói thầu có thời gian thực hiện ngắn, bởi khi thời gian thực hiện dài thì giá vật tư, vật liệu, nhân công sẽ biến động không ổn định, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng dự án.
9h46: Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng: Cần đảm bảo tính rõ ràng, cụ thể trong văn bản luật
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, tương đối toàn diện và chặt chẽ. Tuy nhiên, để dự thảo Luật hoàn thiện hơn nữa, cần làm rõ một số khái niệm, nội dung quy định trong dự thảo luật.
Cụ thể, khoản 3 Điều 24 về Chào hàng cạnh tranh có quy định, chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng thuộc trường hợp gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt. Đại biểu đề nghị làm rõ thế nào là “đơn giản” trong quy định này.
Bên cạnh đó, trong quy định về phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ tại Điều 33 của dự thảo luật, khoản 1 có quy định, phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù mà chưa xác định được chính xác các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, đầy đủ cho gói thầu ngay từ ban đầu.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ các tiêu chí cụ thể về “có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù mà chưa xác định được chính xác các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, đầy đủ cho gói thầu ngay từ ban đầu” trong quy định này. Ngoài ra, đại biểu cũng yêu cầu làm rõ tiêu chí đánh giá tính chất đặc thù phát triển kinh tế xã hội của ngành, vùng, địa phương nêu tại khoản 3 Điều 35.
9h53: Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Quy định chặt chẽ phù hợp với thực tiễn về hành vi chuyển nhượng thầu trong luật
Đại biểu Trần Quang Minh nêu rõ, trong giải thích từ ngữ của dự thảo Luật quy định nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện công việc xây lắp, tư vấn phí tư vấn và dịch vụ liên quan đến gói thầu công việc thuộc gói thầu hỗn hợp theo hợp đồng được ký với nhà thầu.
Theo đại biểu, khái niệm dịch vụ liên quan đến gói thầu có phạm vi rộng vào nội hàm chưa rõ có thể phù hợp với các ngành nghề và nhiều lĩnh vực, nhưng đối với lĩnh vực xây dựng giao thông thì theo cách giải thích này dẫn đến cách hiểu là các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến cung cấp vật tư vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm, cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng cũng là nhà thầu phụ, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc quản lý, thực hiện hợp đồng và gặp vướng mắc.
Do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định sửa đổi theo hướng các tổ chức cung cấp vật tư vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm, cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng công trình không phải là nhà thầu phụ.
Về hành vi chuyển nhượng thầu, đại biểu Trần Quang Minh nêu rõ, theo dự thảo Luật quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó quy định rất chặt vì hành vi chuyển nhượng thầu. Tuy nhiên theo đại biểu, việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện.
Do vậy, để việc thực hiện pháp luật đấu thầu được chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị xem xét nghiên cứu sửa đổi về hành vi chuyển nhượng thầu trong dự thảo Luật theo hướng: Bổ sung quy định loại trừ đối với trường hợp nhà thầu thay thế bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu, và việc sử dụng nhà thầu phụ vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng khi có lý do xác đáng, cụ thể, trong một số trường hợp đặc biệt hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận thì không được coi là hành vi chuyển nhượng thầu.
9h56: Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của Doanh nghiệp nhà nước
Phát biểu thảo luận tại Hội trường, ĐBQH Phan Đức Hiếu đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của Doanh nghiệp nhà nước. Theo Đại biểu Phan Đức Hiếu, nếu mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của Doanh nghiệp nhà nước thì đồng nghĩa với việc mở rộng thêm 04 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, đây là phạm vi rất rộng.
Đồng thời, ĐBQH Phan Đức Hiếu cho rằng, Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất quản lý Doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh đó còn có các cơ chế giám sát khác, do đó không nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của Doanh nghiệp nhà nước.
Theo đại biểu, nếu áp dụng cứng nhắc việc mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của Doanh nghiệp nhà nước thì có thể làm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ảnh hưởng lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của Nhà nước. Đại biểu bày tỏ lo ngại sự tác động việc áp dụng Luật đấu thầu cho công ty con của Doanh nghiệp nhà nước đến cả thị trường chứng khoán, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.
10h02: Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Làm rõ quy định về phạm vi điều chỉnh
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại phiên họp, ĐBQH Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, dự Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình tại phiên họp hôm nay đã tiếp thu cơ bản ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội và đảm bảo đồng bộ với các Luật khác có liên quan…
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động động đấu thầu trong thời gian tới, ĐBQH Trần Khánh Thu góp ý một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Tại Khoản 1, Điều 2 của dự thảo Luật, việc đấu thầu sẽ áp dụng đối với các hoạt động mua sắm có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung vấn đề liên quan đến quy định này. Cụ thể, nếu các bệnh viện vay vốn thì các hoạt động liên quan đến vốn vay có phải đấu thầu hay không? Nếu bệnh viện sử dụng vốn để thuê thêm trụ sở mua các thiết bị, thiết bị y tế chuyên dùng đặc thù như máy xạ trị gia tốc điều trị ung thư… thì các dịch vụ này có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu (sửa đổi) hay không? Đại biểu cho rằng, trong trường hợp này, nếu đấu thầu thì sẽ không phù hợp với đặc thù của ngành y tế, đặc biệt là khi đơn vị đang hoạt động tự chủ.
Bên cạnh đó, tại Điều 23 quy định về chỉ định thầu. Điểm c, Khoản 1 có nêu các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, được hiểu là khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế chỉ được chị định thầu để mua, cấp cứu người bệnh.
Tuy nhiên, trong Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) không có quy định nào về vấn đề này. Hiện nay dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lại nêu thực hiện theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Do vậy đề nghị thay thế cụm từ “cấp cứu người bệnh” thành “trong tình trạng khẩn cấp, cấp bách”. Đồng thời, cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào xác định trường cấp bách.
10h09: Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, về đối tượng áp dụng là doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước tại khoản 2 Điều 2, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhận thấy, đây là nội dung có thay đổi so với Luật hiện hành cũng như dự thảo Luật đã trình tại kỳ họp thứ 4, đây cũng là nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu cho rằng, cần quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu để lựa chọn thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ...
Ngoài các lý do đã được nêu trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu cho biết, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã sử dụng vốn của mình để thành lập các công ty con để phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Với quan điểm ở nơi đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, với những doanh nghiệp mà ở đó có quyền chi phối thuộc về doanh nghiệp nhà nước thì vẫn phải áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Qua đó sẽ quản lý được chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối và sẽ giữ được vai trò điều tiết trụ cột cho nền kinh tế.
Theo đại biểu, theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện nay và trong dự thảo Luật cũng đã có những quy định về đấu thầu rất rõ ràng, minh bạch. Quy trình, thủ tục hành chính đã thông thoáng, dễ thực hiện, thời gian tổ chức đấu thầu đã được giảm nên việc áp dụng Luật Đấu thầu để thực hiện các gói thầu không mất nhiều thời gian, thuận lợi cho quá trình thực hiện đấu thầu. Do đó sẽ không làm giảm khả năng linh hoạt, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh hay khả năng chớp thời cơ của doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, qua đấu thầu sẽ lựa chọn được các nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm và hiệu quả kinh tế mang lại cho nhà nước, doanh nghiệp sẽ rất lớn thông qua hoạt động quản lý tốt công tác lựa chọn nhà thầu để đảm bảo công bằng, minh bạch.
10h16: Đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái: Tán thành phương án 2 liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với DNNN
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái tán thành nhiều nội dung trong Báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH cũng như dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp này. Dự thảo luật đã tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã góp ý tại Kỳ họp thứ 4, nhất là các nội dung liên quan đến các quy định về chỉ định thầu, về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt về mua thuốc và vật tư y tế.
Về đối tượng áp dụng tại Điều 2 của dự thảo Luật, hiện nay còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Khang Thị Mào tán thành quy định theo phương án 2. Theo đó quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước trên 50 % vốn điều lệ sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp và nguồn vốn được doanh nghiệp nhà nước đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối.
Bên cạnh đó, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh để thống nhất nội dung về việc sửa đổi hợp đồng tại Điều 70 của dự thảo Luật. Đồng thời đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định rõ các trường hợp khi điều chỉnh dự án dẫn đến làm tăng quy mô phát sinh khối lượng thì trường hợp nào chủ đầu tư được phép đàm phán với nhà thầu đang thực hiện hợp đồng để bổ sung vào hợp đồng, trường hợp nào phải thành lập gói thầu mới để lựa chọn nhà thầu theo quy định đối với khối lượng bổ sung nêu trên.
Cùng với đó, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy định về quy mô diện tích sử dụng đất tối thiểu đối với các công trình thương mại, dịch vụ phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Bổ sung quy định đối với trường hợp có hai nhà đầu tư đăng ký dự án sản xuất kinh doanh thì thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu đầu tư để đảm bảo thống nhất với Luật Đầu tư.
10h20: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Tăng tính chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ
Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho biết, với các đơn vị sự nghiệp công lập, tất cả nguồn vốn, nguồn thu đều phải quản lý theo quy định của các luật, quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, với những đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ, đại biểu đề nghị có những quy định cụ thể hơn để tăng tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ này.
Cụ thể, đối với vốn vay để đầu tư cho hoạt động của đơn vị, hay vốn góp của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của đơn vị thực hiện tự chủ, cần có quy định cho đơn vị đó có quyền chủ động. Đại biểu cho rằng, nếu giữ nguyên quy định như hiện tại thì sẽ làm tăng thời gian đầu tư của đơn vị cũng như giá trong hoạt động đấu thầu.
Đối với đấu thầu đào tạo, đại biểu cho rằng đây là hoạt động đặc thù, nếu áp dụng quy định theo luật Đấu thầu thì sẽ dẫn đến bất cập trong thực tế thực hiện, khi các cơ sở đào tạo công lập không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của luật.
10h26: Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến hủy thầu.
Tham gia các quy định về hủy thầu, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết, tại Khoản 4, Điều 17 của dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật dẫn đến hủy thầu theo quy định tại Điểm c, điểm d Khoản 1 và Điểm c, điểm d Khoản 2 điều này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Dẫn chiếu tới Điều 90 của dự thảo luật và tại khoản 1 Điều 90 của dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu của pháp luật có liên quan, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Như vậy, đối chiếu nội dung xử phạt trong trường hợp hủy thầu được quy định tại Khoản 4, Điều 17 cũng như tại Khoản 1, Điều 90 có sự trùng lặp. Do vậy, đại biểu đề nghị bỏ Khoản 4, Điều 17 vàchỉ cần quy định tại Khoản 1, Điều 90 là đã đầy đủ.
Về hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư, dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh lý Điểm b, khoản 2, Điều 17, theo đó, dự thảo luật đã thống kê các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có trường hợp quy định tại Điểm b là thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư kinh doanh làm thay đổi tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã phát hành. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 17 dự thảo luật, trường hợp hủy thầu theo quy định tại Điểm b Khoản 2 các bên liên quan sẽ không được đền bù chi phí, đại biểu cho rằng đây là điểm chưa phù hợp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định trong trường hợp này nhà đầu tư cũng được đền bù về chi phí tương tự như đối với các trường hợp tại Điểm c, Điểm d Khoản 2, Điều 17. Trường hợp hủy thầu do lỗi của cơ quan nhà nước gây ra gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước.
Dự thảo luật chưa quy định khoản bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự hay theo cơ chế riêng của Luật Đấu thầu và trình tự, thủ tục để thực hiện. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung cụ thể về cơ chế, quy trình, thủ tục đền bù chi phí cho các bên liên quan khi hủy thầu. Ngoài ra, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về quy trình thực hiện các bước tiếp theo sau hủy thầu bao gồm cả trường hợp sau khi tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu nhưng vẫn không có nhà thầu, nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
10h31: Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tranh luận
Phát biểu tranh luận tại phiên họp về Điều 2 Đối tượng áp dụng trong dự thảo luật, đai biểu cho rằng cần khuyến khích việc tham gia các hoạt động đấu thầu, nhưng không có nghĩa là các hình thức lựa chọn nhà cung cấp khác là không ưu việt. Cần quy định để đảm bảo không thất thoát tiền bạc của nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, nhưng cũng đảm bảo quyền định đoạt tài sản, tính linh hoạt, khuyến khích xã hội hóa.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, về đối tượng áp dụng, cần quy định theo Phương án 1 như Chính phủ đã trình, theo đó, cần bãi bỏ quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013.
10h34: Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội phát biểu tranh luận
Tranh luận với các ý kiến về việc đấu thầu mua sắm tập trung, trước ý kiến của một số đại biểu đề nghị bỏ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 53 dự thảo Luật quy định: “trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua số lượng ít thì có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung”, đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt lại câu hỏi nếu bỏ quy định này thì lấy đâu ra thuốc chữa cho bệnh nhân nhất là với những bệnh hiếm, bệnh nhân ở xa…
Đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành thấm thía điều này khi mà thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân do đấu thầu quá ít nhiều khi nhà cung cấp không bán. Do đó, Bộ Y tế đã có một đơn vị đấu thầu tập trung để đấu thầu hết cho chung cho cả nước. Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị giữ quy định này trong luật.
10h36: Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhận thấy, dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và sửa đổi theo hướng tích cực, phù hợp với các luật khác. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng còn một số vấn đề cần làm rõ thêm.
Theo đại biểu, theo quy định về hồ sơ mời thầu tại khoản 1 Điều 44, những nhà thầu có kinh nghiệm thực hiện nhiều hợp đồng trước đó sẽ có lợi thế hơn. Tuy nhiên, để Hội đồng đấu thầu thực hiện thực sự minh bạch, có hiệu quả thì cần tạo ra môi trường bình đẳng giữa các nhà thầu, không nên chỉ hạn chế tập trung lựa chọn nhà thầu, nhà kinh doanh có kinh nghiệm mà hạn chế cơ hội cho các doanh nghiệp trẻ nhưng có sự đầu tư bài bản, hoàn toàn có đủ điều kiện thực hiện tốt gói thầu.
Do vậy, kinh nghiệm đã thực hiện các dự án tương tự trước đó chỉ là một trong những tiêu chí rất nhỏ trong hồ sơ mời thầu; hồ sơ mời thầu cần tập trung vào những yếu tố chính liên quan đến chất lượng, tiến độ, giá cả gói thầu. Trường hợp vẫn lựa chọn yếu tố về uy tín của nhà thầu thì cần có quy định cụ thể, cơ sở, tiêu chí xác định đánh giá uy tín của nhà thầu.
Bên cạnh đó, đại biểu nhận thấy, quy định tại khoản 2 Điều 44 chưa phù hợp bởi xuất xứ hàng hóa không phải là yếu tố tạo nên chất lượng hàng hóa. Tiêu chí đánh giá chất lượng hàng hóa thông thường dựa trên các thông số kỹ thuật, thực tế sử dụng của chính hàng hóa đó. Quy định như vậy có thể dẫn tới việc áp dụng, áp đặt ý chí chủ quan trong quá trình đánh giá, lựa chọn nhà thầu, không bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đấu thầu.
Về chỉ định thầu, đại biểu nhất trí với quy định tại Điều 23 dự thảo Luật quy định về các trường hợp được chỉ định thầu, trong đó bổ sung trường hợp gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế.
Gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ duy nhất có một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu giải pháp công nghệ. Áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp này là giải pháp kịp thời đối với các trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, để tránh bị lạm dụng, đại biểu cho rằng cần cân nhắc và quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện áp dụng, hình thức chỉ định thầu.
Đối với các gói thầu tư vấn, thi công, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng có nên đưa trường hợp này áp dụng quy định chỉ định thầu hay không. Theo đại biểu, việc thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tương đối phổ biến, không quá phức tạp và cũng không mang tính đặc thù để lựa chọn hình thức chỉ định thầu mà không áp dụng hình thức đấu thầu là không cần thiết.
10h43: Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Chỉ nên xem xét Luật Đấu thầu (sửa đổi) là Luật quy định về hình thức
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại phiên họp, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, chỉ nên góp ý, xem xét Luật Đấu thầu (sửa đổi) là một Luật quy định về hình thức chứ không phải một Luật quy định về nội dung, để tránh chồng lấn với các Luật khác có liên quan như Luật Dược, Luật Đất đai (sửa đổi)…
Do vậy, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị cần xem xét lại phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Bởi nội dung rất nhiều thứ đặc thù. Ví dụ đấu thầu thực hiện dự án đầu tư, đấu thầu phát triển dự án bất động sản, đấu giá đất, đấu thầu thuốc, đấu thầu thực hiện cơ chế giá điện cạnh tranh trên thị trường điện…
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, đối với những hợp đồng không thể so sánh được về giá thì không nên đấu thầu. Ví dụ như hợp đồng tư vấn, nhất là trong tố tụng trọng tài không có tương đương để so sánh, so sánh giá hoặc so sánh trình độ lúc đó về thời gian quá cấp thiết.
Theo đại biểu Thịnh, cần phải cho phép chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Do quá trình chuẩn bị đấu thầu diễn ra rất dài, do vậy nên quy định một điều khoản đối với gói thầu nhỏ. Việc cho phép tiến hành nhanh chóng theo thủ tục rút gọn và việc xác định thế nào gói thầu nhỏ sẽ do Chính phủ quy định. Đại biểu đề nghị Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này nên có hai quy trình: quy trình thông thường và quy trình rút gọn.
10h49: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: “Không phải lĩnh vực đấu thầu nào cũng mang lại hiệu quả”
Góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thống nhất quy định đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu thì cần phải đấu thầu. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, không phải lĩnh vực nào cũng đấu thầu và không phải mỗi lần đấu thầu đều mang lại hiệu quả thiết thực cho Nhà nước. “Thời gian qua, có những trường hợp giá trị gói thầu cao nhưng khi bỏ thầu thì giá trị rất thấp. Trong những chiêu trò của một số chủ đầu tư thời gian qua muốn nhà thầu quen thân của mình trúng thầu thì đã có phương pháp cụ thể, cuối cùng nhà thầu thân quen sẽ trúng”, đại biểu nêu dẫn chứng. Đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất phải tổ chức đấu thầu nhưng không phải lĩnh vực đấu thầu nào cũng mang lại hiệu quả, do vậy cần xem xét lại, quy định cụ thể hơn.
Về chỉ định thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị mở rộng thêm quy định chỉ định thầu, ngoài trường hợp như quy định của dự thảo Luật thì cần có quy định chỉ định thầu giảm giá, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét lại để đem lại lợi nhuận và hiệu quả cao hơn.
Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư chào giá cạnh tranh, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình quy định này, việc chào giá cạnh trạnh đối với gói thầu không quá 5 tỷ, tuy nhiên đề nghị cần mở rộng thêm không chỉ chào giá cạnh tranh các lĩnh vực như quy định trong dự thảo Luật (gồm gói thầu xây lắp công trình đơn giản; gói thầu dịch vụ tư vấn, thông dụng, đơn giản; gói thầu mua sắm…) mà chào giá cạnh tranh còn có các lĩnh vực khác, chứ không chỉ gồm các lĩnh vực nêu trên. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ ràng buộc và những đối tượng khác sẽ không được chào giá cạnh tranh, do vậy đề nghị mở rộng thêm chào giá cạnh tranh ở nhiều lĩnh vực khác để mang lại hiệu quả thiết thực cho NSNN.
10h56: Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu tranh luận
Tại phiên họp, đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai tranh luận với ý kiến của đại biểu Phan Đức Hiếu và đại biểu Tạ Văn Hạ về việc loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư không phải thực hiện đấu thầu.
Đại biểu cho rằng, đấu thầu là biện pháp để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, nên không thể loại trừ các doanh nghiệp trên không cho thực hiện những điều tốt đẹp như vậy. Đại biểu cho rằng, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư phải thực hiện, dẫn đầu các doanh nghiệp khác trong cả nước cùng thực hiện. Cùng với đó, các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước dưới 51% vẫn đang thực hiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị không loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư trong việc thực hiện đấu thầu.
10h58: Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu tranh luận
Tranh luận với ĐBQH Phan Đức Hiếu về phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu, ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn cho rằng Luật Đấu thầu như là công cụ để kiểm soát việc sử dụng tiền của ngân sách nhà nước, trong đó có nguồn thu từ các doanh nghiệp nhà nước. Nếu không mang lại hiệu quả sẽ không áp dụng công cụ quản lý này.
ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn cũng cho rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước không can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời Luật Đấu thầu cũng là một công cụ quản lý được áp dụng không phải chỉ trong lĩnh vực của nhà nước.
11h02: Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp Hồ Chí Minh phát biểu tranh luận.
Tranh luận về phạm vi áp dụng luật đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quy định trong luật không thể là vòng kim cô để quản lý, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người. Khi doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào một doanh nghiệp khác có thể chỉ ký 5-10% vốn của doanh nghiệp nên phải chịu sự chi phối của Luật đấu thầu là không cần thiết.
Hơn nữa, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng và khi đấu thầu không chỉ có tiền mà có rất nhiều yếu tố khác như thời cơ, thời gian, thậm chí quen biết cũng là một yếu tố có lợi. Vì vậy, đại biểu thống nhất như phương án 1 của dự thảo luật, chỉ quản lý doanh nghiệp nhà nước, còn doanh nghiệp nhà nước có 50% vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được quản lý bằng rất nhiều luật khác. Nếu xảy ra tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra, không chỉ quản lý bằng Luật Đấu thầu.
11h04 : Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH Hà Nội: Cân nhắc xây dựng nguyên tắc xác định giá gói thầu
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết dự thảo luật Đấu thầu (sửa đổi) đã nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo cử tri trong thời gian qua, đặc biệt là những người trong ngành y tế để khắc phục những vướng mắc trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.
Đại biểu cho biết, nhiều sai phạm trong thời gian qua đều có liên quan đến giá gói thầu. Giá gói thầu là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu được quy định tại khoản 2 Điều 39. Hiện nay việc xác định giá gói thầu được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính, đang tồn tại nhiều bất cập. Một trong các phương thức đang được sử dụng là “3 báo giá” có mâu thuẫn với quy định tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và các tiêu chuẩn thẩm định giá.
Cho biết, trong dự thảo không có hướng dẫn về xác định giá gói thầu, đại biểu kiến nghị cần xây dựng nguyên tắc xác định giá gói thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Về chỉ định thầu, đại biểu cho biết, chưa quy định rõ thế nào là “gói thầu cần triển khai ngay” tại Điều 23 của dự thảo Luật. Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách của nhà cung cấp và quy định rõ việc nhà thầu chuyển giao quyền sử dụng không thu tiền với thiết bị y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
11h12: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc để cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời cho biết thời gian qua, cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ nhất trí với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Luật Đấu thầu là dự án luật khó ở cả trong quan điểm chính sách và cả kĩ thuật lập pháp. Bởi Luật vừa phải giải quyết vướng mắc phát sinh vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Đâu là điểm cân bằng cho các yêu cầu này là điều rất khó. Quản lý chặt quá lại khiến mất tự chủ, lại gây khó khăn ách tắc, nếu lỏng quá lại không bảo đảm quản lý nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn của Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện có 2 luồng ý kiến và có 2 phương án. Trong đó, phương án của Chính phủ là: Luật này thì chỉ áp dụng đối với cả doanh nghiệp Nhà nước thuộc đối tượng mà quy định tại Khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp và không áp dụng Luật này đối với cả các trường hợp lựa chọn nhà thầu dự án mà có sử dụng vốn nhà nước từ 30% vốn trở lên hoặc là dưới 30% trên 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số đại biểu thì lại cho rằng quy định như vậy là chưa đảm bảo quản lý chặt chẽ vốn Nhà nước vì nhiều các gói thầu của các công ty con mà thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sẽ không phải đấu thầu.
Làm rõ phương án của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết phương án của Chính phủ sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn Nhà nước. Dự thảo Luật đã quy định tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu mà có sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Khi mà đã sử dụng vốn của nhà nước thì doanh nghiệp nhà nước hay không phải doanh nghiệp nhà nước mà đã sử dụng vốn của nhà nước đều phải thực hiện đấu thầu theo vi phạm điều chỉnh của Luật này.
Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà nước không khan thiệp vào các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp khác và phải bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí để đánh giá chủ yếu làm sao để đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng theo luật pháp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng phương án Chính phủ trình đã phù hợp với cả các quan điểm của Nghị quyết của Trung ương 12, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, vừa đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của các doanh nghiệp nhà nước, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý của nhà nước tại tại các doanh nghiệp.
Về trường hợp chỉ định thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ cùng cơ quan thẩm tra rà soát lại để bảo đảm quy định bao phủ các trường hợp, chủ động được những trường hợp phát sinh.
Về tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, bên cạnh một số vướng mắc trong quy định của Luật thì hầu hết những các vướng mắc lại chủ yếu phát sinh từ tổ chức thực hiện hay thi hành hoặc là những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của Nghị định và Thông tư. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc này và đã cơ bản giải quyết được một số vấn đề này.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo Luật đã có một chương riêng quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến y tế theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bệnh viện, tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế đặc thù phù hợp với cả tính đặc thù, chuyên môn của ngành; bổ sung về quy định cho việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu của nhà thầu (mô hình máy đặt, máy mượn)…Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện được đầy đủ hết tất cả những vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế như các đại biểu quan tâm.
11h26: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận, đã có 16 lượt ý kiến phát biểu, 5 lượt ý kiến tranh luận tại hội trường. Còn 21 ý kiến đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản đến Ban Thư ký để tiến hành tổng hợp, tiếp thu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm để hoàn thiện dự án luật như: phạm vi, đối tượng áp dụng, các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, các trường hợp chỉ định thầu, quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trách nhiệm của các bên tham gia hoạt động đấu thầu, giải quyết khiếu nại trong đấu thầu…
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, đồng thời chỉnh lý hoàn thiện dự thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.