SỬA ĐỔI LUẬT HỢP TÁC XÃ: LÀM RÕ VAI TRÒ, VỊ TRÍ PHÁP LÝ CỦA LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ

24/05/2023

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trước đó, dự án luật này đã được xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Các đại biểu đề nghị cần làm rõ về vai trò, vị trí pháp lý của liên minh hợp tác xã, không phải tổ chức hội quần chúng và cũng không phải là tổ chức hội đặc thù mà là tổ chức đại diện các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tạo sự thống nhất về quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trước đó, dự án luật này đã được xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Báo cáo tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX và Liên minh HTX một số tỉnh, thành phố và ý kiến của các cơ quan hữu quan, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và Liên minh HTX Việt Nam rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Về tên gọi của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin tiếp thu đa số ý kiến ĐBQH, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản của dự án Luật và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự án Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật.

Về việc thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu nhiều ý kiến ĐBQH, rà soát và chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách; bổ sung, điều chỉnh các nội dung về 08 chính sách từ 01 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 08 điều quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW… 

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn HTX tại dự thảo Luật. Để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn HTX theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành đánh giá tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn HTX.

Liên quan đến tổ chức quản trị HTX, liên hiệp HTX, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu, chỉnh lý tại khoản 4 Điều 55, khoản 5 Điều 64, tại khoản 7 Điều 58.. Đồng thời, bổ sung tại Điều 67 và Điều 70 về trách nhiệm của Giám đốc (Tổng giám đốc) trong hoạt động mua chung, bán chung sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên của HTX, liên hiệp HTX. 

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo cũng rất công phu, nghiêm túc trách nhiệm tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và các nhà khoa học. 

Góp ý về một số nội dung cụ thể, về việc thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, dự thảo luật đã điều chỉnh các nội dung về 8 chính sách từ một điều tại dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 8 điều từ Điều 20 đến Điều 27 và quy định riêng từng chính sách. Đại biểu cho rằng, các quy định này đã thể chế hóa được các chủ trương tại Nghị quyết 20, cơ bản phù hợp và thống nhất với pháp luật có liên quan. 

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định trong nội dung chính sách tiếp cận vốn và bảo hiểm quy định tại Điều 23. Cụ thể, về chính sách tiếp cận vốn đối với Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung trong dự thảo luật quy định: các ngân hàng thương mại cho Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã vay vốn tín dụng thương mại như các tổ chức kinh tế khác dựa trên xem xét đánh giá về năng lực tài chính và hiệu quả dự án sản xuất kinh doanh cần vay vốn; quy định về Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã được sử dụng giá trị tài sản hình thành từ quỹ chun để bảo đảm an toàn cho số vốn cần vay để đáp ứng được điều kiện có tài sản đảm bảo tiền vay tại ngân hàng thương mại.

Phát biểu góp ý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Ma Thị Thúy bày tỏ nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Bên cạnh đó, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc việc cho phép chuyển nhượng vốn giữa các thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vì nếu việc cho phép chuyển nhượng vốn góp sẽ làm mất đi bản chất của hợp tác xã, làm cho các tổ chức kinh tế hoạt động như loại hình công ty cổ phần.

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Bên cạnh đó, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, tại Khoản 1, Điều 110 quy định tổ chức đại diện của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, trong đó hệ thống liên minh hợp tác xã là nòng cốt được thành lập tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội và pháp luật có liên quan. Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng quy định này chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh tình hình hiện nay. 

Đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần phải làm rõ về vai trò, vị trí pháp lý của liên minh hợp tác xã, không phải tổ chức hội quần chúng và cũng không phải là tổ chức hội đặc thù mà là tổ chức đại diện các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tạo sự thống nhất về quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Đề nghị Ủy Ban Thường vụ Thường vụ Quốc hội xem xét nghiên cứu bỏ quy định liên minh hợp tác xã được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Mai Văn Hải thống nhất cao đối với dự án Luật HTX sửa đổi. Để hoàn thiện dự án Luật, góp ý về chính sách, nguyên tắc thực hiện chính sách tại điều 17, đại biểu thống nhất với 3 nguyên tắc như dự thảo Luật. Tuy nhiên để tránh việc trục lợi chính sách và hưởng chính sách 2 lần, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị có thêm một nguyên tắc: đối với tổ hợp tác và HTX chỉ hưởng một lần đối với 1 chính sách. 

Đại biểu Mai Văn Hải- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Về tiêu chí thụ hưởng chính sách theo quy định Điều 18, đại biểu đề nghị không nên quy định như ở khoản 3 Điều 18.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng đây là vấn đề mới so với Luật Hợp tác xã năm 2012, và nhận thấy Quỹ này rất cần thiết để hỗ trợ cho vay ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, bảo lãnh đầu tư. Tuy nhiên đề nghị Quỹ này nên giao cho Liên minh HTX quản lý đối với Quỹ cấp trung ương, và giao cho Liên minh HTX ở tỉnh đối với quỹ ở cấp tỉnh và Quỹ này không vì mục đích lợi nhuận.

Về điều kiện trở thành thành viên HTX, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, điều kiện quy định chưa rõ ràng và còn lẫn lộn tại Điều 29 của dự thảo giữa thành viên chính thức, thành viên liên minh góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn. Đại biểu đề nghị nên đề xuất quy định rõ ràng hơn là thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn, và cũng quy định tương tự như vậy với liên hiệp HTX.

Minh Hùng