CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ BẾ MẠC PHIÊN HỌP THỨ 23 CỦA UBTVQH: CƠ BẢN HOÀN THÀNH VIỆC CHO Ý KIẾN VỀ CÁC NỘI DUNG TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 5
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 13/5: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TIẾP TỤC CHO Ý KIẾN VỀ 03 NỘI DUNG VÀ BẾ MẠC PHIÊN HỌP THỨ 23
Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện đặt ra để kịp trình Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến phần lớn các nội dung của kỳ họp.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 27/4/2023, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản số 2239/TTKQH-TK đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu các nội dung đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 5, gửi các cơ quan của Quốc hội thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Tiếp đó, ngày 5/5/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản gửi Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục đề nghị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu kỳ họp còn thiếu để gửi các vị đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định.
Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn một số tài liệu chưa được gửi Văn phòng Quốc hội để gửi các vị đại biểu Quốc hội. Một số tài liệu kỳ họp (như các báo cáo thẩm tra, một số báo cáo của Chính phủ...) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và chưa được gửi đến đại biểu Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hơn nữa để hoàn tất việc chuẩn bị các nội dung, kịp gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc kỳ họp.
Trước đó, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng và việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nghiêm khắc đề nghị các cơ quan rút kinh nghiệm trong việc chậm trình hồ sơ tài liệu. Đây là hai nội dung được bổ sung sau vào chương trình phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Liên quan đến hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành túc để rút kinh nghiệm khi hồ sơ trình rất chậm, đến ngày 5/5 Chính phủ mới có nghị quyết để trình nội dung này. Điều này khiến cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội bị động trong việc chuẩn bị.
Chủ tịch Quốc hội cho biết nội dung này cũng chưa được đưa vào dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV để gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội do việc chậm trình.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quy trình để đưa nội dung vào chương trình kỳ họp phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì các Ủy ban của Quốc hội phải tiến hành thẩm tra. Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ phải hoàn thiện hồ sơ để trình lại và Ủy ban của Quốc hội tiến hành thẩm tra chính thức. Trong khi đó, để thẩm tra chính thức, Ủy ban của Quốc hội phải triệu tập họp toàn thể Ủy ban với các đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban trong cả nước, không phải lúc nào đại biểu Quốc hội cũng sẵn sàng họp được, nhất là những việc đột xuất, không có lịch trước. Nếu số lượng thành viên Ủy ban không đủ 50% thì biểu quyết không có giá trị gì.
Mặt khác đối với những vấn đề lớn, Đảng đoàn Quốc hội cũng cần phải họp tổng hợp để có báo cáo Bộ Chính trị. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, giảm thuế là một chủ trương lớn cần phải đánh giá tác động và trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến.
Liên quan đến nội dung đề xuất bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng đã có từ khóa trước. Đến giai đoạn 20201-2023, Quốc hội đã có Nghị quyết số 43/2022/QH15. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ: Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó nêu rõ "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước trong Quý 1/2022". Như vậy, đáng lẽ việc này phải được quyết định trong Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, nhưng đến nay đã sang Quý 2/2023.
Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, vì sao đến bây giờ mới trình và việc chậm trễ này thì trách nhiệm của ai? Vấn đề kỷ luật, kỷ cương tài chính với công chức, công vụ như thế nào?. Nói là cần thiết, cấp bách nhưng sát đến ngày Quốc hội họp mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì khi nào Ủy ban Kinh tế mới có thể thẩm tra chính thức, khi nào Bộ Chính trị mới có thể cho chủ trương về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội giúp cho Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chấn chỉnh, nghiêm túc rút kinh nghiệm việc chậm gửi hồ sơ tài liệu; cần thống nhất thực hiện việc nếu chậm quy trình dứt khoát không xem xét. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần tăng cường kỷ luật trong vấn đề này bởi tình trạng chậm hồ sơ diễn ra nhiều. Đề nghị tất cả Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cần chặt chẽ và cương quyết trong vấn đề này thì các Bộ, Chính phủ mới cương quyết được.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, bệnh này kéo dài mãi không khắc phục được. Kỳ họp nào đại biểu Quốc hội cũng phê bình việc gửi tài liệu chậm, không đủ thời gian để xem xét, thẩm tra báo cáo làm ảnh hưởng đến chất lượng của kỳ họp.
Việc trình nội dung xin ý kiến hay xem xét quyết định cần tính toán thời gian phù hợp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể bố trí họp bàn, “không phải trình sang là họp ngay được”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về nguyên tắc tất cả các nội dung của Kỳ họp thứ 5 đáng lẽ phải được giải quyết xong trong phiên họp của tháng 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bởi theo quy định tài liệu phải gửi cho đại biểu Quốc hội trước ít nhất 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, chính vì việc chậm gửi tài liệu, chậm trình các nội dung mà đến nay (khi bế mạc phiên họp thứ 23), Bộ Chính trị vẫn chưa thể cho ý kiến về dự kiến nội dung chương trình của kỳ họp Quốc hội. Trong khi đó chỉ còn hơn 1 tuần nữa kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc (ngày 22/5).
Khi cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Văn phòng Quốc hội cùng Thường trực các Ủy ban của Quốc hội giám sát kỹ lưỡng việc chuẩn bị tài liệu cả tài liệu chính thức và tài liệu tóm tắt gửi Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc gửi tài liệu chậm, Chính phủ chậm nhưng chính các Ủy ban của Quốc hội cũng rất chậm bởi có những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, đã có kết luận và được thẩm tra toàn diện nhưng đến nay vẫn có báo cáo thẩm tra hay báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo luật chưa gửi đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần gửi trước những tài liệu liên quan để đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Do đó, Văn phòng Quốc hội cần rà soát, đôn đốc việc gửi tài liệu. Các cơ quan của Quốc hội cũng cần khẩn trương hơn nữa.
Kết luận nội dung phiên họp thứ 23, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội rà soát lại toàn bộ nội dung và những gì còn chưa đủ về thủ tục, quy trình, nhất là chưa tổ chức thẩm tra toàn thể phải xem xét, bố trí lịch càng sớm càng tốt để thực hiện, gửi tài liệu sớm cho đại biểu Quốc hội theo đúng quy định.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Đồng thời, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội ngay sau phiên họp có rà soát để có văn bản thông báo các việc còn chậm, nêu rõ thời hạn cuối cùng, giao việc cho các cơ quan hữu quan, cả cơ quan trình và cơ quan thẩm tra; nêu rõ nguyên tắc không xem xét, không đưa vào chương trình kỳ họp các nội dung quá thời hạn, không đủ điều kiện để bảo đảm kỷ luật thực hiện quy định của pháp luật./.