QUY ĐỊNH CẦN CHẶT CHẼ TRÁNH LỢI DỤNG VIỆC RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH ĐỂ THAY ĐỔI QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

05/05/2023

Tại Kỳ họp thứ 5 dự kiến khai mạc 22/5 tới đây, Quốc hội khóa XV tiếp tục cho ý kiến lần hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Góp ý vào dự thảo mới nhất (ngày 24/4), PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội kiến nghị, cần quy định chi tiết, chặt chẽ các điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, vấn đề giám sát; chế tài xử lý vi phạm ... tránh việc lợi dụng rà soát, điều chỉnh để thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt...

PGS.TS PHAN TRUNG HIỀN: PHẢN ÁNH ĐÚNG BẢN CHẤT CỦA GIÁ ĐẤT TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần hai tại Kỳ họp thứ 5 (dự kiến khai mạc ngày 22/5)

Trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, ý kiến góp ý của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ý kiến của Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (ngày 06 -07/4/2023), Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp các cơ quan có liên quan hoàn thiện Báo cáo Tổng hợp ý kiến của Nhân dân, Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến Nhân dân, Báo cáo Đánh giá tác động bổ sung đối với những nội dung mới và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục (mục 1 Chương VII; mục 1,2 chương XVI), bố sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được đề cập tại Chương V. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi. Bên cạnh việc kế thừa những điểm hợp lý, phù hợp của Luật Đất đai năm 2013 đã được kiểm chứng qua thực tiễn thi hành, Dự thảo Luật còn bổ sung một số quy định mới về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Sau khi lấy ý kiến góp ý của nhân dân (từ ngày 05/01/2023 - ngày 15/03/2023) và tiếp thu, chỉnh sửa; Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 24/04/2023 mặc dù đã có nhiều điểm mới, tích cực tuy nhiên vẫn cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi trong quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Bổ sung điều, khoản đảm bảo quy định chặt chẽ điều kiện, trình tự,..

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là điều khó tránh khỏi bởi vì, khi tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ phát triển có sự thay đổi hoặc do yêu cầu của quốc phòng - an ninh ... thì việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng cho phù hợp là cần thiết. Tuy nhiên, nếu các nhà làm luật không quy định chi tiết, chặt chẽ các điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, vấn đề giám sát; chế tài xử lý vi phạm ... thì dễ tiềm ẩn việc lợi dụng rà soát, điều chỉnh để thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt có lợi cho một nhóm người trong xã hội hoặc phát sinh tham nhũng, tiêu cực làm ảnh hưởng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Như vậy, kỷ luật tuân thủ quy hoạch không nghiêm và rất dễ bị vi phạm. Để nâng cao chất lượng nội dung của Điều luật này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến kiến nghị:

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội

Một là, bổ sung một điều khoản về nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm tương thích với nội dung về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại Điều 56. Bởi lẽ, xét về bản chất, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng có vai trò quan trọng như lập, thẩm định, xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong việc làm thay đổi toàn bộ hoặc một phần nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hậu quả của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Mặt khác, quy định nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn đảm bảo nâng cao tính khoa học, chặt chẽ, thận trọng trong việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đảm bảo tuân thủ nghiêm kỷ luật thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

Hai là, bổ sung quy định về các tiêu chí cơ bản để thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm hạn chế việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong trường hợp không thực sự cần thiết.

Ba là, bổ sung quy định về chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc vi phạm về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các mức xử lý đủ sức răn đe, nghiêm minh góp phần nâng cao ý thức chấp quy định về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thể hiện rõ nguyên tắc đồng thuận tương đối

Ngoài ra, liên quan đến quy định tại Điều 66. Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng: Nguyên tắc đồng thuận tương đối không được thể hiện trong nội dung của Điều luật này. Có nghĩa là Điều 66 không quy định cụ thể tỷ bao nhiêu % ý kiến góp ý của nhân dân không tán thành với dự thảo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì được xác định là không đồng thuận và ngược lại.

Trong trường hợp, các ý kiến góp ý của nhân dân không đồng thuận với dự thảo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì cơ quan có thẩm quyền lập có xem xét, sửa đổi nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay không (sửa đổi toàn bộ hay sửa đổi một phần nội dung dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất). Trong trường hợp bảo lưu dự thảo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì trách nhiệm giải trình được thực hiện như thế nào? Chế tài xử lý trách nhiệm của người có thẩm quyền không thực hiện việc giải trình sẽ ra sao?

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nhấn mạnh, nếu những vấn đề nêu trên không được quy định đầy đủ, chi tiết thì nội dung của Điều luật này chỉ mang tính hình thức và việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân về dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không hiệu quả và mang nặng tính hình thức./.

Lê Anh