BỔ SUNG NGUYÊN TẮC ƯU TIÊN ĐỐI TƯỢNG YẾU THẾ, DỄ BỊ TỔN THƯƠNG TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

05/05/2023

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu quy định thêm về nguyên tắc ưu tiên quan tâm tới đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, đồng thời bổ sung một số nguyên tắc như: vì lợi ích chung của cộng đồng; vì sự phát triển bền vững, văn minh, hiện đại của cộng đồng, địa phương.

HỘI THẢO “BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT”

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia, tham gia thẩm tra với nhiều ý kiến sâu sắc chất lượng, Chính phủ chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân, với hàng triệu ý kiến tham gia, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu chỉnh lý nhiều nội dung, trong đó có tiếp thu một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội. Để bảo đảm tính chặt chẽ, phù hợp và có tính khả thi cao của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục có một số nội dung góp ý về một số nội dung trong dự thảo luật.

Cụ thể, về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 86), quy định cũ là “bằng hoặc tốt hơn” nhưng dự thảo hiện nay chỉ quy định theo hướng đảm bảo những nhu cầu tối thiểu. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung một số nguyên tắc như: vì lợi ích chung của cộng đồng; vì sự phát triển bền vững, văn minh, hiện đại của cộng đồng, địa phương. Đồng thời, quy định thêm về nguyên tắc ưu tiên quan tâm tới đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Về hạn chế quyền sử dụng đất, pháp luật chưa quy định khi nào thì người sử dụng đất bị hạn chế quyền sử dụng đất và hạn chế những quyền gì (ví dụ: khi có quy hoạch sử dụng đất hay quyết định thu hồi đất thì những người sử dụng đất không được đầu tư, trồng cây lâu năm…). Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung quy định về thời điểm mà người sử dụng đất bị hạn chế quyền sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quyết định thu hồi…và bị hạn chế những quyền gì trong Chương III.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Chương V), Chương V đã quy định về quy hoạch sử dụng đất, lập kế hoạch quy hoạch, tư vấn lập quy hoạch, cơ bản thống nhất với quy định này. Tuy nhiên có một số nội dung cần lưu ý: Theo Luật Quy hoạch thì không có quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, hiện nay tại các địa phương chỉ có quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trong khi dự thảo hiện đang quy định quy hoạch sử dụng đất ở cả 03 cấp; Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện sẽ cụ thể hơn. Do đó, đề nghị xem xét về việc quy định quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Chương V không quy định về việc lấy ý kiến về điều chỉnh quy hoạch. Trong thực tiễn, việc điều chỉnh quy hoạch còn rất nhiều bất cập, nếu quy hoạch của tỉnh, của huyện được điều chỉnh, đất được chuyển đổi mục đích sử dụng mà không quy định lấy ý kiến của người dân về điều chỉnh quy hoạch sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, ảnh hướng đến quá trình chuyển đổi quyền sử dụng đất... Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung.

Đối với quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị xét thêm yếu tố Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực tế được cấp tại nhiều thời điểm, giai đoạn có nhiều thay đổi về chính sách.

Cùng với đó, việc quy định người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, không trực tiếp sản xuất không được đứng tên làm phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong thực tế. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cán bộ, công chức được phép đứng tên tài sản, nếu tài sản có được một cách hợp pháp, tránh những trường hợp có thể xảy ra tranh chấp (do đứng tên hộ) hay mất quyền lợi hợp pháp của cá nhân đó. Cần phải có giải thích rõ ràng và quy định phù hợp với thực tiễn.

Thường trực Ủy ban Xã hội

Thường trực Ủy ban Xã hội cũng cho rằng, cần xác định giới hạn của quyền sử dụng đất: không gian phía trên và phần ngầm phía dưới đều chưa có quy định cụ thể. Bộ luật Dân sự đã có quy định về quyền bề mặt, tuy nhiên, cụ thể hơn thì chưa có. Luật Đất đai cũ cũng chưa quy định về vấn đề này. Vì vậy, việc xác định phần công trình ngầm để thu hồi cũng gặp khó khăn nếu thực hiện.

Về phân loại đất (Điều 10), Điều 35 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về một số loại cơ sở cần có như cơ sở y tế, nhà tạm lánh…; điểm c khoản 2 Điều 36 Luật Phòng, chống ma túy có quy định “cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật”... , cần có quỹ đất được phân loại cho những mục đích này. Tại điểm d, dự thảo đang quy định rất chung với từ “xã hội” nhưng cũng liệt kê một số lĩnh vực cụ thể. Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cần rà soát, cụ thể hóa từ “xã hội” trong quy định của dự thảo để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh sự tùy nghi trong quá trình tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12), Điểm q khoản 1, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cấm các hành vi gây cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của những người sử dụng đất thuộc nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội như người khuyết tật, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, người có công với cách mạng,… Tại khoản 2, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung hành vi cấm phân biệt, đối xử về giới trong việc thực hiện giao dịch quyền sử dụng đất.

Minh Hùng