THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG DÂN TỘC TỔ CHỨC PHIÊN HỌP MỞ RỘNG THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

04/05/2023

Chiều 04/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng để cho ý kiến đối với Báo cáo tham gia thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến thảo luận tập trung vào những vướng mắc, bất cập và vấn đề đặt ra cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và các chính sách dân tộc trong lĩnh vực đất đai, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của đồng bào dân tộc thiểu số.

ĐƠN GIẢN HÓA ĐIỀU KIỆN SỬ DỤNG ĐẤT ĐỂ THỰC HIỆN DỰ ÁN PHÁT TRIỂN KT-XH THÔNG QUA THỎA THUẬN

DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP THỨ 23 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Ủy viên Thường trực của Hội đồng Dân tộc; đại biểu Quốc hội chuyên trách một số tỉnh; đại diện Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Văn hoá - Giáo dục, Viện Nghiên cứu lập pháp; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo và chuyên viên của Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, thực hiện nhiệm vụ tham gia thẩm tra các nội dung liên quan đến việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Hội đồng Dân tộc đã nhận thức đây là dự án Luật hết sức quan trọng, có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, đã ban hành Kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu, phục vụ xây dựng Báo cáo tham gia thẩm tra dự án Luật.

Thời gian vừa qua, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các nhà khoa học, chuyên gia để nghiên cứu, tham vấn lựa chọn vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số; lấy ý kiến của UBND các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức 02 hội thảo chuyên đề tại vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Hội thảo toàn quốc vào tháng trước tại thành phố Cần Thơ. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng Dân tộc đã tích cực tham gia nhiều hội nghị lấy ý kiến nhân dân, hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật do Chính phủ và một số bộ, ngành, địa phương tổ chức.

Tiếp nối chuỗi các hoạt động này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, Hội đồng Dân tộc tổ chức Phiên họp Thường trực Hội đồng Dân tộc mở rộng để góp ý, hoàn thiện Báo cáo tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc trước khi gửi Ủy ban Kinh tế tổng hợp, tiếp thu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm

Cho rằng đây là nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tập trung, chuẩn bị kỹ nội dung tham gia góp ý vào dự thảo Báo cáo tham gia thẩm tra dự án Luật và đề xuất thêm các vấn đề khác liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số nếu chưa được nêu tại dự thảo Báo cáo.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương, Trưởng Tiểu ban Khoc học, Công nghệ và Môi trường báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu phục vụ xây dựng Báo cáo tham gia thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến đối với dự thảo Báo cáo, tập trung vào những vướng mắc, bất cập và vấn đề đặt ra cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII và các chính sách dân tộc trong lĩnh vực đất đai, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của đồng bào dân tộc thiểu số.

Các chính sách đất đai cần được mở rộng hơn so với quy định hiện hành để phù hợp với thực tế đời sống đồng bào DTTS

Qua thảo luận, các ý kiến về cơ bản đồng tình với dự thảo Báo cáo tham gia thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và cho rằng, dự thảo Luật đã bám sát nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW và thể chế hóa những nội dung quy định cho cả nước và một số quy định cho đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, một số ý kiến của Thường trực HĐDT nhận thấy một số vấn đề chưa được làm rõ và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW như: “Có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người có công với cách mạng”; “Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch”; “...cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất”; “…giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;…”.

Đồng thời nhiều đại biểu đề nghị các chính sách đất đai cần được mở rộng hơn so với quy định hiện hành để phù hợp với thực tế đời sống, sản xuất và nhu cầu của các đối tượng chính sách, trong đó có đồng bào DTTS.

Các thành viên của Hội đồng Dân tộc tham dự phiên họp

Để ban hành các chính sách phù hợp, có tính khả thi và bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong các đối tượng chính sách, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện các các chính sách về đất ở, đất sản xuất, ổn định dân cư (liên quan đến đất đai) trong các giai đoạn trước. Trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách đất ở đất sản xuất bảo đảm: (1) tính thống nhất trong việc áp dụng chính sách, pháp luật; (2) ưu tiên cho các đối tượng chính sách, trong các đối tượng này nếu có DTTS thì được ưu tiên; (3) bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của các đối tượng chính sách. Đồng thời, Chính phủ cần bố trí nguồn lực phù hợp theo kế hoạch (trung hạn, hằng năm) để thực hiện các chính sách đã ban hành.

Ngoài ra, các ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư trong thời gian qua; làm rõ những nguyên nhân vướng mắc do quy định của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp và các luật liên quan; từ yêu cầu cấp thiết của công tác giải quyết đất sản xuất đối với đồng bào DTTS, có chính sách phù hợp đối với việc sử dụng đất rừng của cộng đồng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, các nội dung văn bản của dự thảo Báo cáo còn mang tính định hướng chung chung, nhiều nội dung quan trọng chưa được lượng hóa, thể chế hóa cụ thể nhất là quy định đất tôn giáo, đất tín ngưỡng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã và đang có nguy cơ cao mai một, thậm chí mất đi bản sắc văn hóa; môi trường văn hóa cũng còn nhiều hạn chế do thiếu đất hoặc do phương pháp, cách thức quản lý đất chưa phù hợp... Vì vậy, đề nghị cần bổ sung thêm các nội dung này vào dự thảo Báo cáo tham gia thẩm tra dự án Luật.

Cũng tại phiên họp, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm như về đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nương rẫy; về đất cho cộng đồng và đất tín ngưỡng; về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất…; vấn đề hỗ trợ đo đạc; quy định bỏ “hộ gia đình”…

Khẩn trương hoàn thiện Báo cáo tham gia thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Uỷ ban Kinh tế để đảm bảo chất lượng và yêu cầu thời gian

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu bế mạc phiên họp

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cảm ơn các thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, đại diện các Ủy ban, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia ý kiến, trao đổi, thảo luận, phát biểu làm rõ và giải trình thêm nội dung và các vấn đề đặt ra mà các đại biểu quan tâm. Các ý kiến phát biểu tại phiên họp có giá trị, chất lượng, trọng tâm, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết đối với công tác tham gia thẩm tra đối với dự án Luật có ý nghĩa này đối với đồng bào DTTS và miền núi. Trên cơ sở những vấn đề đã chín, đã rõ và qua thảo luận, thực tiễn giám sát và tiếp xúc cử tri nhiều kỳ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, đây là cơ sở để Hội đồng Dân tộc nghiên cứu, đặt vấn đề, đề xuất các chính sách, các giải pháp để đưa vào thể chế hoá những nội dung liên quan, nhất là thể chế hóa đầy đủ, toàn diện nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW.

Đối với dự thảo Báo cáo tham gia thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cơ bản tán thành với cách đặt vấn đề và trình bày, tuy nhiên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cần thể hiện rõ nét hơn những nội dung nào đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, nội dung nào còn có ý kiến khác nhau, nội dung nào cần đặt vấn đề thêm và kiến nghị. Đồng thời cần làm rõ nội dung đề xuất để thực hiện, thống nhất theo hướng sửa đổi 1 điều để cụ thể hoá, làm rõ hơn chính sách dân tộc về đất đai. Nếu nội dung trong luật chưa cụ thể hoá thì giao Chính phủ quy định chi tiết. Bên cạnh đó, các chính sách đất đai cần được mở rộng hơn so với quy định hiện hành để phù hợp với thực tế đời sống đồng bào DTTS.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Tiểu ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Hội đồng Dân tộc và Thường trực Hội đồng Dân tộc khẩn trương tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện Báo cáo tham gia thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sớm gửi Uỷ ban Kinh tế để đảm bảo chất lượng, đảm bảo yêu cầu thời gian. Đồng thời đề nghị Ủy ban Kinh tế nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc một cách hệ thống, phù hợp với nhiệm vụ được UBTVQH giao và trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc trước đồng bào các dân tộc thiểu số và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tham dự phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương, Trưởng Tiểu ban Khoc học, Công nghệ và Môi trường trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu phục vụ xây dựng Báo cáo tham gia thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, quy định đất cộng đồng phải bảo đảm không gian kinh tế, không gian văn hoá, kiến trúc, do vậy, cần quy định đầy đủ hơn về đất thiết chế, đất cộng đồng. Về vấn đề đền bù tái định cư của người dân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần cụ thể hoá nguyên tắc "nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ" và phải đảm bảo điều kiện hạ tầng cơ sở dịch vụ cơ bản.

 Nhất trí với dự thảo Báo cáo tham gia thẩm tra của Thường trực HĐDT, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà cho rằng, Điều 17 của dự thảo đánh giá còn chung chung, chưa cụ thể. Về vấn đề tái định cư, đề nghị quy định rõ tiêu chí đo lường được, như thế nào là tốt hơn nơi ở cũ, và cần bổ sung vào dự thảo nội dung này.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị rà soát Điều 153 của dự thảo Luật. Đề nghị bổ sung thêm khoản mới đất xây dựng công trình văn hoá, giáo dục vùng đồng bào DTTS phù hợp với đất sinh hoạt cộng đồng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu bày tỏ băn khoăn việc sửa đổi Luật Đất đai lần này về nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, liệu có cơ chế, chính sách giải quyết tốt hơn so với trước đây hay không?

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch đồng tình với các ý kiến tham gia thẩm tra dự thảo của Tiểu ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Đề nghị rà soát những vấn đề còn bất cập để đồng bộ với hệ thống pháp luật, đối chiếu với dự án Luật này.

Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương góp ý vào Báo cáo tham gia thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm như về đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nương rẫy; về đất cho cộng đồng và đất tín ngưỡng; về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất…; vấn đề hỗ trợ đo đạc; quy định bỏ “hộ gia đình”…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu bế mạc phiên họp. 

Bích Ngọc - Nghĩa Đức