SỞ HỮU NHÀ Ở - VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM TRONG DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

04/05/2023

Tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý kỳ vọng dự án luật này sẽ tháo gỡ được những khó khăn, bất cập trong vấn đề sở hữu nhà ở, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong vấn đề này, đảm bảo an sinh cho người dân.

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

Tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Luật Nhà ở 2014 đã điều chỉnh hầu hết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở từ phát triển nhà ở, sở hữu nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở, sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, quản lý nhà nước về nhà ở và việc xử lý vi phạm các vấn đề về nhà ở. Luật Nhà ở 2014 đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác phát triển và quản lý nhà ở đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, các quy định về phát triển và quản lý nhà ở đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà ở, bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị hiện đại, văn minh…; thực hiện việc xử lý, giải quyết dứt điểm nhiều tồn tại, vướng mắc phát sinh mà trước đó chưa có quy định để xử lý, đặc biệt là các khiếu nại, tranh chấp trong quản lý, sử dụng nhà chung cư như: việc xác định phần sở hữu chung, phần sở hữu riêng, việc đóng góp và quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư, việc quản lý vận hành nhà chung cư, việc xác định chỗ để xe của cư dân…

Toàn cảnh phiên họp

Đặc biệt là chính sách nhà ở xã hội đã giúp cho hàng triệu người dân có khó khăn về nhà ở, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, hộ nghèo tại khu vực nông thôn tự tạo lập được chỗ ở hợp pháp và ổn định, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, sau gần 08 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2014, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật nhà ở cũng đã xuất hiện những bất cập, hạn chế, tồn tại và cần được xem xét để xây dựng Luật thay thế Luật Nhà ở năm 2014.

Tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, về sở hữu nhà ở, tại Luật Nhà ở năm 2014 đã có quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư, hết thời hạn sử dụng nhà chung cư mà không còn đủ điều kiện an toàn sử dụng thì phải phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các địa phương, nhất là hai thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn rất chậm, còn gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư là do pháp luật về nhà ở không có quy định về việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu nhà chung cư là vĩnh viễn, do đó các chủ sở hữu không thực hiện việc di dời, phá dỡ nhà chung cư, ngay cả khi nhà chung cư không còn đủ điều kiện cho an toàn sử dụng.

Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định cụ thể việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư trong trường hợp nhà chung cư không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho người sử dụng và quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư.

Bên cạnh đó, các quy định về nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có một số tồn tại. Quy định về thẩm quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước còn phân tán tại Luật Nhà ở năm 2014 và văn bản dưới luật, chưa thể hiện rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan trong quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, một số địa phương vẫn còn phân giao trách nhiệm quản lý nhà ở không đúng quy định. Hiệu lực hiệu quả trong quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước còn chưa bảo đảm, vẫn còn hiện tượng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước chưa được bố trí sử dụng.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp

Đối với quy định về sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, còn một số tồn tại, hạn chế như: pháp luật về đất đai không có quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất ngoài dự án để xây dựng nhà ở, dẫn đến hạn chế quyền phát triển nhà ở của đối tượng này; không có quy định đối tượng sử dụng đất là cá nhân, tổ chức nước ngoài, trong khi đó, pháp luật nhà ở, pháp luật kinh doanh bất động sản có quy định cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua và sở hữu đối với nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, điều này gây khó khăn trong việc công nhận quyền sở hữu đối với nhà ở cho đối tượng là cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Cùng với đó, quy định về khu vực không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở còn có cách hiểu khác nhau, một số quy định còn chưa rõ ràng cần phải được sửa đổi, bổ sung hoặc còn đang tản mát tại các văn bản dưới luật nên cần thiết phải luật hóa để bảo đảm tính pháp lý trong thực hiện.

Ngoài ra, số lượng nhà ở sở hữu của cá nhân, tổ chức nước ngoài trong thời gian vừa qua vẫn còn hạn chế so với nguồn cung về nhà ở trong nước và so với số lượng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, chưa trở thành yếu tố có khả năng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến sẽ giải quyết được những vướng mắc, bất cập này để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà ở.

Minh Hùng