TẠO CHỖ Ở ỔN ĐỊNH, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG ĐỂ CÔNG NHÂN AN TÂM LAO ĐỘNG SẢN XUẤT
Kịp thời, trách nhiệm trong hỗ trợ người lao động gặp khó khăn
Xác định rõ con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm đến việc cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động, đặc biệt là trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Việc hỗ trợ cho công nhân, người lao động được thực hiện khẩn trương trên phạm vi cả nước đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Đánh giá tổng kết việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, các chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhanh chóng, kịp thời; nội dung các chính sách được xây dựng bám sát theo yêu cầu thực tiễn; điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ được thiết kế đơn giản, linh hoạt; công tác tổ chức thực hiện được triển khai đồng bộ; kết quả đã thực hiện hỗ trợ được một số lượng lớn đối tượng trong thời gian ngắn, góp phần tích cực cho việc duy trì ổn định cuộc sống của người lao động, hỗ trợ cho người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, ổn định, trật tự, an toàn xã hội.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh
Cụ thể, theo số liệu thống kê, cho đến khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, cả nước đã hỗ trợ cho khoảng 36,4 triệu người lao động, 394 nghìn đơn vị sử dụng lao động và 508 nghìn hộ kinh doanh với tổng số tiền là khoảng 45,6 nghìn tỷ đồng. Việc thực hiện thành công với “mục tiêu kép” vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế đã đem lại nhiều bài học kinh nghiệm đáng quý trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, thành công trong xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 chính là nhờ sự quan tâm sâu sắc, sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương; sự ủng hộ, đồng tình và tích cực tham gia của người lao động, người sử dụng lao động và người dân; phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm, có sự hướng dẫn cụ thể, kịp thời của các Bộ, ngành.
Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, giúp cho các đối tượng thụ hưởng chính sách và người dân, cơ quan tổ chức triển khai hiểu được chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, nội dung tư tưởng của từng chính sách, trình tự thủ tục các bước triển khai thực hiện.
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho công nhân là việc làm cấp thiết
Sau khi cơ bản giải quyết những khó khăn trực tiếp do dịch bệnh Covid-19 mang lại, sản xuất phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên, lực lượng công nhân lại đối mặt với tình trạng tai nạn lao động cũng gia tăng. Nguyên nhân là do sau thời gian ngừng trệ, một số doanh nghiệp đã không kịp thời bảo trì, bảo dưỡng, việc đào tạo, huấn luyện an toàn lao động bị mai một, dẫn tới tai nạn lao động. Thêm vào đó, sức khỏe của người lao động hậu COVID-19 cũng bị ảnh hưởng. Các tài liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO nêu rõ, có hơn 200 bệnh hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.
Theo số liệu của Cục An toàn vệ sinh lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số vụ tai nạn lao động, ca mắc bệnh nghề nghiệp, sự cố nghiêm trọng năm 2022 còn ở mức cao và đáng lo ngại. Toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (tăng 1.214 vụ so với năm 2021), làm 7.923 người bị nạn, 754 người tử vong. Qua khảo sát thực tiễn, người lao động phản ánh rằng áp lực về cường độ, thời gian làm việc rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp làm việc theo dây chuyền, người lao động kiến nghị doanh nghiệp không tăng thời gian làm thêm quá quy định, bố trí cho lao động nghỉ ngơi, chăm lo sức khỏe, đời sống cho người lao động…
Cục trưởng cục An toàn lao động Hà Tất Thắng
Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng cục An toàn lao động Hà Tất Thắng cho biết, quy định về khung pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động chung cho tất cả đã có đầy đủ. Tuy nhiên, mỗi một doanh nghiệp lại có hoạt động sản xuất, đặc thù khác nhau để căn cứ vào đó xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn sao cho phù hợp, chẳng hạn, doanh nghiệp xây dựng phải chú ý đến an toàn trong làm việc trên cao, làm việc trên giàn giáo, làm việc với thiết bị thi công xây dựng; doanh nghiệp khai thác khoáng sản thì cần xây dựng biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong môi trường thiếu khí và nhiều yếu tố vùng nước, cháy nổ khí mỏ
Theo Cục trưởng Hà Tất Thắng, thời gian qua, nhiều chương trình, thông tin về an toàn vệ sinh lao động đã được chia sẻ thông qua các hình thức như tọa đàm, xây dựng các phóng sự, chương trình chuyên đề... Nhiều phong trào, chương trình đã được tổ chức, tạo sân chơi pháp lý, diễn đàn trao đổi, chia sẻ hiệu quả, thiết thực giữa các doanh nghiệp, cán bộ an toàn viên, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, góp phần thúc đẩy Luật An toàn vệ sinh lao động và các chính sách, chế độ về an toàn vệ sinh lao động đi vào thực tiễn, tạo chuyển biến đáng kể về nhận thức và ý thức của người lao động và doanh nghiệp.
Cục trưởng Hà Tất Thắng cho biết, thời gian tới, Cục An toàn lao động sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở rộng các hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu số; tăng cường đối thoại, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn nhằm thúc đẩy thực thi Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành; tuyên truyền các kết quả trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025…
Đầu tư cho an toàn lao động chính là đầu tư vào sản xuất
Để thúc đẩy các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, bắt đầu từ hôm nay (01/5), Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023 được phát động với chủ đề "Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng nơi làm việc". Trong tháng 5, các cơ quan, đơn vị hữu quan sẽ đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Luật An toàn, vệ sinh lao động đã có quy định rõ về quyền, trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong công tác này. Theo đó, công đoàn cơ sở có trách nhiệm tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động. Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện điều khoản về an toàn, vệ sinh lao động trong thỏa ước lao động tập thể; có trách nhiệm giúp đỡ người lao động khiếu nại, khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm. Đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động…
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Văn Khánh, Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn lao động, các công đoàn cơ sở cần phối hợp doanh nghiệp để phát động, hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động; tổ chức các hoạt động như phối hợp kiểm tra, huấn luyện, khám sức khỏe, tổ chức hội thi tìm hiểu về an toàn lao động; treo pano, áp phích để tăng cường nhận thức của công nhân lao động.
Đại diện Ban Quan hệ Lao động cùng nhiều chuyên gia cũng cho rằng, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm cung cấp, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp với đặc thù công việc cho người lao động. Chi phí này phải do doanh nghiệp, người sử dụng lao động chi trả, phải coi công tác an toàn vệ sinh lao động là một trong những đầu tư cho sản xuất, vì con người là lực lượng sản xuất của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị công đoàn cần tăng cường tuyên truyền vận động để thay đổi nhận thức rằng chi phí cho an toàn lao động là khoản đầu tư chính đáng, không phải là gánh nặng, để từ đó, các doanh nghiệp quan tâm hơn, dành nhiều nguồn lực hơn đối với công tác bảo đảm an toàn cho người lao động.