XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC KINH DOANH, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

30/04/2023

Để gia nhập và sánh vai nhóm các quốc gia phát triển, chúng ta cần kinh tế phát triển và văn minh xã hội tương xứng, trong đó có văn minh, văn hoá kinh doanh. Bàn về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý cho rằng cần chú trọng hơn nữa trong việc xây dựng, vun đắp đạo đức kinh doanh để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ LỄ KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Sau hơn 35 năm đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. Hiện nay, Việt Nam đã có trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động cùng với trên 5 triệu hộ kinh danh cá thể và gần 30 nghìn hợp tác xã. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước. Kinh tế Việt Nam đứng trong TOP40 thế giới về GDP, TOP20 về quy mô thương mại quốc tế. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Nhưng những thành tựu đó mới chỉ là bước đầu. Đất nước ta cũng đang đứng trước những cơ hội, mục tiêu và khát vọng phát triển to lớn. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Để gia nhập và sánh vai nhóm các quốc gia phát triển, chúng ta cần kinh tế phát triển và văn minh xã hội tương xứng, trong đó có văn minh, văn hoá kinh doanh.

Bên cạnh yêu cầu phát triển của đất nước, Đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh còn có ý nghĩa trực tiếp đối với từng doanh nhân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp phải phát huy mọi nguồn lực để tồn tại và cạnh tranh thành công, nhiều khi chỉ hơn nhau một chút cũng quyết định sự thắng thua, thành bại. Doanh nghiệp các nước phát triển đang phát rất tốt nguồn lực đạo đức, văn hoá kinh doanh. Các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường các nước phát triển. Việc hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ, Nhật Bản thường được thị trường chấp nhận trả giá cao hơn cho thấy giá trị kinh tế của uy tín, đạo đức, văn hoá kinh doanh.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Bàn về đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương khẳng định, văn hoá doanh nghiệp không phải là đạo đức, mà văn hoá của một doanh nghiệp được hình thành bởi các giá trị cốt lõi từ người lãnh đạo các doanh nghiệp cùng với chiến lược, định hướng, thói quen và đạo đức được chi phối bởi những người xung quanh. Còn đạo đức có phạm trù khác, có thể đạo đức sẽ một phần chi phối trong văn hoá. doanh nghiệp hướng đến cộng đồng, làm việc thiện, việc tốt mới là đạo đức.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, có những việc buộc doanh nhân phải đứng trước sự lựa chọn hoặc là được lợi nhiều nhưng cộng đồng được ít thì có thể sẽ làm hoặc không làm. Nhưng người kinh doanh có đạo đức sẽ biết cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp với cộng đồng và những người có trách nhiệm xã hội đồng nghĩa với kinh doanh có đạo đức. Đây là xu thế sẽ phải làm, vì kinh doanh không có trách nhiệm, không có đạo đức sẽ bị cộng đồng xa lánh, đối tác, bạn hàng ít hợp tác.

Cùng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, ở Việt Nam, nhận thức về thực hiện đạo đức kinh doanh trong xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp chưa thực sự đầy đủ, từ đó dẫn đến việc vi phạm đạo đức kinh doanh ở những mức độ khác nhau. Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, để xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần xác lập đạo đức kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực hoạt động.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đạo đức kinh doanh phải được thể hiện trong triết lý kinh doanh của lãnh đạo doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có những đặc trưng riêng, do đó có các triết lý kinh doanh khác nhau. Tuy nhiên, triết lý kinh doanh cần có nguyên tắc chung, đó là sự tôn trọng các giá trị đạo đức trong kinh doanh. Lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu cần thấm nhuần các nguyên tắc này, từ đó trở thành động lực dẫn dắt doanh nghiệp thực hiện.

Doanh nghiệp cần xây dựng bộ quy tắc đạo đức thống nhất để cụ thể hóa những vấn đề thường gặp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, cần nêu rõ những yêu cầu thực hiện đạo đức của doanh nghiệp; cam kết và trách nhiệm của doanh nghiệp với chính quyền, nhân viên và cộng đồng; đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm mà nhân viên phải thực hiện đối với đồng nghiệp, lãnh đạo, khách hàng; và các phương án giải quyết các vướng mắc liên quan đến đạo đức trong doanh nghiệp.

Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, nguồn lực sức mạnh từ đạo đức, văn hoá kinh doanh chưa được quan tâm phát huy xứng đáng. Đại đa số doanh nhân, doanh nghiệp nước ta làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vươn mình vượt qua khó khăn, thách thức để góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Cá biệt còn có những cá nhân kinh doanh phi đạo đức, vì lợi ích riêng gây hại cho cả xã hội. Gần đây chúng ta thấy một số vụ án liên quan đến các doanh nhân có tiếng tăm, nhưng kinh doanh bất chấp luật pháp, gây tổn thất lớn cho uy tín của giới doanh nhân, doanh nghiệp, hình ảnh quốc gia.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Ngày 24/11/2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã khẳng định rõ hơn vai trò của văn hóa trong xây dựng đất nước. Hội nghị đã đặt ra yêu cầu xây dựng con người và văn hóa để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức của con người Việt Nam thời đại mới. Cùng với Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng đội ngũ doanh nhân, việc xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh là một yêu cầu cấp thiết để có được một đội ngũ doanh nhân lớn mạnh theo đúng yêu cầu của Đảng. Do vậy VCCI xác định, xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh tiến bộ vừa có ý nghĩa quốc gia, vừa có ý nghĩa với doanh nghiệp, đồng thời đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.

Thực tế trong những năm qua, thực hiện các quan điểm, chủ trương và định hướng của Đảng và Nhà nước, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam. Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII tháng 12/2021 với tầm nhìn xây dựng “Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng”, đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, trong đó tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, hình thành và thúc đẩy thực hiện các chuẩn mực chung về đạo đức doanh nhân được xác định vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là đột phá chiến lược trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI cho biết, ngày 19/5/2022, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, gồm: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, Tuân thủ pháp luật, Minh bạch, công bằng, liêm chính, Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển, Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Sáu quy tắc này là các phẩm chất đạo đức cơ bản cần có của doanh nhân Việt Nam được khuyến nghị thực hành rộng rãi trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp nước ta.

Minh Hùng