BỔ SUNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC ĐỂ CUNG CẤP DỊCH VỤ CÔNG

29/04/2023

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án luật Đấu thầu (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu trên các diễn đàn Quốc hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý, thể hiện thể hiện tại điểm a khoản 1 Điều 2 để bao quát đầy đủ đối với cả trường hợp doanh nghiệp tư nhân không có vốn nhà nước nhưng sử dụng vốn nhà nước để thực hiện cung cấp dịch vụ công.

HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với doanh nghiệp tư nhân sử dụng vốn nhà nước để cung cấp dịch vụ công

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án luật Đấu thầu (sửa đổi). Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) với 129 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo đó, một số ý kiến ĐBQH đề nghị quy định rõ để thể hiện phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm cả trường hợp doanh nghiệp tư nhân không có vốn nhà nước nhưng sử dụng vốn nhà nước để thực hiện cung cấp dịch vụ công. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, cơ quan thẩm tra đã chỉnh lý, thể hiện thể hiện tại điểm a khoản 1 Điều 2 đối với “các tổ chức, cá nhân khác” sử dụng vốn ngân sách nhà nước để bao quát đầy đủ đối với cả trường hợp doanh nghiệp tư nhân không có vốn nhà nước nhưng sử dụng vốn nhà nước để thực hiện cung cấp dịch vụ công.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn báo cáo

Về áp dụng luật, có ý kiến đề nghị rà soát quy định đấu thầu các dự án ODA để phù hợp với điều kiện, vai trò và vị thế hiện nay của Việt Nam. Có ý kiến đề nghị thống nhất nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Điều ước quốc tế; Có ý kiến đề nghị rà soát quy định tại khoản 5, khoản 6 để đảm bảo tính chặt chẽ, cần phải tính đến yếu tố quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia cũng như những rủi ro về mặt kinh tế khi làm theo yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát quy định tại Điều 3 và một số điều, khoản liên quan của Dự thảo luật để bảo đảm chặt chẽ và phù hợp với Luật Điều ước quốc tế và phù hợp với yêu cầu quản lý của Việt Nam hiện nay.

Đối với ý kiến đề nghị rà soát quy định tại khoản 4 Điều 3 để đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ và bao quát được các trường hợp mua sắm của cơ quan đại diện của Việt Nam ở mước ngoài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, việc lựa chọn nhà thầu ở nước ngoài (hoạt động đấu thầu tổ chức ngoài lãnh thổ Việt Nam) sẽ không thể áp dụng quy định của Luật Đấu thầu do có nhiều quy định không phù hợp như: đăng tải thông tin, đánh giá tư cách hợp lệ của nhà thầu, ngôn ngữ trong đấu thầu, hợp đồng…

Theo quy định của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (khoản 2 Điều 15) thì kinh phí của cơ quan đại diện được cấp từ ngân sách nhà nước và bao gồm: Kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản; Kinh phí hoạt động thường xuyên; Kinh phí dành cho hoạt động chuyên môn đặc thù. Việc triển khai dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện được áp dụng theo: điều ước quốc tế, thỏa thuận giữa Việt Nam với quốc gia tiếp nhận, pháp luật của quốc gia tiếp nhận, pháp luật Việt Nam (điểm b khoản 3 Điều 16).

Toàn cảnh hội nghị

Như vậy, Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đã có quy định việc triển khai dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện, trong đó có hoạt động lựa chọn nhà thầu ở nước ngoài thực hiện theo các căn cứ tại điểm b khoản 3 Điều 16 nêu trên. Đối với việc sử dụng kinh phí cho hoạt động thường xuyên, trường hợp việc tổ chức lựa chọn nhà thầu trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu; trường hợp thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.

Bên cạnh đó, Nghị định số 104/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (Điều 9) cũng đã có quy định cụ thể về quy trình lựa chọn nhà thầu đối với dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện. Theo đó, việc lựa chọn nhà thầu trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành; Trường hợp tiến hành lựa chọn nhà thầu ngoài lãnh thổ Việt Nam thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 104/2018/NĐ-CP.

Theo đó, quy định về lựa chọn nhà thầu ở nước ngoài để thực hiện gói thầu ở nước ngoài của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tại khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật đã bảo đảm phù hợp và bao quát được các trường hợp mua sắm của cơ quan đại diện.

Bảo đảm tính chính xác, cụ thể, rõ ràng và thống nhất của các khái niệm trong Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Có ý kiến đề nghị không cần thiết quy định nội dung “Hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này phải tuân thủ quy định của Luật này” tại khoản 1 Điều 3, do việc tuân thủ Luật là đương nhiên.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát để bảo đảm tránh xung đột với quy định pháp luật có liên quan khi cùng quy định về đấu thầu và chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác được ban hành trước ngày luật này có hiệu lực về hình thức đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; trình tự, thủ tục đấu thầu; ưu đãi trong đấu thầu thì áp dụng Luật này”.

Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu rà soát để giải thích từ ngữ bảo đảm tính chính xác, cụ thể, rõ ràng và thống nhất giữa quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến ĐBQH, chỉnh lý nhiều nội dung chi tiết tại Điều 4 của Dự thảo luật. Đối với khái niệm “Vốn nhà nước” (khoản 34 Điều 4 dự thảo luật trình Quốc hội): Có ý kiến đề nghị quy định đầy đủ nội dung như Luật đấu thầu năm 2013 để không tạo khoảng trống pháp luật và tránh áp dụng thiếu thống nhất trên cả nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, tiếp thu thể hiện rõ tại Điều 2 về đối tượng áp dụng trong đó thể hiện rõ “vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp khác của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập”, do đó bỏ quy định khái niệm vốn nhà nước.

Có ý kiến đề nghị xem lại tại khoản 6 điều 4 giới hạn nội hàm các nội dung liên quan đến “dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng” đã phù hợp đối với các dự án cải tạo nhỏ sử dụng nguồn chi thường xuyên và dễ hiểu nhầm tất cả các dự án cải tạo là dự án đầu tư. Về vấn đề này, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, theo quy định của pháp luật về xây dựng, một số loại công trình sửa chữa, cải tạo sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên cũng phải lập dự án, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở thực hiện (việc lập dự án căn cứ theo quy mô, không căn cứ theo nguồn vốn là chi thường xuyên hay chi đầu tư). Đối với các công việc sửa chữa nhỏ thì không phải lập dự án. Quy định tại khoản 6 Điều 4 dự thảo Luật được xây dựng theo cách liệt kê, theo đó đối với các công trình sửa chữa sử dụng nguồn chi thường xuyên nhưng thuộc trường hợp phải lập dự án theo quy định của pháp luật xây dựng được coi là dự án (không phân biệt nguồn vốn).

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị tại khoản 6 điều 4 không quy định “hỗ trợ kỹ thuật” là dự án đầu tư vì cơ bản các dự án hỗ trợ kỹ thuật không phải tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện tất cả dự án, chỉ đấu thầu các khoản mua sắm cụ thể của dự án; đề nghị làm rõ “các chương trình, dự án khác theo quy định của pháp luật”. Thực tế trong thời gian vừa qua một số đối tác phát triển đã tài trợ cho Việt Nam các khoản hỗ trợ kỹ thuật và trong đó có quy định việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu của Việt Nam. Bên cạnh đó, quy định này cũng đã có trong Luật Đấu thầu năm 2013 và trong quá trình thực hiện không phát sinh vướng mắc. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị giữ như dự thảo Luật.

Các đại biểu tại Hội nghị

Đối với quy định dự án đầu tư bao gồm “các chương trình, dự án khác theo quy định của pháp luật” nhằm mục tiêu bao quát hết các trường hợp có thể phát sinh trong quá trình thi hành Luật. Quy định này cũng đã trong Luật Đấu thầu năm 2013 và trong quá trình thực hiện không phát sinh vướng mắc. Do đó, đề nghị giữ quy định như dự thảo Luật.

Một số ý kiến góp ý cụ thể đối với các khái niệm cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, thể hiện cụ thể tại Dự thảo luật như: Bổ sung cụm từ “các dịch vụ thuộc chuỗi logistics” vào khái niệm dịch vụ phi tư vấn quy định tại khoản 5; đề nghị bổ sung cụm từ “kiểm tra, nghiệm thu” vào sau cụm từ “giám sát” tại khoản 4; rà soát các dịch vụ tư vấn quy định ở các văn bản pháp luật khác để bổ sung vào khoản 4 cho phù hợp; bổ sung hoạt động “khảo sát” và không đưa hoạt động “thẩm định” vào dịch vụ tư vấn.

Dự thảo luật cũng sửa đổi khái niệm “Người có thẩm quyền” tại khoản 24 Điều 4 dự thảo Luật theo hướng: “Người có thẩm quyền là người quyết định đầu tư hoặc người quyết định việc mua sắm đối với dự toán mua sắm theo quy định của pháp luật. Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư, người có thẩm quyền là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt đề xuất dự án”. Đồng thời, cơ quan thẩm tra đã rà soát lại trách nhiệm của người của người có thẩm quyền trong việc phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho phù hợp.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng sửa đổi khái niệm “dự án đầu tư phát triển” thành “dự án đầu tư” cho phù hợp và tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định của pháp luật có liên quan. Rà soát, chỉnh sửa lại khái niệm về nhà đầu tư cho phù hợp với lĩnh vực dầu khí; chỉnh lý khái niệm về nhà đầu tư, nhà thầu, nhà thầu phụ để bảo đảo thống nhất, logic trong luật và thể hiện cụ thể tại các khoản 25 , khoản 26 và khoản 27 Điều 4 dự thảo Luật. Bỏ từ “liêm chính” tại khoản 8 do nội dung “cạnh tranh công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế” đã bao hàm đủ các yếu tố của hoạt động đấu thầu, bao gồm định nghĩa của hoạt động đấu thầu.

Minh Hùng