ĐẢM BẢO PHÙ HỢP VÀ CÂN BẰNG QUYỀN LỢI, NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG

16/04/2023

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã chỉnh lý, sửa đổi một số quy định nhằm đảm bảo phù hợp và cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng.

KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) (sửa đổi), có 148 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở Tổ và 23 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật BVQLNTD (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật. Dự án Luật này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 20.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 20

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan soạn thảo, các Bộ, ngành, tổ chức hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Kỳ họp thứ 4 để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Các tài liệu báo cáo tại Phiên họp được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, rà soát để tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu phát biểu tại Phiên họp, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo kết luận số 1366/TB-TTKQH ngày 18/8/2022, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo nguyên tắc mọi ý kiến đều phải được tổng hợp để tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ; việc tiếp thu hoặc giải trình phải có lý luận, giải thích rõ ràng, thuyết phục.

Đồng thời, cần rà soát, hoàn thiện để dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội đáp ứng được các mục tiêu, quan điểm, định hướng, chính sách lớn đặt ra khi xây dựng dự án Luật. Báo cáo tiếp thu, giải trình cũng cần thể hiện việc đáp ứng các mục tiêu, quan điểm, định hướng, chính sách lớn này. Rà soát để bảo đảm tính thống nhất, nhất quán giữa các điều khoản trong dự thảo Luật và trong báo cáo tiếp thu, giải trình.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp

Về 2 nội dung có ý kiến khác nhau, cơ quan chủ trì thẩm tra xin ý kiến cần mở rộng khái niệm người tiêu dùng và quy định trong dự thảo Luật các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc bổ sung đối tượng “tổ chức” vào khái niệm người tiêu dùng nhưng đề nghị rà soát lại khái niệm người tiêu dùng để bảo đảm dễ hiểu, tránh trùng lặp, không gây tranh cãi; thống nhất về nguyên tắc cần thiết quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhưng cần rà soát bảo đảm cụ thể, dễ áp dụng, chặt chẽ, khả thi và thống nhất với Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp và Chính phủ.

Để có căn cứ hoàn thiện 2 nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở pháp lý, thực tiễn, ưu nhược điểm, tính phù hợp với đặc thù của Việt Nam đối với từng phương án, bảo đảm thuyết phục việc bổ sung đối tượng “tổ chức” vào khái niệm người tiêu dùng và sự cần thiết phải quy định các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng để kịp thời, cụ thể, khả thi, phù hợp với các hình thức giao dịch đặc biệt là giao dịch điện tử trực tuyến; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương; lưu ý quy định về ngôn ngữ, chữ viết trong hợp đồng, hòa giải tranh chấp khi giao dịch với đồng bào dân tộc thiểu số; trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và dịch vụ không bảo đảm chất lượng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; hợp đồng, hợp đồng theo mẫu; tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Toàn cảnh hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

Rà soát hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trách nhiệm của người tiêu dùng để bảo đảm đúng phạm vi trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, không làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho tổ chức, cá nhân trong quá trình tổ chức thực thi Luật; rà soát để bảo đảm thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tiếp tục rà soát đảm bảo kỹ thuật lập pháp, bố cục các điều, khoản trong dự thảo Luật, kỹ thuật văn bản, từ ngữ, văn phong, thuật ngữ đảm bảo chặt chẽ, hợp lý, khoa học và dễ hiểu.

Cho ý kiến về việc bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị rà soát bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Tiếp thu ý kiến này, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý, hoàn thiện một số quy định trong dự thảo Luật nhằm đảm bảo phù hợp và cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng, không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Cụ thể, dự thảo đã thay đổi từ “trách nhiệm” thành “nghĩa vụ” tại Điều 5, rà soát điều chỉnh tương ứng trong các điều, khoản liên quan (Điều 1). Đồng thời, dự thảo Luật đã hoàn thiện Điều 5 theo hướng phân tách rõ ràng 6 nghĩa vụ của người tiêu dùng; bổ sung một khoản quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Dự thảo cũng chỉnh lý khoản 2 Điều 39 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng theo hướng không quy định lại trách nhiệm chung mà các đối tượng là tổ chức, cá nhân kinh doanh đều phải tuân thủ, chỉ quy định về trách nhiệm gắn liền với BVQLNTD trong các giao dịch đặc thù. Theo đó, khoản 2 Điều 39 được chỉnh lý như sau “Tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 37, Điều 38 của Luật này và Mục 2 Chương III trong trường hợp cung cấp dịch vụ liên tục”.

Các đại biểu tại hội nghị

Thêm vào đó, dự thảo luật cũng chỉnh lý một số điểm tại khoản 3 Điều 39 để phù hợp với thực tiễn kinh doanh, không làm phát sinh trách nhiệm, chi phí bất hợp lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, cụ thể: Bổ sung trường hợp loại trừ trong việc thực hiện trách nhiệm hiển thị nội dung phản hồi, đánh giá tại điểm d như sau:  “Cho phép người tiêu dùng phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh, đồng thời hiển thị kết quả phản hồi, đánh giá đó, trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm các quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội”; Sửa đổi cụm từ “công bố công khai” thành “cung cấp” tại điểm k, cụ thể: “Cung cấp báo cáo về các hoạt động kiểm duyệt nội dung đã thực hiện hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”;

Dự thảo cũng sửa đổi điểm l khoản 3 về trách nhiệm “Kết nối, cung cấp dữ liệu thông tin theo thời gian thực” theo hướng chỉ quy định trách nhiệm của tổ chức kinh doanh dịch vụ nền tảng số trung gian phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ, đột xuất phục vụ mục đích quản lý nhà nước đã được quy định tại pháp luật có liên quan thông qua việc duy trì nhiệm vụ gửi báo cáo vào tài khoản của mình được tạo lập tại các hệ thống thông tin do cơ quan quản lý nhà nước thiết lập, vận hành. Cụ thể được chỉnh lý là “Duy trì tài khoản báo cáo trực tuyến và cung cấp thông tin, dữ liệu cập nhật tới thời điểm được yêu cầu báo cáo để phục vụ hoạt động thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.

Minh Hùng