GÓP Ý LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): LÀM RÕ BẢN CHẤT KINH TẾ, BẢN CHẤT PHÁP LÝ VỀ KHOẢN THU TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT

31/03/2023

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dự kiến diễn ra từ ngày 5 -7/4 tới đây. Đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng luật, các chuyên gia cho rằng cần làm rõ bản chất kinh tế cũng như pháp lý về khoản thu “tiền sử dụng đất”; đồng thời làm rõ hơn các chính sách ưu đãi thông qua các chỉ tiêu phân bổ nguồn thu từ đất đai.

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: LÀM RÕ TIÊU CHÍ NGƯỜI CÓ ĐẤT BỊ THU HỒI CÓ CUỘC SỐNG BẰNG HOẶC TỐT HƠN NƠI Ở CŨ

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, đã có hơn 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, các quy định chính sách về tài chính đất đai và những quy định về khoản thu tài chính từ đất đai… đã nhận được sự quan tâm của cử tri, Nhân dân, chuyên gia, đại biểu Quốc hội.

Quan tâm tới các khoản thu tài chính từ đất đai (Điều 147), TS.Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, dự thảo quy định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuế tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng nhưng chưa có quy định thế nào là dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng, cũng như những trường hợp nào sẽ áp dụng (do nguyên nhân chủ quan từ người sử dụng), trường hợp nào sẽ không áp dụng (do nguyên nhân khách quan). Do đó, nếu không quy định rõ hai trường hợp này, khi áp dụng vào thực tiễn xảy ra trường hợp dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng do nguyên nhân khách quan sẽ xảy ra xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư và cơ quan thuế.

TS.Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Cũng quan tâm tới vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ – Học viện tài chính đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định làm rõ hơn về các chính sách ưu đãi thông qua các chỉ tiêu phân bổ nguồn thu từ đất đai. Qua đó, tránh tình trạng áp dụng chính sách ưu đãi tràn lan không phù hợp và cân đối với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương; tránh ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Đồng thời, bổ sung thêm quy định về thuế lũy tiến đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời gian ngắn, chưa thực hiện đầu tư; cần xác định rõ như nào là thời gian ngắn hạn để làm căn cứ tính thuế lũy tiến.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, đề xuất này nhằm đánh thuế đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí “đầu cơ”. Đề xuất mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên. Việc đánh thuế giúp thực sự điều tiết thu nhập tạo sự công bằng, tránh việc sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên đất, người sử dụng nhiều đất phải nộp thuế nhiều… Cùng với đó, phải tính giá trị tính diện tích, điều này phụ thuộc vào đất đô thị, đất nông thôn ở từng khu vực khác nhau. Chẳng hạn, những vùng miền núi xa xôi, sử dụng nhiều đất để canh tác để làm nông nghiệp, sản xuất và để làm du lịch thì có thể khuyến khích. Ngược lại, đất tại nơi mật độ dân cư đông đúc thì phải là mức thuế khác hoàn toàn nhằm điều tiết cung cầu. Tuy nhiên, để thực hiện được việc đánh thuế, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ cho rằng phải có cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, tránh việc đánh thuế nhầm đối tượng hoặc đánh thuế dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế.

Còn theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, Điều 147 dự thảo Luật đã thống kê các khoản thu tài chính từ đất đai nhưng không thấy thống kê Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 tuy không thống kê cụ thể là Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nhưng có liệt kê về khoản thu thuế sử dụng đất tại điểm c khoản 1 Điều 107. Trong khi đó, điểm đ, khoản 1 Điều 147 cũng liệt kê khoản tiền thuế tăng thêm do dự án chậm tiến độ, không đưa vào sử dụng. Do đó, đề nghị cần bổ sung hai khoản thu tài chính này cho đầy đủ bức tranh tài chính về đất đai.

Thêm vào đó, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cho rằng cần làm rõ bản chất kinh tế cũng như pháp lý về khoản thu “tiền sử dụng đất” khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất và những trường hợp khác. Theo đó, khoản 48 Điều 3 dự thảo Luật quy định, “tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất”, quy định trên chưa nói lên được bản chất của khoản thu này. Từ phân tích trên, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ nêu rõ, về mặt kinh tế cần làm rõ dựa vào cơ sở kinh tế nào để đặt ra khoản thu có tên gọi là tiền sử dụng đất ngoài các khoản thu rất rõ ràng về cơ sở kinh tế được liệt kê tại Điều 147. 

TS.Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia

Đối với việc quản lý các khoản thu tài chính từ đất đai, TS.Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định “các khoản thu từ đất đai là nguồn thu của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”. Chính vì vậy, nên bổ sung nội dung “Bộ Tài chính, các địa phương có trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu này, góp phần đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương” bởi nguồn thu từ đất đai đóng góp khá lớn cho thu ngân sách của nhiều địa phương (chiếm 10 - 20%, thậm chí có giai đoạn lên tới 30 - 40%). Điều này đòi hỏi việc quản lý, sử dụng, điều tiết nguồn thu này chặt chẽ, hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của quốc gia./.

Minh Thành