VĨNH PHÚC NỖ LỰC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA

31/03/2023

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK trên địa bàn tỉnh.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH VĨNH PHÚC GIÁM SÁT VIỆC ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TẠI SỞ GDĐTT

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh phát biểu trong buổi giám sát tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc. Ảnh Khánh Linh

Thuận lợi song hành thách thức

Thực hiện Kế hoạch giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới (GDPT), Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì tổ chức giám sát chuyên đề này trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, việc tổ chức thực hiện 2 Nghị quyết của Quốc hội tại Vĩnh Phúc được triển khai nghiêm túc, đúng lộ trình về đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ năm học 2020-2021. Tỉnh đã quan tâm, bố trí nguồn vốn đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT theo đúng lộ trình quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được triển khai. Kịp thời bồi dưỡng các mođun cho giáo viên theo Chương trình GDPT 2018.

Sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở GDPT tại Vĩnh Phúc phù hợp với điều kiện dạy học và thực tiễn địa phương. Nội dung bảo đảm mạch kiến thức để giáo viên, cơ sở giáo dục nghiên cứu xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đặc điểm học sinh. Về giá, cơ bản phù hợp với thu nhập của đa số phụ huynh.

Ngành giáo dục Vĩnh Phúc nói chung và các địa phương, trường học đã căn cứ vào điều kiện thực tế, nỗ lực cố gắng, chủ động, linh hoạt, sáng tạo thực hiện nhiều giải pháp triển khai đồng bộ chương trình, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Việc tổ chức học 2 buổi/ngày là một trong những yêu cầu để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT mới, nhất là với bậc Tiểu học. Tuy nhiên, trong điều kiện quá tải trường, lớp do số học sinh hằng năm tăng cao, mục tiêu này là thách thức với nhiều địa phương tại Vĩnh Phúc. Đội ngũ giáo viên thiếu cả về số lượng và cơ cấu. Một số ít giáo viên nhiều tuổi hạn chế về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của cấp học.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh phát biểu trong buổi giám sát tại Trường Tiểu học thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc.

Những năm vừa qua, cơ sở vật chất, công trình phụ trợ của các nhà trường liên tục được sửa chữa, nâng cấp và xây mới. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị các trường học được tỉnh quan tâm đầu tư mua sắm, xây mới. Tuy nhiên các thiết bị dạy học, hệ thống công trình, phòng học, phòng bộ môn còn tồn tại bán kiên cố và thiếu so với yêu cầu cầu dạy và học và triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Một số nơi, giáo viên tự sáng tạo, chế tạo đồ dùng và thiết bị dạy học. Phòng học thực hành, phòng học bộ môn và cơ sở vật chất của một số trường còn thiếu, chưa đảm bảo về diện tích theo chuẩn. Việc triển khai cung cấp sách giáo khoa còn chậm, nhất là ở khối lớp 3, lớp 7. Đặc biệt, lớp 10 gần hết học kỳ 1 vẫn nhiều nơi học sinh chưa có sách…

Nhiều kiến nghị thiết thực

Theo đánh giá của đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT mới trên địa bàn tỉnh cơ bản được các trường, địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Bước đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục.

Chương trình GDPT 2018 phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh, các em được trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế. Chương trình cũng chú trọng đến phát triển năng lực và phẩm chất, đánh giá vì sự tiến bộ nên mọi học sinh được quan tâm phát triển năng lực.

Học sinh được tiếp cận với chương trình, sách giáo khoa mới kết hợp với điều chỉnh, bổ sung nội dung dạy học góp phần đạt mục tiêu thực hiện chương trình, chất lượng giáo dục nâng lên.

Ngành giáo dục Vĩnh Phúc đã cho thấy quyết tâm lớn khi thực hiện triển khai Chương trình GDPT 2018 nhưng nhiều địa phương vẫn đối diện khó khăn, thách thức, trong đó 2 nhóm vấn đề chính là về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và thiếu giáo viên. Toàn ngành giáo dục, các đơn vị trường học phải quyết liệt, quan tâm nhiều hơn nữa để tạo ra sự đổi mới mang tính tiền đề cho những năm tiếp theo.

Về đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục đã tiến hành rà soát, tuyển dụng bổ sung, bố trí sử dụng đội ngũ đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới. Đào tạo, bồi dưỡng (thường xuyên; tổ chức tập huấn...) đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện tuyển giáo viên THPT theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ngành Giáo dục chỉ đạo các cơ sở thực hiện rà soát, đánh giá lại điều kiện hiện có; xây dựng kế hoạch, lộ trình sửa chữa, nâng cấp, bổ sung đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ năm học và sẵn sàng triển khai Chương trình GDPT 2018.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh phát biểu tại buổi khảo sát về đổi mới chương trình, SGK ở Trường THPT Lê Xoay huyện Vĩnh Tường.

Giai đoạn 2015-2020, Vĩnh Phúc đã đưa vào sử dụng 2.035 phòng học, phòng học bộ môn; hàng trăm phòng học bộ môn, thư viện, phòng tin học, ngoại ngữ được trang bị hiện đại, phục vụ dạy học; công tác tu bổ, cải tạo phòng học, khuôn viên nhà trường thực hiện thường xuyên. Hầu hết các trường được kết nối mạng Internet, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; nhà vệ sinh và công trình nước sạch học đường được quan tâm xây dựng, sửa chữa.

Trên cơ sở những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ bổ sung biên chế, có giải pháp về hợp đồng giáo viên để đảm bảo đội ngũ thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt, cần chỉ đạo việc đào tạo đội ngũ giáo viên mới như Âm nhạc, Mỹ thuật bởi hiện nay Vĩnh Phúc chưa có giáo viên bộ môn này ở bậc THPT.

Riêng với Bộ GD&ĐT, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục để khuyến khích giáo viên an tâm công tác. Đồng thời, nghiên cứu quy định các định mức về sĩ số học sinh/lớp, giáo viên/lớp, diện tích phòng học, thiết bị dạy học… cấp GDPT phù hợp với điều kiện thực tế địa phương để bảo đảm triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Bên cạnh đó, đối với cơ quan địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị UBND tiếp tục quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT mới; trong quá trình thực hiện công tác truyền thông cần đúng, đầy đủ, chi tiết việc đổi mới để giúp nhân dân biết, hiểu rõ, đồng thuận, đồng hành cùng ngành giáo dục trong quá trình triển khai, thực hiện.

Tập trung tối đa nguồn lực từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh và các điều kiện bảo đảm khác để thực hiện Nghị quyết 88 đúng lộ trình, hiệu quả, chất lượng; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cở sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Theo Báo cáo kết quả giám sát, toàn ngành Giáo dục Vĩnh Phúc hiện có trên 17.300 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đối chiếu với quy định thì vẫn thiếu 4.158 cán bộ quản lý, giáo viên và 454 nhân viên. Trong đó thiếu theo biên chế giao 1.022 cán bộ quản lý, giáo viên và 56 nhân viên; thiếu theo định mức là 3.425 cán bộ quản lý, giáo viên và 348 nhân viên. Các môn tích hợp trong Chương trình GDPT 2018 gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai do chưa có giáo viên tích hợp được đào tạo chuẩn chuyên môn.

(Theo Báo Giáo dục và Thời đại)