CẦN BIỆN PHÁP MẠNH VỚI THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ - NGUY CƠ NHẮM VÀO GIỚI TRẺ

30/03/2023

Tại hội thảo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Ủy ban Xã hội tổ chức, các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã nêu rõ cần khẩn trương thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để ngăn chặn, giảm thiểu tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt trong đối tượng thanh, thiếu niên.

HỘI THẢO VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TẠI AN GIANG

Thuốc lá điện tử - nguy cơ nhắm vào giới trẻ

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua năm 2012 đã góp phần mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Qua hơn 10 năm thực hiện, tỉ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam đã giảm rõ rệt, góp phần góp phần giảm cầu thuốc lá, giảm tác hại thuốc lá, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sức khỏe người dân đồng thời cũng có tác động tích cực lên nền kinh tế.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện và phát triển của các loại thuốc lá thế hệ mới, công tác quan trọng này đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Tại hội thảo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Ủy ban Xã hội tổ chức, các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã nêu rõ, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam đang ngày một gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là ở các thanh thiếu niên.

Hội thảo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Cụ thể, theo nghiên cứu về sức khỏe thanh thiếu niên ở nhóm tuổi 13 - 17 tuổi của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử chiếm 2,6% năm 2020. Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi năm 2022: tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi là 3,5%. So với tỷ lệ năm 2019  là 2,6% theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới thì có thể thấy chỉ sau 3 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. 

Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%) (nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh năm 2020). Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng phản ánh, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang trở nên rất phổ biến trong giới trẻ với thiết kế sản phẩm hấp dẫn, tiếp thị tràn lan trên các trang mạng xã hội phổ biến của giới trẻ, sử dụng người nổi tiếng có sức ảnh hưởng tới giới trẻ để quảng cáo, giá thành lại rẻ nên rất dễ để tiếp cận đối với lứa tuổi học sinh là lứa tuổi thích tìm tòi, khám phá.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhấn mạnh, thuốc lá điện tử rất nguy hại, gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm như hô hấp, tim mạch, ung thư…, làm ảnh hưởng đến tính mạng của Nhân dân. Thuốc lá điện tử đang đầu độc Nhân dân qua hút chủ động, đặc biệt là hút thụ động. Vì vậy, đại biểu đề nghị cấm thuốc lá điện tử, không để chậm trễ, tránh phải trả giá bằng sức khỏe của Nhân dân và có thể phải tốn một khoản kinh phí khổng lồ để chấm dứt một loại hình độc hại này.

Trước thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, đại diện Tổ chức Y tế thế giới cùng nhiều chuyên gia cho rằng, cần ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá nung nóng; bảo vệ mọi người khỏi bị phơi nhiễm với khói thuốc lá nung nóng; ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này; Áp dụng các biện pháp cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ cho các sản phẩm thuốc lá nung nóng;  Kiểm soát thành phần và tỏa khói của các sản phẩm này.

Các chuyên gia quốc tế cũng khuyến nghị cần bảo vệ các chính sách và hoạt động kiểm soát thuốc lá nung nóng khỏi tác động của các lợi ích  thương mại và các lợi ích khác liên quan tới các sản phẩm thuốc lá nung nóng và ngành công nghiệp thuốc lá; Quản lý, bao gồm hạn chế hoặc cấm, khi thích hợp, việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối, trưng bày, bán và sử dụng các sản phẩm thuốc lá nung nóng, phù hợp với luật pháp quốc gia, tính đến mức độ bảo vệ cao cho sức khỏe con người; Áp dụng, khi thích hợp, các biện pháp trên đối với các thiết bị được thiết kế để tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá nung nóng.

Cần biện pháp mạnh để ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá ở giới trẻ

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm cho biết, việc cho phép loại thuốc lá mới sẽ tạo ra một loạt nguy cơ gây tăng nhanh tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá thông thường ở giới trẻ; Tăng nguy cơ tổn thương phổi cấp, ngộ độc và chấn thương do nổ pin thuốc lá mới; Lạm dụng ma túy với thuốc lá điện tử. Cùng với đó, khó có thể tránh khỏi nguy cơ thất thu thuế, do việc phân loại thiết bị thuốc lá mới thành thiết bị điện tử, dung dịch thuốc lá điện tử thì phân thành hóa chất; Nguy cơ nhiều biến tướng quảng cáo khuyến mại thuốc lá mới cả lách luật và vi phạm luật; Nguy cơ quá tải, quá khả năng về năng lực quản lý; Tràn lan sản phẩm và không phân biệt được sản phẩm hợp pháp hay buôn lậu, thật hay giả.

ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm cùng nhiều chuyên gia cho biết, hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Cần duy trì và tăng cường các qui định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán để ngăn chặn, hạn chế tiếp cận nhằm ngăn ngừa sự gia tăng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ.

ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm

Đồng thời tăng cường thực thi chống buôn lậu, quảng cáo, và bán các sản phẩm này, để giảm thiểu tối đa sự tiếp cận và sử dụng của giới trẻ. Việc hợp pháp hóa với các qui định quản lý ở các nước hiện tại đều dẫn tới tình trạng gia tăng nhanh sử dụng ở giới trẻ. Nếu cân nhắc quản lý thì cần đảm bảo có đủ năng lực về con người và kỹ thuật để đương đầu với các thách thức như đã nêu. Nếu quản lý, cần loại trừ tất cả các yếu tố hấp dẫn giới trẻ như hương vị, màu sắc. Cần quản lý hàm lượng nicotine, quản lý việc pha trộn các chất ma túy, quản lý hệ thống phân phối, in cảnh báo, cấm quảng cáo và đánh thuế cao.

Chia sẻ về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại địa phương, đại diện Sở Y tế An Giang cho biết, việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá còn một số khó khăn xuất phát từ việc tổ chức thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra còn chưa được sát sao, việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi hút thuốc tại nơi làm việc theo quy định của Luật còn chưa được quyết liệt.

Thêm vào đó, công tác phối hợp liên ngành về giám sát, thanh tra, kiểm tra chưa thực hiện rộng rãi và thường xuyên điều này một phần là do không có đủ nhân lực để thực hiện các hoạt động kiểm tra-giám sát, còn thiếu các hướng dẫn thực hiện cụ thể về người có thẩm quyền xử phạt, biện pháp xử phạt rõ ràng đối với vi phạm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc. Các hình thức xử phạt hút thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị và nơi công cộng chưa nghiêm, tính phê bình và tự phê bình chưa cao, vẫn chỉ bằng hình thức nhắc nhở.

Nhiều chuyên gia nhận định, các tồn tại, hạn chế này xuất phát từ trình độ dân trí, phong tục tập quán, nên ý thức của một số người dân còn xem nhẹ tác hại của thuốc lá; các sản phẩm thuốc lá được bày bán lén lút trong cộng đồng, giá thành rẻ,… làm cho việc mua bán, tiếp cận các sản phẩm thuốc lá tương đối dễ dàng. Cùng với đó, các sản phẩm thuốc lá điện tử được bày bán tràn lan trên mạng xã hội, với nhiều kiểu dáng bắt mắt, nhỏ gọn, thậm chí có hình dạng giống các vật dụng hàng ngày như viết... được giới trẻ rất ưa chuộng và dễ dàng che dấu gia đình, người thân mà luật chưa cập nhật, chú trọng vấn đề.

Để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được mở rộng và phát huy hiệu quả thực sự, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh vào công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các hành vi vi phạm Luật. Để thực hiện điều này, cần sự vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ của các Sở, ban, ngành, đoàn thể và của từng cá nhân. Các cơ quan, đơn vị, ngành cần quan tâm hơn nữa về nhân lực và kinh phí để hoạt động. Tăng cường việc giám sát, đánh giá hoạt động xây dựng nơi làm việc không thuốc lá; duy trì và nhân rộng mô hình “Không khói thuốc lá” tại các cơ quan hành chính, các đơn vị trường học, các cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn...

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cần có khen thưởng kịp thời với các đơn vị thực hiện tốt môi trường không thuốc lá. Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong việc giám sát, thanh tra, xử lý trong thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các địa phương.

Hồ Hương