HỘI THẢO VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TẠI AN GIANG

08/03/2023

Sáng 08/3, tại An Giang, Ủy ban Xã hội đã tổ chức Hội thảo về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hội thảo do Phó Chủ nhiệm Đỗ Thị Lan và Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong đồng chủ trì.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI BẾN TRE VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY, MẠI DÂM

Tham dự hội thảo có đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Đồng Tháp, Thái Bình, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an, Hội đồng Nhân dân các tỉnh và các ban, ngành có liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đồng chủ trì hội thảo

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Việt Nam là một trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất. Cùng với các tổn thất về sức khỏe, sử dụng thuốc lá cũng gây ra các tổn thất về kinh tế và là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tác nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ lên đến 31 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho biết, sau 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được kết quả: Tỉ lệ sử dụng hút thuốc lá chung năm 2020 giảm 0,8 % so với năm 2015, nhận thức của người dân về phòng, chống tác hại của thuốc lá được nâng lên; việc tổ chức địa điểm không hút thuốc lá, mô hình không khói thuốc đã được thực hiện rộng rãi ở nhiều nơi trên cả nước góp phần giảm cầu thuốc lá, giảm tác hại thuốc lá, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá vẫn còn một số hạn chế, một số địa phương, việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện phòng chống tác hại thuốc lá chưa thực sự được quan tâm; một số quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không còn phù hợp với thực tiễn như quy hoạch sản xuất, kinh doanh thuốc lá; một số bất cập trong thực hiện nhiệm vụ của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá; sự xuất hiện của thuốc lá thế hệ mới, chưa có quy định phù hợp; thuốc lá nhập lậu trên thị trường còn diễn biến phức tạp…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá tại địa phương; tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá; việc xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá; vấn đề mua bán, vận chuyển, sử dụng thuốc lá thế hệ mới, tác hại đến người sử dụng, đặc biệt là đối với trẻ em, chính sách pháp luật, về phòng, chống, chế tài xử phạt và quản lý nhà nước liên quan; vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá; trách nhiệm các Bộ ngành, địa phương, cơ quan đơn vị liên quan...

Nhận diện những thách thức của việc phòng chống thuốc lá trong thời gian tới, các đại biểu nhấn mạnh, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24. Các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá đốt không nóng, shisha được bán ngày càng nhiều trên mạng xã hội khiến người dùng dễ dàng tiếp cận với thuốc lá hơn. Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về việc cấp phép quản lý điểm bán hàng, thuế tiêu thụ thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp; các giải pháp can thiệp hiện nay còn tập trung nhiều vào giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá mà chưa tập trung nhiều vào giảm cung cấp các sản phẩm thuốc lá, kinh phí cho lực lượng tham gia công tác phòng, chống thuốc lá chưa phù hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu kết luận Hội thảo

Các đại biểu cũng đề xuất tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; xem xét và tiếp tục ủng hộ xây dựng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt  đối với thuốc lá để hạn chế tiêu dùng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cấm các sản phẩm thuốc lá mới; ủng hộ việc quy định chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho hoạt động phòng bệnh như tư vấn cai nghiện thuốc lá, rượu bia… trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế; có chính sách phù hợp để quản lý các điểm bán lẻ thuốc lá, quy định hướng dẫn chi tiết về cơ chế phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương, chính quyền địa phương về quy định cấm buôn bán thuốc lá ngoài cổng trường học, chế tài và xử phạt và trách nhiệm xử lý của các đơn vị có liên quan.

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, cho rằng đây sẽ là kênh thông tin quan trọng giúp Ủy ban Xã hội trong việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật trong năm 2023 theo chương trình, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về Phòng, chống tác hại của thuốc lá hại năm 2021, 2022 theo quy định.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)