Chính sách về nhà ở xã hội tại Dự thảo Luật gồm 37 Điều (từ Điều 73 đến Điều 109) quy định về: Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Hình thức phát triển nhà ở xã hội; Loại hình dự án và yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; Đất để xây dựng nhà ở xã hội; Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; Ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê; …
So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới như: Sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về: đối tượng, hình thức và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; loại hình dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; loại nhà ở xã hội; đất để xây dựng nhà ở xã hội; lựa chọn và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội;...; Bổ sung thêm các quy định về hình thức phát triển nhà ở xã hội; yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…
Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi cũng bổ sung mới các quy định (02 mục mới) về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân và nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Chính sách nhà ở xã hội cần linh hoạt
Liên quan đến chính sách về nhà ở xã hội, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nhu cầu về nhà ở xã hội của nhân dân hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, các chính sách cụ thể về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cần khéo léo, linh hoạt thay vì bắt buộc phải dành “quỹ đất 20%” với mọi dự án vừa “cào bằng”, cứng nhắc, vừa không đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi.
Với chủ trương “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng những biện pháp hữu hiệu”, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, pháp luật nhà ở nên trao quyền quyết định bố trí quỹ đất, phát triển nhà ở xã hội cho chính quyền địa phương gắn liền với công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ.
Theo đó, mỗi địa phương căn cứ nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội có toàn quyền và chịu trách nhiệm về việc sắp xếp, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong các đồ án quy hoạch, chi ngân sách hỗ trợ phát triển. Bộ Xây dựng và các cơ quan trung ương thay vì ấn định tất cả dự án phải dành “quỹ đất 20%” (giải pháp “tiền kiểm”) thì có thể thực hiện hậu kiểm việc tuân thủ và quy trách nhiệm cho các địa phương không hoàn thành mục tiêu phát triển nhà ở xã hội nói riêng, phát triển nhà ở nói chung.
“Thành công của chính sách nhà ở xã hội phải là thành công về mặt tổng thể: địa phương đáp ứng đủ nhà ở xã hội theo nhu cầu của người dân, bao gồm bố trí tập trung tại các khu đô thị nhà ở xã hội; không nên và không cần thiết đánh giá thành công về cục bộ: phải bố trí nhà ở xã hội rải rác ở mọi dự án khu đô thị…”, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh nêu quan điểm
Cho rằng, mô hình nhà ở xã hội tập trung sẽ giúp khắc phục các nhược điểm của mô hình nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% tại các khu đô thị (mô hình nhà ở xã hội truyền thống) đã bộc lộ theo thời gian, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh tán thành với mô hình các khu đô thị nhà ở xã hội tập trung như Bộ Xây dựng đề xuất là giải pháp căn bản để hoàn thiện thể chế phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ mới.
Vì vậy, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh kiến nghị, nếu được “luật hóa” trong Luật Nhà ở (sửa đổi), chính sách nhà ở xã hội tập trung sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường bất động sản, giúp khắc phục tình trạng “lệch pha” cung - cầu về nhà ở hiện nay (thừa sản phẩm trung, cao cấp nhưng thiếu nhà ở phân khúc thấp), cải thiện sinh kế của người dân và góp phần bảo đảm quyền có nơi ở hợp pháp của công dân được Hiến pháp quy định.
Ths. Nguyễn Văn Đỉnh, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Cân nhắc việc bỏ quy định dành “20% quỹ đất”
Nêu quan điểm về quy định phát triển nhà ở xã hội, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội QHPTĐT Việt Nam cho rằng, việc Bộ Xây dựng đưa ra phương án, bỏ quy định dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị mà bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, trong khi lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp…trong từng thời kỳ phải bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi vì, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22.12.2021), đã nêu “khi lập, phê duyệt quy hoạch các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để làm nhà ở xã hội”. Việc sử dụng quỹ đất 20% của hàng nghìn dự án nhà ở thương mại trên cả nước cũng là con số cần quan tâm để tạo thêm quỹ nhà ở xã hội vốn đang rất thiếu và hiếm này.
KTS. Trần Ngọc Chính bày tỏ kỳ vọng, với sự thay đổi đồng bộ thống nhất của Luật Nhà ở với các bộ luật khác sẽ là công cụ hữu ích trong quản lý điều tiết thị trường bất động sản; thúc đẩy sự phát triển nhà ở- một loại hình sản phẩm đặc biệt có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế./.