QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 16/3/2023

16/03/2023

"Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm và làm việc tại Vương quốc Tây Ban Nha, Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước..." là những hoạt động đáng chú ý của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày 16/3/2023.

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 15/3/2023

* Sáng 16/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng (CTQP) và khu quân sự (KQS). Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành Phiên họp.

Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS và cho rằng, CTQP và KQS có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự thời bình và thời chiến; là một bộ phận trong chuỗi thế trận liên hoàn phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.

Xem nội dung chi tiết tại đây: 

- CẦN THIẾT XÂY DỰNG LUẬT VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

- TỔNG THUẬT SÁNG 16/3: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

* Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, chiều 16/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục làm rõ, cụ thể hóa các nhóm chính sách như về tiếp cận vốn, vấn đề hỗ trợ cơ sở hạ tầng từ ngân sách nhà nước và dùng cơ sở hạ tầng đó để thế chấp vay vốn, chính sách bảo hiểm và các cam kết về nghĩa vụ khi tiếp cận chính sách để bảo đảm tính khả thi và sức sống của luật, đáp ứng kỳ vọng đặt ra khi sửa đổi luật.

Xem nội dung chi tiết tại đây: 

- CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CỤ THỂ HÓA CÁC CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG, BẢO HIỂM CHO HỢP TÁC XÃ BẢO ĐẢM TÍNH KHẢ THI, ĐÁP ỨNG KỲ VỌNG

- TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 16/3: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

* Ngày 15/3/2023, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường ra văn bản số 2083/TB-VPQH về việc thông báo Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Xem nội dung chi tiết tại đây: KẾT LUẬN CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI CUỘC HỌP VỚI BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MỘI TRƯỜNG VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

* Ngày 15/3, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đã đến thủ đô Madrid, bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Tây Ban Nha từ ngày 15-18/3/2023.

Trong buổi tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tây Ban Nha (PCE) Enrique Fernando Santiago Romero (Enrique Santiago), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những bước tiến tích cực trong quan hệ song phương Việt Nam - Tây Ban Nha, thể hiện qua các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian qua...

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI VƯƠNG QUỐC TÂY BAN NHA

* Chiều 16/3, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước. Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua tại Phiên họp thứ 20 ngày 28/2/2023. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì cuộc Họp báo.

Tại cuộc Họp báo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết: Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước gồm 5 chương, 21 điều. Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Kiểm toán Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là những chủ thể có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CÔNG BỐ PHÁP LỆNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

* Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” vừa ký ban hành Kết luận Phiên họp thứ 2, trong đó đã nghiêm khắc phê bình các địa phương chậm gửi báo cáo tới Đoàn giám sát.

Kết luận của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội cũng nêu rõ, tính đến ngày 10/3/2023, mặc dù đã có văn bản đôn đốc của Đoàn giám sát, nhưng vẫn có nhiều địa phương chưa có báo cáo gửi đến Đoàn giám sát. Trong đó, 12 địa phương chưa có báo cáo chung về các Chương trình mục tiêu quốc gia; 15 địa phương chưa có báo cáo về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGHIÊM KHẮC PHÊ BÌNH CÁC ĐỊA PHƯƠNG CHẬM GỬI BÁO CÁO

* Sáng 16/3, tại Tp.Hồ Chí Minh, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã làm việc với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cần Giờ. Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa chủ trì cuộc làm việc.

Thay mặt Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa ghi nhận và biểu dương nỗ lực của Trung tâm trong thực hiện đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thời gian qua và bước đầu đã đạt kết quả nhất định. Đề nghị Trung tâm bám sát hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện Chương trình tốt hơn nữa.

Xem nội dung chi tiết tại đây: GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA: BẢO ĐẢM ĐÁP ỨNG ĐỦ SỐ LƯỢNG GIÁO VIÊN DẠY HỌC

* Sáng 16/3, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì Hội thảo.

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo, đa số các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tán thành với Ban Chủ nhiệm đã chọn Đề tài này để nghiên cứu, đồng thời cho rằng, việc nghiên cứu đề tài này trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết, nhằm tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận về chính sách pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; đánh giá thực trạng quy định và thực tiễn thực hiện chính sách pháp luật trong những năm qua.

Xem nội dung chi tiết tại đây: GÓP Ý CHO ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU VỀ THÚC ĐẨY KHU VỰC KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ PHÁT TRIỂN KHI VIỆT NAM THAM GIA CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI

* Chiều 16/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh gặp mặt thiếu nhi tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, hoạt động đội và phong trào “Nghìn việc tốt” tỉnh Tuyên Quang nhân kỉ niệm 60 năm phong trào “Nghìn việc tốt”.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chúc mừng các em thiếu nhi tiêu biểu có thành tích xuất sắc tỉnh Tuyên Quang vinh dự được đến thăm Lăng Bác, Nhà Quốc hội. Nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa của phong trào “Nghìn việc tốt” đã được thực hiện qua nhiều thế hệ, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục nêu rõ, đến nay, phong trào đã phát triển rộng khắp, phát huy giá trị, tiếp tục lan tỏa, đội viên, thiếu nhi trong cả nước tiếp tục thi đua thực hiện tốt 5 Điều Bác Hồ dạy.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC NGUYỄN ĐẮC VINH GẶP MẶT THIẾU NHI TIÊU BIỂU CÓ THÀNH TÍCH XUẤT SẮC TRONG HỌC TẬP, RÈN LUYỆN TỈNH TUYÊN QUANG

* Chiều 16/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã làm việc với UBND huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ chủ trì cuộc làm việc.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ đánh giá cao báo cáo của huyện Cần Giờ đã nêu bật những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời đề nghị huyện hoàn thiện thêm báo cáo theo yêu cầu của các thành viên Đoàn giám sát...

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND HUYỆN CẦN GIỜ, TP. HỒ CHÍ MINH

* Cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 21, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dự thảo Luật cần loại bỏ các trường hợp chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư, gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai theo nghị quyết của Quốc hội. 

Giải trình, làm rõ một số nội dung tại phiên họp, đối với đề nghị nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cân nhắc quy định một Điều, khoản mang tính chất nguyên tắc bởi trên thực tế đã làm và sắp tới sẽ làm tiếp những dự án quan trọng, cấp bách quốc gia. Đồng thời khẳng định sẽ rà soát lại các trường hợp đặc biệt và chỉ định thầu để đảm bảo cụ thể rõ ràng, có quy trình và thẩm quyền, thủ tục minh bạch theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI): LUẬT HOÁ QUY ĐỊNH VỀ HẠN MỨC CHỈ ĐỊNH THẦU

* Tại phiên họp thứ 21, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Quan tâm đến nội dung này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng dự thảo Luật cần quy định cụ thể, chi tiết việc đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, làm cơ sở để xác lập quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, bao gồm các nghĩa vụ làm thủ tục và nghĩa vụ tài chính.

Theo đó, điều 48 của Dự thảo quy định về việc đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Một số chuyên gia cho rằng, đây là điều khoản hết sức quan trọng, vì vậy, cần quy định trực tiếp trong luật, mà không giao Chính phủ quy định ở cấp Nghị định, nhằm bảo đảm tính minh bạch, ổn định của pháp luật.

Xem nội dung chi tiết tại đây: QUY ĐỊNH CỤ THỂ VIỆC ĐĂNG KÝ, CẤP PHÉP KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

* Trong quá trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế liên quan đến mô hình tổ chức và quản lý của các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện. Những bất cập này phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, yế dự phòng ở các địa phương.

Những hạn chế, bất cập về việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng nêu trên đang được Quốc hội giám sát tối cao nhằm đánh giá khách quan những tồn tại, hạn chế, từ đó kiến nghị giải pháp để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Xem nội dung chi tiết tại đây: GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG: MÔ HÌNH TỔ CHỨC, QUẢN LÝ THIẾU THỐNG NHẤT

* Việc mở rộng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp là một trong mười chính sách mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, xung quanh nội dung này, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, cần rà soát, đảm bảo quy định linh hoạt cùng với việc thay đổi cách tính thuế, mức thuế suất đồng bộ hóa hệ thống pháp luật đất đai với pháp luật có liên quan để nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng đề xuất, để thuận lợi cho người sử dụng đất, nên chăng quy định quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể sử dụng đất theo từng loại đất. Quy định thời hạn chung cho mọi chủ thể sử dụng đất, mọi loại đất và quy định thời hạn sử dụng đất không theo dự án đầu tư và thống nhất theo cách phân loại các loại đất được quy định tại Điều 10 Dự thảo Luật Đất đai.

Xem nội dung chi tiết tại đây: GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): QUY ĐỊNH LINH HOẠT HẠN MỨC SỬ DỤNG ĐẤT, KẾT HỢP CHÍNH SÁCH THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT TRONG QUẢN LÝ

* Để bảo đảm sự tương thích, tránh mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột giữa Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật khác hiện hành, các chuyên gia đề nghị cần phải có những rà soát, so sánh, đánh giá kỹ lưỡng các quy định của Dự thảo Luật Đất đai với các luật khác trong hệ thống pháp luật, nhất là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư…

Theo Báo cáo kết quả rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có tới 88 luật, bộ luật hiện hành có các quy định liên quan đến dự thảo Luật Đất đai. Trong đó, mới chỉ có 04 luật đã có trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đó là Luật Đầu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Công chứng. Còn 84 luật, bộ luật liên quan khác, trong đó có 24 luật, bộ luật có các quy định chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định của dự thảo Luật Đất đai.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CẦN ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VỚI CÁC LUẬT LIÊN QUAN

* Chất vấn là một trong những hình thức giám sát quan trọng của Quốc hội. Đây cũng là nội dung nhận được sự quan tâm, theo dõi đặc biệt từ phía cử tri cả nước. 

Quan tâm tới phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra tại Phiên họp thứ 21 của UBTVQH vào ngày 20/3 tới đây, luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội kỳ vọng, các Tư lệnh ngành sẽ trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm, giải đáp một cách thỏa đáng nhằm làm rõ các vấn đề đại biểu nêu; đưa ra các phương án, giải pháp cụ thể,…

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHIÊN CHẤT VẤN ĐỐI VỚI LĨNH VỰC TÒA ÁN VÀ KIỂM SOÁT: KỲ VỌNG TƯ LỆNH NGÀNH TRẢ LỜI THẲNG THẮN, ĐƯA RA PHƯƠNG ÁN, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

* Tại Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sau khi dự thảo được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4. 

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, môi trường thể chế, quản lý nhà nước đối với phát triển htx nông nghiệp, để Hợp tác xã nông nghiệp phát triển đúng tiềm năng và lợi thế.

Xem nội dung chi tiết tại đây: GS.TS TRẦN ĐỨC VIÊN: HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT, MÔI TRƯỜNG THỂ CHẾ, QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HTX NÔNG NGHIỆP

* Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định mới so với Luật Nhà ở năm 2014 về chính sách nhà ở xã hội. Tuy nhiên, xung quanh phương án bỏ quy định dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị thay bằng bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh… vẫn còn quan điểm khác nhau.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng kiến nghị, nếu được “luật hóa” trong Luật Nhà ở (sửa đổi), chính sách nhà ở xã hội tập trung sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường bất động sản, giúp khắc phục tình trạng “lệch pha” cung - cầu về nhà ở hiện nay (thừa sản phẩm trung, cao cấp nhưng thiếu nhà ở phân khúc thấp), cải thiện sinh kế của người dân và góp phần bảo đảm quyền có nơi ở hợp pháp của công dân được Hiến pháp quy định.

Xem nội dung chi tiết tại đây: SỬA ĐỔI LUẬT NHÀ Ở: CÂN NHẮC LUẬT HÓA HAY LOẠI BỎ QUY ĐỊNH "20% QUỸ ĐẤT"

* Chiều 16/3, tiếp tục chương trình giám sát theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Lâm Đồng có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Tại cuộc làm việc, thành viên đoàn giám sát nêu câu hỏi, đặt vấn đề về một số nội dung: quản lý sử dụng điện mặt trời mái nhà có sử dụng diện tích rừng và thực hiện thay thế trồng rừng thế nào, việc quản lý sử dụng mặt nước tại một số dự án phát triển năng lượng tái tạo khác hiện nay ra sao… Đại diện các sở, ngành liên quan giải trình làm rõ một số nội dung đoàn nêu.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG

* Trong khuôn khổ giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016- 2021, đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tiếp tục có buổi làm việc với UBND huyện Tuy Phong.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông đề nghị huyện Tuy Phong làm tốt công tác quản lý năng lượng trên địa bàn, thu hút đầu tư; tăng cường công tác tuyên truyền, tranh thủ sự ủng hộ của người dân trong việc phát triển năng lượng; phối hợp các cơ quan chức năng tỉnh làm tốt công tác bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương...

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN GIÁM SÁT QUỐC HỘI TỈNH BÌNH THUẬN LÀM VIỆC VỚI HUYỆN TUY PHONG: THU HÚT ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG GẮN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Thế Hà

Các bài viết khác