QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ CƠ CHẾ XÁC ĐỊNH GIÁ ĐẤT ĐỂ TRÁNH THẤT THU NGÂN SÁCH
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Hạn mức sử dụng đất được hiểu là diện tích đất tối đa mà người sử dụng đất được sử dụng. Pháp luật quy định hạn mức giao đất, thuê đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai theo nhu cầu, mục đích, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hạn mức sử dụng đất được quy định khác nhau theo từng loại đất, địa phương, gồm hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở, hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Việc mở rộng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp là một trong mười chính sách mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), và để thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã chỉ đạo: “Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn”. Đó là, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.
Dự thảo Luật Đất đai quy định hạn mức giao đất nông nghiệp tại Điều 170, Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân tại Điều 171, còn hạn mức công nhận đất ở, còn các loại hạn mức khác như hạn mức giao đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, các loại hạn mức khác vẫn chỉ dẫn theo quy định của Chính phủ và UBND cấp tỉnh quy định cụ thể.
Theo quy định tại Điều 171 thì hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất, so với Luật Đất đai 2013 quy định không quá 10 lần hạn mức giao đất, tức được mở rộng hơn so với Luật Đất đai 2013 là 05 lần, còn đối với hạn mức giao đất vẫn giữ nguyên.
Mở rộng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp là một trong những chính sách mới tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Góp ý vào nội dung này tại Dự thảo Luật, NCS. Ngô Thị Hồng Ánh, Khoa Luật Kinh tế, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Luật Đất đai 2013 không giải thích khái niệm hạn mức sử dụng đất, tuy nhiên Dự thảo Luật Đất đai năm 2023, vẫn chưa có giải thích khái niệm hạn mức sử dụng đất, tại Khoản 3 Điều 14 quy định về quyền của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai được “Quy định hạn mức sử dụng đất gồm hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở, hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp”.
NCS. Ngô Thị Hồng Ánh kiến nghị, việc quy định hạn mức sử dụng đất là cần thiết, tuy nhiên nên quy định linh hoạt trong việc sử dụng diện tích đất, quy định diện tích sử dụng trong và ngoài hạn mức đối với tất cả các loại đất và người sử dụng đất, đặc biệt đối với hạn mức sử dụng đất nông nghiệp bằng chính sách thuế sử dụng đất. Từ đó, Dự thảo Luật Đất đai nên quy định mở rộng đối với vấn đề hạn mức sử dụng đất nói chung, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp và đất ở nói riêng, cùng với việc thay đổi cách tính thuế, mức thuế suất nhằm sửa đổi, bổ sung chính sách thuế theo quy định Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2012 để nhằm đồng bộ hóa hệ thống pháp luật đất đai với pháp luật có liên quan để nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả.
Bên cạnh đó, NCS. Ngô Thị Hồng Ánh cũng đề xuất, để thuận lợi cho người sử dụng đất, nên chăng quy định quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể sử dụng đất theo từng loại đất. Quy định thời hạn chung cho mọi chủ thể sử dụng đất, mọi loại đất và quy định thời hạn sử dụng đất không theo dự án đầu tư và thống nhất theo cách phân loại các loại đất được quy định tại Điều 10 Dự thảo Luật Đất đai.
GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Nêu quan điểm về nội dung này, GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Điểm a Khoản 2 Điều 17 “Giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với những đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giao đất để sản xuất, kinh doanh” nên bổ sung trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số được giao đất để sản xuất, kinh doanh nhưng chưa đủ hạn mức nếu có nhu cầu và địa phương có quỹ đất thì được giao thêm đất không thu tiền sử dụng đất cho đủ hạn mức.
Ngoài ra, đối với Khoản 1 Điều 171 quy định: “Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 170 của Luật này”, GS.TS. Trần Đức Viên đề nghị, cần bỏ việc quy định hạn mức nhận quyển quyền sử dụng đất để giúp người dân thuận tiện thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, đồng thời giúp họ có khả năng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì diện tích đất phải đủ lớn. Tuy nhiên, để quản lý, sử dụng đất đai được hiệu quả, cần đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp./.