Theo ông Lê Văn Hợp, Hội Luật gia Việt Nam, do có tầm quan trọng rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội nên khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng ngay từ thời kỳ đầu của quá trình đổi mới ở nước ta và luôn luôn gắn liền với vấn đề đất đai nói chung. Cho đến nay, có thể thấy rằng, việc quản lý và sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao là vấn đề được Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định tương đối đầy đủ và chi tiết nếu nhìn trên phương diện tổng thể. Khung khổ pháp lý khá hoàn chỉnh là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo điều kiện cho các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao phát triển và đóng góp có hiệu quả cho nền kinh tế đất nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và mức sống của nhân dân.
Tuy nhiên, nếu nhìn trên phương diện chi tiết, cụ thể và có xem xét tới các quy định có liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao ở những lĩnh vực pháp luật khác như pháp luật đầu tư, pháp luật quy hoạch, pháp luật bảo vệ môi trường, pháp luật năng lượng, pháp luật kinh doanh bất động sản... thì các quy định trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn có rất nhiều nội dung cần được phân tích, nghiên cứu, đánh giá mức độ phù hợp với quá trình phát triển cũng như hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Đây là công việc thường xuyên, liên tục nhằm xây dựng và ban hành các quy định về quản lý và sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao ngày một hoàn thiện hơn.
Nội dung này đã được Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xây dựng nhiều quy định với mục đích đảm bảo cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả loại đất này. Tuy nhiên, góp ý vào quy định cụ thể tại Dự thảo, Ths. NCS Lưu Trần Phương Thảo, Khoa Luật – Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, cần thống nhất sử dụng khái niệm “đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp”, không nên sử dụng khái niệm “đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp”. Bởi vì, các văn bản về quản lý, sử dụng đất khu công nghiệp đều đã khẳng định khu chế xuất là một dạng đặc biệt của khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, Ths. NCS Lưu Trần Phương Thảo kiến nghị, bổ sung quy định về thẩm quyền ra quyết định thành lập khu công nghiệp. Theo đó, pháp luật nên quy định theo hướng những khu công nghiệp được xây dựng trong phạm vi một tỉnh thì thẩm quyền ra quyết định thành lập thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, khu công nghiệp nằm trên địa bàn hai tỉnh trở lên hoặc khu công nghiệp có ý nghĩa quan trong với quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự xã hội… thì thẩm quyền ra quyết định thành lập thuộc Thủ tướng Chính phủ. Quy định như vậy góp phần đảm bảo tính phù hợp trong quy hoạch khu công nghiệp tránh tình trạng khu công nghiệp được thành lập “tràn lan” nhưng không đi vào hoạt động trong thời gian dài.
Ngoài ra, quy định tại Khoản 2 Điều 94 của Dự thảo: “Nhà nước cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất”. Quy định đó dễ gây hiểu lầm rằng chỉ có tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới được nhà nước cho thuê đất để xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Việc xác định tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong nước có được thuê đất khu công nghiệp để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hay không phải theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Theo quan điểm của Ths. Lưu Trần Phương Thảo, nếu Dự thảo đã quy định về chủ thể được quyền thuê đất khu công nghiệp nhằm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì nên liệt kê đầy đủ. Theo đó, những chủ thể đó gồm: cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trong nước và tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cũng theo Ths.NCS Lưu Trần Phương Thảo, Dự thảo cần bổ sung quy định xác định quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp được nhà nước cho thuê đất; Nhà nước cần ban hành các quy định pháp luật xác định rõ quan hệ thuê đất và thuê lại đất trong khu công nghiệp; Hoàn thiện các quy định của pháp luật về hình thức thuê lại đất trong khu công nghiệp; Bổ sung quy định về xử lý tài
Cho rằng các quy định về quản lý và sử dụng đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao của Luật Đất đai năm 2013 cần phải được quan tâm nghiên cứu một cách toàn diện, công phu và sâu sắc hơn mới có thể đáp ứng được các yêu cầu hoàn thiện đạo luật quan trọng này, ông Lê Văn Hợp, Hội Luật gia Việt Nam kiến nghị: Xác lập được chế độ pháp lý rõ ràng cụ thể và đầy đủ về chủ thể quản lý và sử dụng đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao là Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý và sử dụng đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao còn bất cập; quy định về hợp đồng có liên quan đến quản lý và sử dụng đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao cần được bổ sung.
Ngoài ra, cần lưu ý đến sự đồng bộ trong các quy định có liên quan đến quản lý và sử dụng đất tại các các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao trong các lĩnh vực pháp luật khác như Luật Đầu tư năm 2014, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường;…./.