GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): RÀ SOÁT, LÀM RÕ QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN TÀI CHÍNH ĐẤT ĐAI BẢO ĐẢM TÍNH KHẢ THI

01/03/2023

Sáng 01/3, tại Hà Nội, tiếp tục Chương trình Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH phối hợp với Hội luật gia Việt Nam tổ chức, các chuyên gia tập trung góp ý vào nhóm vấn đề cụ thể liên quan đến vấn đề về tài chính đất đai, bồi thường hỗ trợ tái định cư,... Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, TS.Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

TẬP TRUNG NGUỒN LỰC TỔ CHỨC HỘI THẢO, NGHIÊN CỨU CHUYÊN ĐỀ PHỤC VỤ CÁC DỰ ÁN LUẬT TRÌNH QUỐC HỘI

Toàn cảnh Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy; đại diện các Chi hội luật gia Bộ, Ban, ngành Trung ương; các luật gia là chuyên gia, nhà khoa học; Hội Luật gia các tỉnh, thành phố và một số cơ quan, tổ chức hữu quan;…

Quy định về tái định cư phải đầy đủ, phù hợp, đảm bảo tính khả thi

Góp ý tại Hội thảo liên quan đến nội dung về tái định cư, PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật Đất đai năm 2023 về cơ bản đã phù hợp với thực tiễn tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, để các quy định về tái định cư được đầy đủ, phù hợp, có tính khả thi hơn, cần tiếp tục sửa đổi bổ sung và hoàn thiện một số vấn đề như: Bổ sung vào Điều 106: “Ủy ban nhân dân cấp xã tham gia tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư”; Bổ sung thêm một điều khoản: “phải tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu kỹ dự án tái định cư để đảm bảo an toàn sống cho các hộ gia đình và cá nhân”; nghiên cứu lại quy định về khu tái định cư hoặc sửa đổi khu tái định cư: "Phải phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền mà pháp luật thừa nhận";...

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý cũng kiến nghị, cần làm rõ nội hàm cộng đồng dân cư. Cụ thể, cần phải quy định, có bao nhiêu hộ gia đình, có bao nhiêu số dân, và diện tích đất bao nhiêu thì mới được gọi là “cộng đồng dân cư” bởi quy định như Dự thảo sẽ rất khó thực hiện trên thực tế. Đặc biệt là gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thu hồi đất, bởi không biết căn cứ vào đâu để xác định cộng đồng dân cư; hoặc có thể có một nhóm người sẽ khiếu kiện cho rằng đất của họ được bồi thường tái định cư trong trường hợp đặc biệt, vì họ lập luận nhóm người bị thu hồi đất là một cộng đồng dân cư nên phải bồi thường theo chế độ riêng mà pháp luật đã quy định.

 PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

Nêu quan điểm về nội dung này, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Tp.HCM Ung Thị Xuân Hương cho rằng, dù luôn được quan tâm và chú trọng nhưng hiện trong Dự thảo Luật vẫn còn nhiều quy định chưa rõ ràng, hoàn chỉnh, chưa nhận được sự nhất trí cao.

Do đó, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Tp.HCM đề xuất khi quyết định thu hồi đất cần có sẵn phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, từ đó giúp đồng bộ các khâu và tiến trình được trôi chảy. Đồng thời cũng tránh để xảy ra tình trạng thu trước rồi mới lên phương án bồi thường khiến quá trình thu hồi bị kéo dài.

Bên cạnh đó, nơi tái định cư mới cần đảm bảo bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nơi ở mới không những cần đảm bảo tốt hơn mà còn phải đảm bảo đầy đủ kế sinh nhau cho người dân đồng thời, cần đào tạo nghề để người dân có nghề nghiệp ổn định,...

Phương pháp định giá đất cần quy định ngay trong Luật

Quan tâm tới quy định về giá đất, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến nhấn mạnh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã xây dựng chế định giá đất khá hoàn thiện (bỏ khung giá đất của Chính phủ, chỉ sử dụng bảng giá đất và giá đất cụ thể để điều tiết nguồn lợi từ đất đai, định giá đất được tiệm cận gần hơn với nguyên tắc thị trường, nâng cao chất lượng công tác định giá đất). Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa thể chế đầy đủ chính sách giá đất theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, đặc biệt là vấn đề định giá đất, tính độc lập và nâng cao năng lực của Hội đồng thẩm định giá đất, tổ chức tư vấn xác định giá đất; định giá viên.

Theo Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến cần phải làm rõ tiêu chí các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất là yếu tốt gì? Nếu quy định mang tính định tính như dự thảo Luật sẽ rất khó thực hiện, áp dụng không thống nhất.

Liên quan đến phương pháp định giá đất, Dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định phương pháp định giá đất là chưa hợp lý. “Phương pháp định giá đất phải quy định ngay trong Luật mới đảm bảo căn cứ cho các cơ quan định giá đất xây dựng bảng giá đất và giá đất cụ thể. Phương pháp định giá đất giao cho Chính phủ quy định không đáp ứng yêu cầu thực tiễn về định giá đất...”, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến kiến nghị.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến cũng lưu ý, để tăng tính dân chủ và độc lập tương đối của Hội đồng thẩm định bảng giá đất, giá đất cụ thể, Ban soạn thảo cần rà soát giảm bớt thành viên Hội đồng thẩm định bảng giá đất, giá đất cụ thể là đại diện các Sở ở cấp tỉnh và các phòng ở cấp huyện; bổ sung vào Hội đồng thẩm định bảng giá đất và giá đất cụ thể một số thành viên đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân…

Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến

Chia sẻ vấn đề giá đất, ThS. Phương Hữu Oanh, nguyên Kiểm soát viên của VKSND Tối cao đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu và làm rõ phương pháp xác định giá đất. Hiện nay, thực trạng giá đất đang rất ảo khi giá thực khác, giá ngoài khác nhằm mục đích trốn thuế. Đồng thời, khi trao đổi mua bán đất lại giao dịch bằng tiền mặt nên chưa thể xử lý rõ. Vì vậy, ThS. Phương Hữu Oanh đề xuất cần hình thành sàn bất động sản để quy định chung về giá, người mua và người bán có thể khảo giá qua sàn tránh việc mua bán, chuyển nhượng ảo và Nhà nước có thể kiểm soát ngân sách.

“Phương pháp xác định giá đất chưa đặt vấn đề trong trường hợp giá đóng băng. Có những phiên đấu giá được tổ chức không có người tham gia, nên cần đưa trường hợp này vào để xử lý. Quy định hiện nay tương đối nhiều nhưng chỉ phản ánh hình thức chứ chưa xác định về vấn đề xã hội....”, ThS. Phương Hữu Oanh nêu ý kiến.

Ở khía cạnh khác, không đồng tình với việc bỏ khung giá đất thay bằng bảng giá đất, Luật sư Vũ Xuân Nam, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Việt – Trung Asean cho rằng, bảng giá đất là giá đất cố định, còn khung giá đất mới là sự điều chỉnh mềm dẻo.

Theo Luật sư Vũ Xuân Nam, thị trường phải mềm dẻo, chứ không thể cố định được. “Hai mảnh đất cạnh nhau, một mảnh đất “thoát hậu” và “nở hậu” khác nhau rồi, bảng giá đất là bằng nhau vì cùng vị trí, nhưng thị trường sẽ điều chỉnh đất “thoát hậu” giá sẽ rất thấp hơn giá bên cạnh. Nếu là khung giá đất thì có thể điều chỉnh được, còn nếu là bảng giá đất thì không điều chỉnh được”, LS. Nam đưa ra dẫn chứng. Vì vậy, Luật sư kiến nghị để khung giá đất và bỏ bảng giá đất.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia còn góp ý vào nhiều nội dung cụ thể khác của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: vấn đề đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Hạn mức sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất;...

Phát biểu bế mạc, TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đánh giá cao kết quả và ý nghĩa mà Hội thảo mang lại. Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, qua 2 Phiên hội thảo với không khí khẩn trương, sôi nổi đã có 24 bài phát biểu về mọi khía cạnh của Luật Đất đai (sửa đổi) như: tài chính đất đai, giá đất, quyền sử dụng đất, vấn đề thu hồi đất, bồi thường và tái định cư;…Bày tỏ mong muốn các quy định của pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn tại Việt Nam và xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đất nước, TS. Trần Công Phàn nhấn mạnh, Ban Tổ chức sẽ tập hợp đầy đủ, toàn diện các ý kiến góp ý để phản ánh tới các cơ quan chức năng, góp phần tích cực vào quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)./.

Lê Anh