LẤY Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)
Chiều ngày 01/3, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số Bộ, ngành liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học.
Toàn cảnh Hội thảo Lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Luật Tài nguyên nước được Quốc hội khóa XI thông qua năm 1998, được sửa đổi lần 1 vào năm 2012, gồm 10 chương và 79 điều. Sau 10 năm triển khai, Luật đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập như: Một số quy định còn có sự giao thoa, chồng chéo với các Luật mới ban hành gần đây; quản lý tài nguyên nước chưa tiếp cận ở góc độ quản trị nước; thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước; thiếu cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa và cơ chế khuyến khích, cũng như chế tài sử dụng nước tiết kiệm...
Tại Nghị quyết số 50/2022 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về bổ sung Luật Tài nguyên nước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 5 và dự kiến thông qua vào kỳ họp 6 năm 2023.
Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội theo Tờ trình số 37/2023 ngày 17/2/2023 gồm 10 chương và 88 điều, cơ bản vẫn giữ nguyên số chương như Luật Tài nguyên nước năm 2012; cụ thể giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 62 điều, bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều.
GS.TS. Mai Trọng Nhuận - nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào các vấn đề: An ninh nguồn nước và đảm bảo hành lang an toàn, khả năng hồi phục của tài nguyên nước; Quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển tài nguyên nước; quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển tài nguyên nước...
Giáo sư Mai Trọng Nhuận- nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: An ninh nguồn nước và đảm bảo hành lang an toàn, khả năng hồi phục của tài nguyên nước đã được Cơ quan soạn thảo lồng ghép xuyên suốt trong các Chương từ Quy hoạch; Bảo vệ tài nguyên nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng như phòng chống, giảm thiểu tác hại do nước gây ra là khá logic, nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước.
Ngoài ra, phần lớn các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập theo Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toan đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã được lồng ghép và luật hóa trong các nội dung của Luật Tài nguyên nước sửa đổi lần này. Ví dụ mục tiêu nêu trong Kết luận số 36 đã được đề cập trong Luật Tài nguyên nước: Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Chủ động tích trữ, điều hoà nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm hoạ, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Tuy nhiên, Giáo sư Mai Trọng Nhuận đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung làm rõ hơn định nghĩa, nội hàm và các yếu tố đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, sử dụng thống nhất thuật ngữ an ninh nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước (như Hội Cấp thoát nước đã nêu); làm rõ hơn tiếp cận bảo đảm an ninh nguồn nước trong khai thác, phân phối, sử dụng, bảo vệ, quản lý tài nguyên nước (hiện nay tiếp cận đảm bảo an ninh chưa thật đạm nét); Thực hiện Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về “Sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, địa phương; rà soát, thống nhất đơn vị quản lý, khai thác thuỷ lợi vùng, quốc gia”, bổ sung đầy đủ các bên liên quan đảm bảo an ninh nguồn nước, cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp và trách nhiệm của từng Bộ, địa phương các cấp (các quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn, ràng buộc và rõ ràng trách nhiệm các biên liên quan, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước nói chung, an ninh nguồn nước sinh hoạt nói riêng…). Đảm bảo thống nhất các luật liên quan vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước giữa Luật chính là Luật Tài nguyên nước và các quy định của các Luật khác có liên quan.
Khai thác phải gắn liền với bảo vệ phục hồi tài nguyên nước; ưu tiên ngân sách và huy động xã hội hóa để phục hồi nguồn nước
Cho ý kiến về quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển tài nguyên nước, TS.Hoàng Văn Thắng- Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam đề xuất: Trước hết phải tuân thủ nguyên tắc quản lý tổng hợp và quản lý thống nhất theo lưu vực sông, nguyên tắc nước là hàng hóa, người sử dụng nước và người xả nước thải phải trả tiền trong điều hành phải theo nguyên tắc công bằng: thượng và hạ nguồn, giữa các chủ thể tham gia nên bổ sung nguyên tắc khai thác phải gắn liền với bảo vệ phục hồi tài nguyên nước; nguyên tắc lồng ghép rủi ro thiên tai, do nước gây ra vào quy hoạch, kế hoạch; quy hoạch kế hoạch phải dựa trên cơ sở khoa học, dự báo đánh giá tác động dài hạn do phát triển và biến đổi khí hậu tới tài nguyên nước.
TS.Hoàng Văn Thắng - Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Đối với chính sách của nhà nước về tài nguyên nước, TS.Hoàng Văn Thắng khuyến nghị nên nhấn mạnh ưu tiên ngân sách Nhà nước và huy động xã hội hóa để phục hồi nguồn nước. Các nước trên thế giới đã và đang dành nguồn kinh phí lớn cho phục hồi nguồn nước. Ví dụ như Hàn Quốc có dự án 4 sông lớn, Hà Lan dành không gian cho nước, Nhật Bản thì nâng cao khả năng chống lũ và xả trầm tích ở Việt nam: Sông Hồng bị suy thoái làm giảm năng lực hệ thống thủy lợi, giảm hiệu quả thủy điện và ô nhiễm môi trường nước.
Đưa ra quan điểm về phát triển nguồn nước, GS.TS Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, trong Luật Tài nguyên nước không có nội dung phát triển nguồn nước, không đề cập đến xây dựng công trình để phát triển nguồn nước và điều hoà dòng chảy, không nói đến quản lý công trình Thuỷ lợi sau khi đã xây dựng. Như vậy khó có thể hoàn thành nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước.
GS.TS Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo GS.TS Đào Xuân Học, thực tế hơn 20 năm qua cho thấy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã không thực hiện được vai trò điều phối trong lĩnh vực tài nguyên nước của mình và sẽ mãi mãi không làm được việc này nếu cứ để tình trạng chồng chéo, trùng lặp như hiện nay. Một điều làm được rõ nhất là cấp phép lấy nước cho các công trình đã được xây dựng từ trước, thậm chí cách đây đã 100 năm. Lý thuyết khoa học và thực tiễn đã cho thấy, không thể tách rời quản lý tài nguyên nước với quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Phát biểu Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Sau 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội thảo đã nhận được 22 ý kiến đóng góp của các lãnh đạo đại diện các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học. Những ý kiến đóng góp đều tập trung vào các nội dung trọng tâm cần thiết để sửa đổi Luật Tài nguyên nước được tốt hơn như: Phạm vi điều chỉnh của Luật; An ninh nguồn nước và đảm bảo hành lang an toàn, khả năng hồi phục của tài nguyên nước; Quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển tài nguyên nước; quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển tài nguyên nước; Bảo vệ môi trường nước dưới đất; Cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt; Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước; Pân định rõ vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước cần chi tiết, cụ thể...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu Kết luận Hội thảo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, tất cả những ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước sẽ được cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến trong Kỳ họp thứ 5 tới./.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Toàn cảnh Hội thảo Lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại Hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam đề cập về sửa đổi tên gọi của Luật Tài nguyên nước và cho ý kiến về công tác xã hội hóa để có thêm nguồn thu từ cung cấp nước.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghệ cá Việt Nam nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước phải thể chế hóa được Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về “Sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, địa phương; rà soát, thống nhất đơn vị quản lý, khai thác thuỷ lợi vùng, quốc gia”.
Ông Triệu Việt Hưng - Viện nước sạch Hà Nội nêu ý kiến về việc đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân.
Ông Bùi Nam Sách - Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu Kết luận Hội thảo và cho biết, tất cả những ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước sẽ được cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến trong Kỳ họp thứ 5 tới./.