TẬP TRUNG NGUỒN LỰC TỔ CHỨC HỘI THẢO, NGHIÊN CỨU CHUYÊN ĐỀ PHỤC VỤ CÁC DỰ ÁN LUẬT TRÌNH QUỐC HỘI

30/01/2023

Theo TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Viện tập trung triển khai trong năm 2023 là tập trung nguồn lực, để tổ chức các hội thảo/tọa đàm, nghiên cứu chuyên đề phục vụ các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp của Quốc hội và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua

GS.TS VƯƠNG ĐÌNH HUỆ - CHỦ TỊCH QUỐC HỘI: VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP PHÁT HUY HƠN NỮA HIỆU QUẢ VỊ THẾ CƠ QUAN THAM MƯU CHÍNH SÁCH

GS.TS Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã tới thăm, chúc Tết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu lập pháp nhân dịp đầu xuân Quý Mão năm 2023.

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn tại buổi gặp mặt đầu xuân chiều 27/1, TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nêu rõ, năm 2022, là năm đầu tiên Viện Nghiên cứu lập pháp thực hiện Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 ngày 29/9/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp - năm đầu tiên Viện Nghiên cứu lập pháp thực hiện rất nhiều chức năng, nhiệm vụ chuyên môn mới, cơ chế tài chính và các điều kiện bảo đảm khác được quy định rõ ràng, được tháo gỡ, cơ bản được áp dụng thực hiện có hiệu quả trên thực tế; tổ chức bộ máy bên trong được cơ cấu, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; công tác nhân sự cơ bản được kiện toàn; chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được bảo đảm. Môi trường và mối quan hệ công tác của Viện Nghiên cứu lập pháp dần đi vào ổn định, khơi dậy tinh thần đoàn kết nội bộ, hợp tác và chia sẻ lẫn nhau tạo động lực tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, với tinh thần đoàn kết, nhất trí và nỗ lực phấn đấu của cả tập thể, về cơ bản, Viện Nghiên cứu lập pháp đã hoàn thành tốt, đúng tiến độ kế hoạch công tác được đặt ra.

Đối với những công việc phát sinh, đột xuất được Lãnh đạo Quốc hội giao trực tiếp, cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, Viện Nghiên cứu lập pháp đã triển khai nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu một cách bài bản, nghiêm túc, cung cấp thông tin có chất lượng phục vụ Lãnh đạo Quốc hội, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, kỳ họp thứ 3, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Phiên họp thứ 7, 8, 9, 10, 14, 15 và 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Công tác nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học, tài chính và các nhiệm vụ chuyên môn khác đều được đẩy mạnh, triển khai thực hiện theo đúng tiến độ, đúng quy định. Kết quả hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp được lãnh đạo Quốc hội, hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội được ghi nhận, đáp ứng tốt yêu cầu công việc được giao.

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập

Điểm qua một số kết quả nổi bật trong năm 2022, TS. Nguyễn Văn Hiển cho biết, được sự tin tưởng của Đảng đoàn Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã thực hiện 10 nhiệm vụ phục vụ Đề án, nhiệm vụ quan trọng và nhiều báo cáo phục vụ theo yêu cầu của Lãnh đạo Quốc hội; báo cáo nghiên cứu theo yêu cầu của Đại biểu Quốc hội. Hầu hết các sản phẩm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lập pháp đều được các cấp lãnh đạo ghi nhận, đánh giá tích cực trên phương diện chuyên môn, tính khoa học, tính phản biện và tính độc lập, khách quan.

Hoạt động nghiên cứu khoa học lập pháp, tổ chức thông tin khoa học lập pháp phục vụ kỳ họp của Quốc hội/phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, trên tinh thần phục vụ “từ sớm, từ xa” hoạt động lập pháp của Quốc hội, theo sát các dự án luật từ khi soạn thảo cho đến khi Quốc hội thông qua. Số lượng các chuyên đề được duy trì để mỗi dự án luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều được nghiên cứu, có ít nhất từ 02 đến 03 chuyên đề phục vụ. Chất lượng các sản phẩm được chú trọng, cải thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu, yêu cầu và nhận được sự phản hồi, đánh giá tính cực từ phía lãnh đạo Quốc hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và đại biểu Quốc hội. Bên cạnh việc tham gia đóng góp các sản phẩm nghiên cứu chuyên đề, cung cấp thông tin chuyên đề phục vụ hoạt động lập pháp của Quốc hội, năm 2022 là năm đầu tiên Viện Nghiên cứu lập pháp tham gia thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Năm 2022, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức 29 hội thảo/tọa đàm đóng góp ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết; 19 hội thảo phối hợp với Ban Chủ nhiệm đề tài triển khai theo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; khoảng 200 lượt chuyên gia tham gia viết tham luận hội thảo/tọa đàm, đóng góp ý kiến phản biện đối với các nhiệm vụ nhiệm vụ khoa học; biên tập 01 kỷ yếu hội thảo; nghiên cứu, cung cấp 57 chuyên đề phục vụ các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các nhiệm vụ được thực hiện nghiêm túc, bài bản, kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu và đã nhận được sự ghi nhận, đánh giá tích cực trên phương diện chuyên môn, tính khoa học, tính phản biện và tính độc lập, khách quan, có sự đóng góp nhất định vào việc xây dựng chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, hoạt động chung của Quốc hội….

Bên cạnh đó, năm 2022, Viện đã có những bước đi quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý khoa học bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nghiên cứu, thực hiện công tác quản lý một cách chủ động. Cũng trong năm 2022, các ấn phẩm xuất bản của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã được thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, từng bước nâng cao chất lượng lý luận và thực tiễn; Viện đã ký kết 02 chương trình hợp tác giai đoạn 2021 - 2026 với Hội Luật gia Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội;…

Liên quan đến phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp khẳng định, Viện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, như sau:

Một là, nghiên cứu đột xuất theo yêu cầu của Đảng đoàn Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề nghị phối hợp của các cơ quan của Quốc hôi, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Đặc biệt tập trung xây dựng kế hoạch triển khai nghiên cứu nhiệm vụ khoa học cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”; Tham gia Đề tài thuộc chương trình trọng điểm quốc gia “Mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong tình hình mới” do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì; Tham gia thực hiện các nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Trung ương 5, 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng theo sự phân công của Đảng đoàn Quốc hội (đặc biệt là các nội dung liên quan đến hoàn thiện thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030, tầm nhìn 2045; sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các đạo luật liên quan khác trình kỳ họp thứ 5, 6 Quốc hội khóa XV)

Hai là, tiếp tục triển khai linh hoạt các hình thức tổ chức hội thảo/tọa đàm, kết hợp cả tổ chức hội thảo truyền thống và hội thảo trực tuyến; chủ động tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức (Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội luật gia, Liên đoàn Luật sư, các cơ sở đào tạo luật, các tổ chức tư vấn pháp luật uy tín…), các chuyên gia uy tín, giàu kinh nghiệm để tổ chức các hội thảo/tọa đàm, nghiên cứu chuyên đề phục vụ các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 5, thứ 6 của Quốc hội và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua trong năm 2023.

Tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác tiếp nhận, xử lý yêu cầu hỗ trợ thông tin từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Trong đó tập trung vào triển khai một số giao thức kết nối, truyền tải thông tin trên nền tảng công nghệ 4.0; tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển hướng từ tuyên truyền, cung cấp thông tin theo phương thức truyền thống sang phương thức trên không gian mạng và nền tảng số.

Ba là, tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ trì và chủ quản, đôn đốc các cơ quan liên quan, chủ nhiệm đề tài thuộc nhóm năm 2022-2023 bảo đảm thực hiện đúng tiến độ; phối hợp với các đơn vị hữu quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Quốc hội trong công tác quản lý khoa học để xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu cho giai đoạn 2024-2025, 2025-2026 và chủ động chuẩn bị nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học trong các cơ quan của Quốc hội sẽ thực hiện từ năm 2023; tổ chức phục vụ các phiên họp của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giúp Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức các hội thảo khoa học lớn, liên quan đến các dự án luật quan trọng; ….

Tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động hợp tác quốc tế, chú trọng phát huy mối quan hệ với các đối tác truyền thống của Viện Nghiên cứu lập pháp; tăng cường mối quan hệ phối hợp với các viện, trường, cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong nước để chia sẻ kinh nghiệm, nguồn dữ liệu khoa học.

Bốn là, xuất bản ấn phẩm in Tạp chí Nghiên cứu lập pháp định kỳ, bảo đảm chất lượng, đúng tôn chỉ mục đích. Thực hiện cập nhật thông tin, bài viết, văn bản pháp luật lên Trang thông tin điện tử của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (website: lapphap.vn). Chú trọng, ưu tiên đặt và đăng tải những bài viết tập trung vào các vấn đề: hoàn thiện các chính sách liên quan đến hoạt động lập pháp; hội nhập quốc tế; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và phòng, chống tội phạm; cải cách tư pháp, cải cách hành chính; kinh nghiệm quốc tế về lập hiến, lập pháp, tổ chức bộ máy nhà nước...

Lan Anh - Phạm Thắng

Các bài viết khác