QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 22/02/2023

22/02/2023

"Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Đảng Đoàn Quốc hội ký ban hành Kế hoạch Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử; Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND Tp.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên; Sở Tài chính, Sở Y tế và UBND TX.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh..." là những hoạt động đáng chú ý của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong ngày 22/02/2023.

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 21/02/2023

 

*Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 13/02/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 729/NQ-UBTVQH15, Nghị quyết số 727/NQ-UBTVQH15, Nghị quyết số 730/NQ-UBTVQH15, Nghị quyết số 722/NQ-UBTVQH15,…. về việc thành lập các xã, phường, thị trấn và chia tách địa giới một số các đơn vị hành chính… thuộc các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Trà Vinh, Thái Nguyên…

Xem nội dung chi tiết tại đây: NGHỊ QUYẾT SỐ 729/NQ-UBTVQH15 CỦA UBTVQH VỀ THÀNH LẬP THỊ TRẤN HOÁ THƯỢNG VÀ NHẬP XÃ QUÂN CHU VÀO THỊ TRẤN QUÂN CHU, TỈNH THÁI NGUYÊN

* Thay mặt Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội vừa  ký ban hành Kế hoạch Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023). Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu nội dung chính của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM NĂM 1943 – VĂN KIỆN CHÍNH THỨC ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG VỀ VĂN HÓA

* Sáng 22/02, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao kết quả triển khai xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử trong thời gian qua. Cho rằng đây là nội dung mới, khó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất một số định hướng cho thời gian tới nhằm kế thừa những kết quả trong thời gian vừa qua, đồng thời bắt kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là khi chuyển đổi số đang là xu thế.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ

* Năm 2023 Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề: “Việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Đây là một trong 2 chuyên đề giám sát tối cao được Quốc hội lựa chọn. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội giới thiệu tóm lược một số hoạt động đã triển khai và kế hoạch giám sát thời gian tới.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TIẾN ĐỘ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT ''VIỆC HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19; VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG''

* Một trong 13 nhiệm vụ và quyền hạn quan trọng của UBTVQH là giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND. Đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, với những đổi mới mạnh mẽ trong công tác này, đã đưa đến chuyển biến tích cực, góp phần giúp HĐND các địa phương hoạt động ngày càng thực chất và hiệu quả hơn.

Tại Điều 74, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ UBTVQH có thẩm quyền giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND. Trên cơ sở đó, qua các nhiệm kỳ Quốc hội, hoạt động giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới, tăng cường gắn kết để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN MANG DẤU ẤN ĐẬM NÉT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

* Sáng 22/02, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thuý Anh dẫn đầu đã làm việc với UBND TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh đánh giá TP. Hưng Yên là một trong những địa phương đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, qua thanh tra, kiểm toán cho thấy, việc huy động, quản lý sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid - 19 đã bảo đảm theo đúng quy định. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị UBND TP. Hưng Yên bổ sung, hoàn thiện báo cáo, nhất là những các vấn đề được Đoàn giám sát đã đặt ra. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND THÀNH PHỐ HƯNG YÊN, TỈNH HƯNG YÊN

* Chiều 22/02, hai tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai dẫn đầu đã làm việc với Sở Tài chính, Sở Y tế và UBND thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Ghi nhận Sở Tài chính và Sở Y tế đã có nhiều nỗ lực trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Tổ công tác đề nghị hai Sở cần rà soát, bổ sung thêm số liệu dẫn chứng cụ thể trong báo cáo, đồng thời, báo cáo thêm về tình trạng vaccine, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm… phục vụ phòng chống dịch đến thời điểm hiện tại được quản lý, sử dụng như thế nào...

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI SỞ TÀI CHÍNH, SỞ Y TẾ VÀ THỊ XÃ TRẢNG BÀNG, TỈNH TÂY NINH

* Ngày 22/02, Đoàn Khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn, đã khảo sát thực tế Sư đoàn 5, Quân khu 7 đóng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (CTQP và KQS).

Khảo sát thực tế tại đơn vị, các thành viên Đoàn khảo sát quan tâm đến những vướng mắc về thể chế pháp luật trong việc quản lý, sử dụng CTQP và KQS. Là Sư đoàn đủ quân, quản lý địa bàn rộng, đơn vị cần quan tâm đến việc bảo vệ ranh giới đất quốc phòng; phối hợp với chính quyền địa phương trong việc cấp GCN quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, di dời các hộ dân ra xa hành lang để bảo vệ an toàn cho khu quân sự...

Xem nội dung chi tiết tại đây: QUY HOẠCH, BẢO ĐẢM VÀNH ĐAI AN TOÀN ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG

* Năm 2022 với sự vào cuộc tích cực của UBTVQH, hoạt động của HĐND đã đạt được nhiều kết quả tích cực với những chuyển biến mạnh mẽ, nhất là hoạt động giám sát ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn… Đạt được thành tựu này, theo đánh giá của đại diện Hội đồng nhân dân một số tỉnh, thành phố là do UBTVQH đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân…

Đây thực sự là “cẩm nang”, để thống nhất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, khắc phục được một số hạn chế, vướng mắc, lúng túng trong thực tiễn giám sát của HĐND hiện nay.

Xem nội dung chi tiết tại đây: NGHỊ QUYẾT 594/NQ-UBTVQH15: PHÁT HUY HIỆU QUẢ TRONG THỰC TIỄN – NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HĐND

* Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 một lần nữa khẳng định, dưới sự chỉ đạo và tăng cường hướng dẫn của UBTVQH, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các địa phương ngày càng hiệu quả, thực chất, bám sát với thực tiễn với mục đích cao nhất là đảm bảo quyền lợi ích chính đáng cho Nhân dân.

Sau khi UBTVQH ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND đã thống nhất, chuẩn hóa hoạt động giám sát, khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong giám sát của Hội đồng nhân dân; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Xem nội dung chi tiết tại đây: NGHỊ QUYẾT 594: “CẨM NANG” THÁO GỠ VƯỚNG MẮC CHO HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC ĐỊA PHƯƠNG

* Đề cập đến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, đợt giám sát lần này có nhiều điểm mới, đặc thù so với trước đây, trong đó sẽ giám sát đồng thời cả 3 CTMTQG, thay vì trước đây chỉ tiến hành giám sát từng chương trình. Báo cáo kết quả giám sát sẽ là báo cáo chung của cả 3 Chương trình.

Về phối hợp thực hiện kế hoạch giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị Ủy ban Dân tộc bám sát Kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã được ban hành để chuẩn bị báo cáo và cử người tham gia phối hợp với Tổ Công tác phục vụ Đoàn giám sát khi được mời.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC NGUYỄN LÂM THÀNH: GIÁM SÁT THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA CÓ NHIỀU ĐIỂM MỚI SO VỚI TRƯỚC ĐÂY

* Thời gian vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy mạnh và đạt được nhiều thành tựu tích cực. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là công việc không chỉ làm trong “một sớm, một chiều” mà đòi hỏi phải làm một cách kiên trì, bền bỉ, bài bản, nhân văn, có tình, có lý và đảm bảo sức thuyết phục.

Quan tâm đến vấn đề này, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Xem nội dung chi tiết tại đây: GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG CẦN ĐƯỢC TIẾN HÀNH KIÊN TRÌ, BỀN BỈ, BÀI BẢN, NHÂN VĂN

* Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một trong 09 nội dung trọng tâm của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến Nhân dân. Đánh giá cao những điểm mới được sửa đổi, bổ sung lần này, tuy nhiên, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, cần cụ thể hóa về điều kiện, tiêu chí, nội hàm thu hồi đất nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích chính đáng của các bên liên quan….

Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến Nhân dân liên quan đến vấn đề về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là sửa đổi thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: QUY ĐỊNH RÕ ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHÍ, NỘI HÀM THU HỒI ĐẤT – ĐẢM BẢO TỐT NHẤT LỢI ÍCH CHÍNH ĐÁNG CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN

* Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi luật cần đảm bảo quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước của các nhân, tổ chức.

Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc ghi nhận quyền tài sản đối với quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước của các cá nhân, tổ chức trong Dự thảo hiện còn rất yếu. Dự thảo mới chỉ quy định tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước còn được chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Chính phủ...

Xem nội dung chi tiết tại đây: SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC: ĐẢM BẢO QUYỀN KHAI THÁC SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC CỦA CÁC NHÂN, TỔ CHỨC

* Thế chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, một số chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 vừa là nhu cầu tự thân, vừa là yêu cầu khách quan của công cuộc phát triển kinh tế tập thể của nước ta; sửa luật cần tạo ra hành lang pháp lý “đủ thông thoáng” để phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các hợp tác xã.

Hợp tác xã được xác định là tổ chức kinh tế tập thể hoạt động bình đẳng với các loại hình kinh tế khác trong nền kinh tế. Đến năm 2012, Luật Hợp tác xã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu và tình hình mới, nhờ vậy khu vực kinh tế hợp tác xã trong cả nước có chuyển biến tích cực, từng bước đổi mới về tổ chức và hoạt động, thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường.

Xem nội dung chi tiết tại đây: SỬA ĐỔI LUẬT CẦN TẠO RA HÀNH LANG PHÁP LÝ “ĐỦ THÔNG THOÁNG” ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, NÒNG CỐT LÀ CÁC HỢP TÁC XÃ

* Quan tâm đến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tổ chức lấy ý kiến Nhân dân rộng khắp trên phạm vi cả nước, Luật sư Nguyễn Văn Việt, Đoàn luật sư Tp.Hà Nội cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định rõ các nội dung ưu tiên áp dụng Luật Đất đai trong trường hợp có sự khác biệt với các luật có liên quan.

Luật Đất đai được sửa đổi nhằm bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN VIỆT: QUY ĐỊNH RÕ CÁC NỘI DUNG ƯU TIÊN ÁP DỤNG LUẬT ĐẤT ĐAI TRONG TRƯỜNG HỢP CÓ SỰ KHÁC BIỆT VỚI CÁC LUẬT CÓ LIÊN QUAN

* Chiều 22/02, tại Nhà Quốc hội, Khối thi đua III, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Văn phòng Quốc hội tổ chức Lễ ký kết Giao ước thi đua năm 2023.

Tại buổi lễ, sau khi thảo luận và thông qua Kế hoạch tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng năm 2023 và Giao ước thi đua năm 2023, đại diện các đơn vị trong Khối thi đua III đã Ký kết giao ước thi đua năm 2023.

Xem nội dung chi tiết tại đây: KHỐI THI ĐUA III - VĂN PHÒNG QUỐC HỘI KÝ KẾT GIAO ƯỚC THI ĐUA NĂM 2023

* Thời gian qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh không ngừng đổi mới hoạt động, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Qua các hoạt động tại diễn đàn Quốc hội, công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ngày càng khẳng định trách nhiệm, vai trò, vị trí của người đại biểu nhân dân. 

Đặc biệt, qua công tác tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đang ngày càng gần dân, hiểu dân, lắng nghe được nhiều tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đối với công tác tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, sau mỗi kỳ tiếp xúc, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh đều luân phiên đổi địa bàn tiếp xúc cử tri, mỗi đại biểu trong một nhiệm kỳ đều được đi tiếp xúc ở nhiều địa điểm, nhiều địa phương, cơ sở.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NINH: ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG TIẾP XÚC CỬ TRI

* Sáng 22/02, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

Dự thảo Luật lần này có một số điểm mới như: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH THANH HÓA TIẾP XÚC CỬ TRI SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG THEO CHUYÊN ĐỀ VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

* Sáng 22/2, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình do đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh tại Công ty cổ phần điện gió BT1. 

Để bảo đảm yêu cầu giám sát, các thành viên đoàn đã đề nghị công ty làm rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn; vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn trong khu vực triển khai dự án; sản lượng, doanh thu, sự ổn định của nguồn điện; giá điện; việc sử dụng năng lượng bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; một số vấn đề người dân kiến nghị.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG BÌNH GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN ĐIỆN GIÓ BT1

Thế Hà

Các bài viết khác