LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN VIỆT: QUY ĐỊNH RÕ CÁC NỘI DUNG ƯU TIÊN ÁP DỤNG LUẬT ĐẤT ĐAI TRONG TRƯỜNG HỢP CÓ SỰ KHÁC BIỆT VỚI CÁC LUẬT CÓ LIÊN QUAN

22/02/2023

Quan tâm đến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tổ chức lấy ý kiến Nhân dân rộng khắp trên phạm vi cả nước, Luật sư Nguyễn Văn Việt, Đoàn luật sư Tp.Hà Nội cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định rõ các nội dung ưu tiên áp dụng Luật Đất đai trong trường hợp có sự khác biệt với các luật có liên quan.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: TIẾP THU TỐI ĐA CÁC Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀ CÓ SỰ GIẢI TRÌNH ĐỐI VỚI VIỆC SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được coi là một trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, theo dự kiến, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Luật Đất đai được sửa đổi nhằm bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương 5 khóa XIII; phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Hiện nay, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tổ chức lấy ý kiến Nhân dân rộng khắp trên phạm vi cả nước

Quan tâm đến dự án Luật này, Luật sư Nguyễn Văn Việt, Đoàn luật sư Tp.Hà Nội cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định rõ các nội dung ưu tiên áp dụng Luật Đất đai trong trường hợp có sự khác biệt với các luật có liên quan.

Luật sư Nguyễn Văn Việt, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội

Phóng viên: Hiện nay, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tổ chức rộng khắp trên phạm vi cả nước. Luật sư có nhận định gì về việc huy động ý kiến người dân đối với dự án Luật này?

Luật sư Nguyễn Văn Việt, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội: Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung và của từng bộ, ngành, địa phương nói riêng, đặc biệt là đối với ngành công thương bởi đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành và có thời gian sử dụng dài, hệ số sinh lời cao.

Với tầm quan trọng như vậy, nên khi tiến hành sửa đổi, cập nhật, việc lấy ý kiến nhân dân là vô cùng cần thiết và quan trọng, để đảm bảo luật theo sát được diễn biến thực tế, tính toán, dự trù được những khó khăn, vướng mắc, bất cập khi áp dụng luật trong thực tiễn..

Tôi cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân sẽ giúp phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Sự góp ý của đa dạng các đối tượng, tầng lớp nhân dân vào quá trình xây dựng luật cũng sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai.

Việc lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện trên phạm vi cả nước 

Qua theo dõi thực tiễn, tôi thấy việc lấy ý kiến nhân dân đang được diễn ra khá thực chất, rộng khắp. Tôi mong rằng các cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp Nhân dân ở trong và ngoài nước có thể tham gia góp ý một cách thuận tiện, dễ dàng, minh bạch, việc tổng hợp ý kiến của nhân dân cũng cần được tiến hành khách quan, toàn diện. Ngoài ra, cũng cần truyền thông về những nội dung lớn của dự thảo Luật lần này, đảm bảo người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin, hiểu rõ và hiểu đúng vấn đề, từ đó đưa ra quan điểm, nhận định để bảo vệ quyền lợi của mình.

Phóng viên: Trách nhiệm của Nhà nước đối với quản lý, sử dụng đất đai là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Luật sửa đổi lần này. Theo luật sư, vai trò vừa là nhà quản lý, vừa đại diện chủ sở hữu về đất đai của Nhà nước đã được thể hiện rõ trong dự thảo Luật hay chưa?

Luật sư Nguyễn Văn Việt, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội: Dự thảo Luật đã làm rõ và quy định khá chi tiết quyền, trách nhiệm của Nhà nước trong các vấn đề: quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyết định mục đích sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất; giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; quyết định giá đất, điều tiết thị trường quyền sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; trách nhiệm và những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước trong tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất - không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà trong sản xuất, kinh doanh nói chung để bảo đảm sinh kế, phù hợp với tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực tế quỹ đất ở địa phương; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai...

Kể ra như vậy để chúng ta thấy rằng, trách nhiệm của Nhà nước trong vai trò vừa là quản lý, vừa đại diện chủ sở hữu về đất đai đã được đề cập tương đối đầy đủ trong bản dự thảo này. Dự thảo Luật cũng đã tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai; đồng thời tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân.

Tuy nhiên, theo tôi, dự thảo Luật còn thiếu vắng các quy định về tư cách của Nhà nước là người sử dụng đất. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Điều 53). Qua rà soát các quy định cụ thể tại dự thảo Luật cho thấy, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 6 dự thảo Luật quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” và tại Mục 1 và Mục 2 của Chương 2 quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước với hai tư cách là đại diện chủ sở hữu và quản lý về đất đai. Dự thảo Luật cũng chỉ quy định, đề cập quyền đại diện của chủ sở hữu đất đai là Nhà nước, còn toàn dân với vai trò là chủ sở hữu đất đai theo quy định của Hiến pháp năm 2013 chưa được quy định cụ thể.

Cần làm rõ vai trò của Nhà nước đối với quản lý, sử dụng đất đai (Ảnh minh họa)

Để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, tôi cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của dự thảo Luật theo hướng làm rõ vai trò của Nhà nước với ba tư cách: là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; là người thực hiện chức năng thống nhất quản lý đất đai trong phạm vi cả nước; là người sử dụng đất với cơ chế cụ thể để bảo đảm thực hiện; đồng thời, bổ sung các quy định về quyền đại diện của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư, gia công thêm để bảo đảm tính tách bạch và minh định giữa trách nhiệm, chức năng đại diện chủ sở hữu đất đai của Nhà nước với chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lạm quyền, tiêu cực, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai thời gian qua.

Phóng viên: Đối với vấn đề áp dụng pháp luật, hiện nay vẫn còn những luồng ý kiến chưa thống nhất. Theo Luật sư, việc áp dụng pháp luật cần quy định như thế nào để đảm bảo loại trừ được những vướng mắc, hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai?

Luật sư Nguyễn Văn Việt, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội: Trước hết, cần trả lời được câu hỏi, tại sao lại vẫn còn những luồng ý kiến khác nhau về quy định áp dụng pháp luật đối với luật này. Theo tôi, sở dĩ đây là vấn đề được nhiều người quan tâm và mổ xẻ bởi vì Luật Đất đai là một luật rất quan trọng, có sức ảnh hưởng, tác động rất lớn tới đời sống, xã hội. Nếu chúng ta không làm rõ được câu chuyện áp dụng pháp luật thì sẽ gây lúng túng, khó áp dụng, khó triển khai trong thực tiễn.

Theo rà soát của cá nhân tôi thì có khoảng hơn 100 luật, bộ luật có mối quan hệ với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó có rất nhiều luật, bộ luật có nội dung quy phạm pháp luật về đất đai và 24 luật không có nội dung quy phạm pháp luật đất đai nhưng có ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng đất; nhiều luật, bộ luật có quy định vướng mắc, chồng chéo với các quy định trong Luật Đất đai.

Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc tổ chức thi hành Luật Đất đai và là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai thời gian vừa qua.

Để vừa thể hiện Luật Đất đai là luật căn bản về đất đai, vừa tuân thủ nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Luật lần này đã bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật, trong đó phân loại các nhóm quan hệ thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, nhóm quan hệ thực hiện theo quy định của luật khác.

Quan điểm cá nhân tôi tán thành với cách thiết kế điều khoản này như dự thảo Luật. Theo đó, cần quy định rõ các nội dung ưu tiên áp dụng Luật Đất đai trong trường hợp có sự khác biệt với các luật có liên quan, gồm các nội dung: quyền và trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, trưng dụng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…. Hay như việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đất đai; phân loại đất; điều tra, đánh giá đất đai; chế độ sử dụng các loại đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai.

Đồng thời, cũng quy định cụ thể một số quan hệ pháp luật có liên quan đến đất đai áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành, ví dụ như trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản; Trình tự, thủ tục đấu thầu dự án có sử dụng đất thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu….

Ngoài ra, để đảm bảo luật được thực thi với sức sống lâu bền, tôi đề nghị cần rà soát tổng thể danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ để kịp thời khắc phục những điểm chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai ngay sau Luật này có hiệu lực thi hành.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Luật sư./.

Hồ Hương