CHỦ NHIỆM ỦY BAN XÃ HỘI NGUYỄN THÚY ANH TIẾP GIÁM ĐỐC KHU VỰC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cùng Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam Angela Maree Pratt
Nhiệt liệt chào đón bà Angela Maree Pratt, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chúc mừng bà nhận nhiệm vụ mới trên cương vị là Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. Đồng thời, đánh giá cao những đóng góp và hỗ trợ WHO cũng như Văn phòng WHO tại Việt Nam trong việc luôn sát cánh với Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe những thông tin cập nhật về tình hình hoạt động của WHO trong khu vực cũng như tại Việt Nam, những hoạt động mà WHO tại Việt Nam dự kiến sẽ triển khai, đồng thời cùng trao đổi những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân của Việt Nam trong nhiều năm qua và đặc biệt những năm gần đây được cộng đồng quốc tế và khu vực đánh giá cao, đặc biệt là trong việc kiểm soát COVID-19, các bệnh truyền nhiễm, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, chất lượng nguồn nhân lực y tế ngày càng được tăng cường, đa dạng hóa các phương thức đầu tư cho lĩnh vực y tế, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân (đến thời điểm hiện tại, 92% dân số Việt Nam đã có thẻ bảo hiểm y tế), y tế cơ sở ngày càng được quan tâm và từng bước đầu tư, nâng cấp để các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng gần người dân, thuận lợi, dễ tiếp cận, quan tâm nhiều hơn trong gắn kết giữa y tế với tuyên truyền, giáo dục lối sống, chú trọng công tác phòng bệnh trong đó có phòng, chống các yếu tố nguy cơ như tác hại của thuốc lá, rượu, bia…
Việt Nam liên tục đã và đang xây dựng chính sách xã hội hướng tới mục tiêu tiến bộ, công bằng, hiệu quả, chính vì vậy các chính sách, pháp luật về y tế, dân số luôn được Đảng, Nhà nước coi là trọng tâm để thực hiện mục tiêu lấy con người là trung tâm trong thúc đẩy phát triển toàn diện.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tiếp Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam Angela Maree Pratt
Chia sẻ tại buổi tiếp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, trong thời gian vừa qua, đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân và dân số, Quốc hội đã ban hành khá nhiều các đạo luật cơ bản như: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (1989); Pháp lệnh Dân số; Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người; hiến lấy xác; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Luật Người cao tuổi; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm…. Các đạo luật này đã tạo hành lang pháp lý hữu hiệu cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân (bao gồm cả về phòng bệnh và chữa bệnh).
Trong chương trình nghị sự khóa XV, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự kiến sẽ cho ý kiến đối với các dự án Luật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thuộc lĩnh vực Ủy ban Xã hội phụ trách như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Dân số, Luật Thiết bị y tế, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi), Luật Chuyển đổi giới tính/Luật Bản dạng giới.
Ủy ban Xã hội cũng đề nghị các cơ quan chức năng tổng kết thi hành các Luật đã được ban hành từ 5-10 năm để một mặt phát huy những kết quả đạt được, mặt khác sẽ có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngoài ra, Ủy ban Xã hội cũng tiếp tục đề nghị Chính phủ quan tâm, đề xuất xây dựng các Luật hiện còn đang chưa được điều chỉnh bằng văn bản Luật như về y học cổ truyền, dự phòng và kiểm soát bệnh tật, sức khỏe tâm thần…
Trong lĩnh vực giám sát, Quốc hội Việt Nam cũng như Ủy ban Xã hội đã thực hiện các giám sát tối cao, giám sát chuyên đề trong lĩnh vực này (như về nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và về việc triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, về Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng …). Kết quả của các cuộc giám sát tối cao, giám sát chuyên đề này đã được báo cáo trước Quốc hội và Quốc hội đã ban hành một số nghị quyết riêng về các vấn đề này.
Ngoài ra, Quốc hội còn giao Ủy ban Xã hội thường xuyên tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện các Luật, Nghị quyết và chính sách đã được ban hành, những vấn đề nảy sinh trên thực tế, yêu cầu của cử tri….
Quang cảnh cuộc tiếp
Trong thời gian tới, Ủy ban Xã hội đề nghị Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó, tập trung vào các vấn đề như: Cung cấp và cập nhật thông tin khách quan về tình hình sức khỏe trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam để Chính phủ Việt Nam có thể chủ động đưa ra các động thái phù hợp. Cung cấp và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạch định và thực thi chính sách về bảo hiểm y tế; phòng, chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm; già hóa dân số; giám sát và ứng phó với dịch bệnh và các các tình huống khẩn cấp về sức khỏe, đặc biệt là kinh nghiệm để có một nền tài chính y tế bền vững, minh bạch.
Đồng thời, đề nghị WHO phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt cả những dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, khẩn cấp… và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách toàn diện. Tăng cường phối hợp giữa WHO với Ủy ban Xã hội, Hội đồng dân tộc và các cơ quan của Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Vui mừng được tiếp đón nồng hậu, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam Angela Maree Pratt đánh giá cao Việt Nam đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và hiện tại Việt Nam là một trong những nước rất thành công trong tiêm chủng vaccine COVID-19 có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất trong khu vực.
Khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa WHO và Việt Nam là mối quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhất trí với những đề xuất của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội; đồng thời cho biết đây cũng là một trong những vấn đề quan tâm ưu tiên của WHO.
Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam đề nghị hai bên tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ, tích cực, hiệu quả trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm, nhất là trong lĩnh vực y tế để hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh cuộc tiếp:
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chào đón Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam Angela Maree Pratt
Quang cảnh cuộc tiếp
Các đại biểu tại cuộc tiếp
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Quốc hội Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe những thông tin cập nhật về tình hình hoạt động của WHO trong khu vực cũng như tại Việt Nam
Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhất trí với những đề xuất của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, đồng thời khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa WHO và Việt Nam là mối quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trao quà lưu niệm Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam Angela Maree Pratt
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chụp ảnh lưu niệm cùng Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam Angela Maree Pratt và các đại biểu./.