CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN DÂN TỘC VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC DÂN TỘC, CHÍNH SÁCH DÂN TỘC

21/02/2023

Chiều 21/02, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc làm việc với Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc về một số nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc thuộc trách nhiệm của hai cơ quan. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đồng chủ trì buổi làm việc.

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM: LUÔN ƯU TIÊN CAO NHẤT CHO SỰ PHÁT TRIỂN, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI CỦA ĐỒNG BÀO DTTS VÀ MIỀN NÚI

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM: NĂM 2023 TẬP TRUNG CAO ĐỘ CHO VIỆC CHỦ TRÌ THAM MƯU QUỐC HỘI TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ GIÁM SÁT TỐI CAO VỀ 03 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Quang cảnh buổi làm việc.

Cùng dự có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; các Ủy viên Thường trực và Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc.

Về phía Ủy ban Dân tộc có các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải; đại diễn lãnh đạo và chuyên viên các Vụ của Ủy ban Dân tộc, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia, Văn phòng Ủy ban Dân tộc.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm cho biết, tháng 3/2022, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc đã tiếp tục ký Quy chế phối hợp công tác cho giai đoạn 2022 - 2026 và đã cùng ban hành, tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Quy chế phối hợp năm 2022. Với tinh thần “chủ động từ sớm, từ xa”, sự phối hợp chặt chẽ của hai cơ quan đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật; công tác giám sát, khảo sát và tham mưu các vấn đề quan trọng của đất nước có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đóng góp vào kết quả chung cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ.

“Buổi làm việc nhằm trao đổi, thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cùng nhau đưa ra các giải pháp cho một số vấn đề cụ thể thuộc phạm vi nhiệm vụ công tác của hai cơ quan”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm nhấn mạnh.

Lần đầu tiên Quốc hội giám sát mang tính tổng hợp cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và được tiến hành giữa kỳ của giai đoạn 2021-2025

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm đề nghị các đại biểu tập trung một số nội dung sau:

Thứ nhất, việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 03 Chương trình mục tiêu quốc gia”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát mang tính tổng hợp cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và được tiến hành giữa kỳ của giai đoạn 2021-2025. Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 đã giao Hội đồng Dân tộc chủ trì nhiệm vụ giám sát này. Về phía Chính phủ cũng đã phân công các cơ quan của Chính phủ chủ trì xây dựng Báo cáo chung, Báo cáo đối với từng Chương trình mục tiêu quốc gia để phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm cho rằng, cần có sự tổ chức thực hiện quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, nhất là sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Dân tộc - cơ quan chủ trì Báo cáo của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc cuộc làm việc

Thứ hai, việc phối hợp xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định danh mục thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm cho biết, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai Kết luận số 19/KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã giao Hội đồng Dân tộc nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định danh mục thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam. Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân công Ủy ban Dân tộc chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự thảo Nghị quyết.

Thứ ba, vấn đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ tác động của việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc. Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế, nghiên cứu báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các tài liệu liên quan và đối chiếu các chính sách dân tộc hiện hành, Hội đồng Dân tộc đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ về vấn đề này. Đến nay, kết quả thực hiện các kiến nghị của Hội đồng Dân tộc như thế nào.

Thứ tư, tình hình thực hiện các nội dung Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân định miền núi, vùng cao; những khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung Kết luận, tiến độ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả thực hiện vào tháng 9/2023.

Thứ năm, hiện nay Đảng đoàn Quốc hội đang giao Hội đồng Dân tộc chủ trì xây dựng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về “Nghiên cứu đồng bộ hoá chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013”, theo kế hoạch sẽ trình Đảng đoàn Quốc hội vào tháng 5/2023. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm nhấn mạnh, đây là Đề án quan trọng trong lĩnh vực công tác dân tộc và sẽ có giá trị ứng dụng rất cao cho Hội đồng Dân tộc cũng như Ủy ban Dân tộc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác. Tuy nhiên, do đây là nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ, yêu cầu cao nên hiện nay cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Dân tộc, các cơ quan, đơn vị có liên quan để đảm bảo tiến độ, chất lượng của việc xây dựng Đề án.

Báo cáo kết quả giám sát cần chỉ rõ bất cập, chồng chéo trong quản lý chỉ đạo, điều hành của 3 CTMTQG

Báo cáo một số nội dung liên quan đến giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 47/2022/QH15 về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 và đã ban hành Kế hoạch giám sát tối cao về các CTMTQG. Đợt giám sát lần này có nhiều điểm mới, đặc thù so với trước đây.

Cụ thể là sẽ giám sát đồng thời cả 3 CTMTQG, thay vì trước đây chỉ tiến hành giám sát từng chương trình (tức là 3 trong 1). Nhiệm vụ được giao cho 3 cơ quan chủ trì, phối hợp là Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Kinh tế, trong đó, Hội đồng Dân tộc là cơ quan thường trực Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành 

Báo cáo kết quả giám sát sẽ là báo cáo chung của cả 3 Chương trình. Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, nội dung báo cáo cần thể hiện được mối liên hệ, tính thống nhất, chỉ rõ chồng chéo, bất cập trong quản lý chỉ đạo, điều hành (cả về địa bàn và nội dung)… của cả 3 CTMTQG. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Chính phủ có những xử lý kịp thời, nhằm sớm đưa các CTMTQG vào thực hiện một cách đồng bộ, đồng thời khuyến nghị những nội dung, các CTMTQG cho giai đoạn sau (2026-2031).

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, hiện bộ phận Thường trực Đoàn giám sát đã nhận được báo cáo giám sát lần 1 của Ủy ban Dân tộc. Đề nghị Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, làm sâu sắc thêm để bổ sung vào báo cáo một số nội dung sau: Đánh giá làm rõ những bất cập, hạn chế về công tác chỉ đạo, điều hành các CTMTQG, cả ở cấp trung ương và địa phương, bao gồm cả tổ chức bộ máy điều hành, cơ chế hoạt động và sự phối hợp. Đánh giá tính phù hợp, khả thi của các chính sách cụ thể, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện; định mức phân bổ nguồn vốn và cơ chế quản lý. Đánh giá kết quả đạt được bước đầu trên thực tiễn về triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, chính sách. Dự báo triển vọng hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Về triển khai xây dựng Luật Dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, để đảm bảo đồng bộ hóa chính sách dân tộc, trong nhiệm kỳ kháo XV, Chủ tịch Quốc hội đã giao cho HĐDT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan đề xuất nghiên cứu, xây dựng Luật Dân tộc. Thường trực HĐDT đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu cụ thể.

Về định hướng mục tiêu nghiên cứu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần lý giải, làm rõ được nguyên nhân khách quan và chủ quan của việc chưa thành công quá trình xây dựng Luật Dân tộc trong các giai đoạn vừa qua; đề xuất cơ sở lý luận, phương pháp tiếp cận, định hướng nội dung, nội hàm xây dựng Luật Dân tộc; phân tích hệ thống pháp luật, chính sách về dân tộc theo hướng đồng bộ hóa trên cơ sở quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp 2013.

Để làm rõ các nội dung trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần có cơ chế để mời thêm các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm liên quan đến công tác dân tộc và xây dựng Luật; tổ chức nghiên cứu các chuyên đề chuyên sâu theo từng lĩnh vực; tổ chức hội thảo, khảo sát tại các bộ, ngành, địa phương. Xác định đây là nhiệm vụ khó, quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với đồng bào DTTS, đòi hỏi phải có sự tham gia, vào cuộc của nhiều cơ quan bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, Thường trực HĐDT đề nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp với HĐDT ngay từ khi xây dựng kế hoạch, phân công lãnh đạo tham gia, cử đầu mối phối hợp; bố trí kinh phí để tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội nghị, hội thảo…

Báo cáo đánh giá giữa kỳ là cơ sở để xây dựng khung chương trình cho giai đoạn 2026-2030

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Làm rõ một số vấn đề liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, báo cáo đánh giá giữa kỳ nhằm chỉ ra rõ 3 CTMTQG còn gặp một số vướng mắc như thế nào về chính sách, nguồn lực, thể chế, tổ chức thực hiện, công tác phối hợp. Đồng thời xác định giải pháp thực hiện từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Báo cáo cũng chính là cơ sở để xây dựng khung chương trình cho giai đoạn 2026-2030.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn, nếu có báo cáo đánh giá giữa kỳ thì có thể cập nhật vào Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội. Do đó, kiến nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội bố trí nhân sự tham gia với Ủy ban Dân tộc để cùng thực hiện báo cáo đánh giá giữa kỳ, qua đó có thêm thông tin và tiếng nói từ cơ sở sẽ khách quan, đầy đủ và chặt chẽ hơn.

Đối với việc xây dựng Luật Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tán thành về nội dung này. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau cả về lý luận và thực tiễn, nhưng lần này giao Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì xây dựng Luật Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, Ủy ban Dân tộc sẵn sàng phối hợp với HĐDT cung cấp đầy đủ thông tin để tập trung làm tốt nhất. Sau khi có văn bản và dự thảo kế hoạch mà Hội đồng Dân tộc gửi sang, Ủy ban Dân tộc sẽ có phân công theo mô hình nhóm công tác, tổ công tác.

Đồng thời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn Hội đồng Dân tộc khi gửi văn bản thì cần có đầu mối để liên hệ ngay từ đầu trong việc phối hợp thực hiện. Ngoài ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng làm rõ thêm về kiến nghị của Hội đồng Dân tộc trong việc bố trí kinh phí cho việc, nghiên cứu, xây dựng Luật.

Kết luận về nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm nêu rõ, qua trao đổi, các ý kiến thống nhất, đây là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt năm 2023 của Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc và các cơ quan tham mưu của Quốc hội về chính sách dân tộc. Qua giám sát giữa kỳ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp từ nay đến cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để định hình khung chính sách thực hiện giai đoạn 2026-2030. Thực tiễn cũng cho thấy, có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, cách làm của Đoàn giám sát tối cao nhiệm kỳ này gắn trách nhiệm với các Tổ công tác, tính chủ động, những nội dung cụ thể của Đoàn công tác sẽ tác động đến chất lượng của Đoàn giám sát. Chất lượng của báo cáo theo phân công đối với Ủy ban Dân tộc và việc cung cấp thông tin cho Tổ công tác sẽ quyết định đến chất lượng làm việc và đánh giá của Đoàn giám sát đối với việc thực hiện nhiệm vụ này của Chính phủ nói chung và của Ủy ban Dân tộc nói riêng.

Phát biểu Kết luận về nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm nêu rõ, qua trao đổi, các ý kiến thống nhất đây là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt năm 2023 của Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc và các cơ quan tham mưu của Quốc hội về chính sách dân tộc. 

Giải quyết câu chuyện lồng ghép, phối hợp giữa 3 CTMTQG, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm đề nghị Ủy ban Dân tộc chú ý mốc thời gian báo cáo để đảm bảo tiến độ, đây là công việc rất quan trọng. Và Hội đồng Dân tộc đã có văn bản giám sát gửi cho các bộ, ngành, địa phương chưa kịp gửi báo cáo về để đảm bảo đúng thời gian quy định. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị giao cho Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành chủ trì về nội dung này, đồng thời đề nghị hai cơ quan phối hợp chặt chẽ với nhau.

Về nghiên cứu, xây dựng Luật Dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm nêu rõ, các ý kiến thống nhất sự cần thiết, tính cấp thiết của yêu cầu. Và lần này Chủ tịch Quốc hội đã giao cho Hội đồng Dân tộc nghiên cứu. Nhưng trong quá trình nghiên cứu thấy đạt yêu cầu, đảm bảo tính khả thi, đủ căn cứ và tính thuyết phục thì mới trình đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân báo cáo về công tác phối hợp thực hiện xây dựng Nghị quyết của Quốc hội quy định danh mục thành phần, tên gọi của các dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến về công tác phối hợp thực hiện xây dựng Đề án “Nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013”.

Đồng thời thảo luận về kết quả thực hiện, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về những tác động của việc phân định vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các đại biểu còn cho ý kiến về việc thực hiện Kết luận của UBTVQH tại phiên họp thứ 2, tháng 8/2021 về phân định miền núi vùng cao để báo cáo UBTVQH tại phiên họp tháng 9/2023./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Quang cảnh cuộc làm việc

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát mang tính tổng hợp cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và được tiến hành giữa kỳ của giai đoạn 2021-2025. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần có việc tổ chức thực hiện quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, nhất là sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Dân tộc - cơ quan chủ trì Báo cáo của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các đại biểu tham dự cuộc làm việc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, báo cáo đánh giá giữa kỳ nhằm chỉ ra rõ 3 CTMTQG còn gặp một số vướng mắc như thế nào về chính sách, nguồn lực, thể chế, tổ chức thực hiện, công tác phối hợp. Đồng thời xác định giải pháp thực hiện từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Báo cáo cũng chính là cơ sở để xây dựng khung chương trình cho giai đoạn 2026-2030.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân báo cáo về công tác phối hợp thực hiện xây dựng Nghị quyết của Quốc hội quy định danh mục thành phần, tên gọi của các dân tộc Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan góp ý vào các nội dung cần tập trung thảo luận.

 Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Nguyễn Văn Tân báo cáo về kết quả thực hiện, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về những tác động của việc phân định vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. 

Vụ trưởng, Chánh Văn phòng điều phối Trung ương Chương trình MTQG Hà Việt Quân cho ý kiến về một số nội dung liên quan đến giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

 Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ủy ban Dân tộc) Hoàng Đức Thành cho ý kiến về một số nội dung liên quan đến giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh